Tin tức - Sự kiện

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19

DNVN- Chiều ngày 28/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Ngày 27/2, cả nước ghi nhận thêm gần 87.000 ca mắc COVID-19 / 'Lao vào tâm dịch' để thấy mình sống có ích hơn

Hop bao

Toàn cảnh buổi họp báo.

Nỗ lực tổ chức dạy và học trực tiếp

Tại buổi họp báo, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trịnh Duy Trọng thông tin, hiện tại, số F0 và F1 là giáo viên và học sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minhđang tăng, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Cụ thể, về số ca dương tính là học sinh, ngày 21/2 TP Hồ Chí Minh ghi nhận 285 ca; ngày 22/2 là 219 trường hợp; ngày 23/2 có 178 ca; ngày 24/2 phát hiện 185 trường hợp; số trường hợp ngày 25/2 là 216. Trước tình hình trên, ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp.

Trong tuần qua, ngành giáo dục TP cũng đã thực hiện quy định mới về hướng dẫn xử lý các trường hợp F1 trong trường học. Theo đó, ở cấp mầm non, cả lớp sẽ nghỉ học nếu trong lớp xuất hiện ca dương tính.

Tại cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường hợp tiếp xúc gần (F1) sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà 05 ngày (đối với học sinh đã tiêm đủ liều vắc xin) hoặc 07 ngày (đối với học sinh chưa tiêm đủ liều vắc xin). Những trường hợp này sẽ quay lại cơ sở giáo dục khi nào có xét nghiệm “âm tính”. Quy định này thực hiện thống nhất ở tất cả các trường học, không phân chia theo khối lớp.

 

Đại diện ngành GD&ĐTTP cũng mong muốn y tế địa phương (nơi cơ sở giáo dục trú đóng) có sự tăng cường phối hợp để nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 tại trường học. Đồng thời, hy vọng các bậc phụ huynh cộng tác với nhà trường trong việc thực hiện những biện pháp đảm bảo sức khỏe cũng như đề ra phương pháp học tập phù hợp cho trẻ em, học sinh.

Đề xuất công nhận kết quả xét nghiệm tại nhà của học sinh

Liên quan đến giấy xác nhận âm tính cho học sinh là F1 đã hoàn thành việc cách ly, ông Trịnh Duy Trọng cho hay, theo hướng dẫn của ngành y tế, các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế, cở sở y tế có nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm) sẽ là đơn vị cấp giấy xác nhận này.

“Đây sẽ là điều kiện tốt nhất, bởi lẽ, nhân viên y tế có chuyên môn, đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, việc công nhận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho cho các em quay trở lại trường học trực tiếp”, đại diện GD&ĐT tạo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, thực tế, một số phụ huynh chưa có điều kiện, gặp khó khăn trong việc đưa con đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Do vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế đã thống nhất cũng như xin ý kiến UBND TP về việc triển khai việc hướng dẫn cho phụ huynh học sinh xét nghiệm COVID-19 cho con em tại nhà.

 

Cụ thể, ngành giáo dục cùng cơ quan y tế sẽ phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh thực hiện xét nghiệm. Qua đó, công nhận kết quả xét nghiệm cho học sinh, đảm bảo an toàn cho các em sau khi hoàn thành cách ly và đi học trực tiếp trở lại.

Đối với việc xác nhận âm tính cho học sinh là F0 đang cách ly điều trị tại nhà, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai đề nghị, khi con em nhiễm COVID-19, phụ huynh phải báo ngay cho chính quyền địa phương (trạm y tế địa phương) để ghi nhận, theo dõi, giám sát việc xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngày 1, ngày 5, ngày 7) và xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. Sau khi có kết quả xét nghiệm "âm tính" và có giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, trẻ mới có thể trở lại trường học.

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19

Đối với việc phân phối thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir, theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, hiện nay, việc này vẫn chưa phù hợp với Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Theo điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. COVID-19 thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, điều 48 của Luật trên cũng quy định, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.

 

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị người dân không nên tự mua thuốc điều trị COVID-19 khi chưa được kê đơn

Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TP Hồ Chí MinhPhạm Đức Hải.

“Trong 2 năm qua, chúng ta có rất nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị miễn phí. Vì vậy, hiện tại Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về việc mua bán, phân phối thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir”, Phó Ban chỉ đạo cho hay.

Trong khi chờ Bộ Y tế trả lời, ông Phạm Đức Hải đề nghị, không phải ai là F0 cũng phải sử dụng gói thuốc B và C, do đó, người nhiễm COVID-19 cần đến trạm y tế khai báo để được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định.

 

Riêng các nhà thuốc, Phó Ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế rồi mới tiến hành phân phối thuốc phục vụ nhân dân.

Trả lời báo chí về việc quản lý giá kit xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, hiện nay, Thanh tra TP đã tiến hành 3 đợt, Sở Y tế cũng 6 lần đến các kiểm tra các cơ sở có liên quan đến việc kinh doanh kit xét nghiệm trên địa bàn. Sở sẽ có báo cáo thông tin sau khi việc tổng hợp kết quả kiểm tra được hoàn tất.

Hà My
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm