Tin tức - Sự kiện

'Lao vào tâm dịch' để thấy mình sống có ích hơn

Dù vất vả, áp lực bao nhiêu, cũng không thể làm giảm bớt nhiệt huyết và sự cống hiến của các bác sĩ trẻ. Ngược lại, họ cảm thấy bản thân sống có ích hơn vì người bệnh, vì cộng đồng. Chính tuổi trẻ và nhiệt huyết đã trở thành động lực giúp các bác sĩ trẻ luôn phấn đấu và cố gắng không ngừng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Hà Nội: Học sinh lớp 1-6 ngoại thành tạm dừng đến trường chuyển học trực tuyến / Chủ tịch nước chia buồn với gia đình nạn nhân vụ lật ca nô

Ths.BS Đỗ Doãn Bách (bên trái) cũng đồng nghiệp tại BV Dã chiến số 16 trong TPHCM. Ảnh: VGP

Bác sĩ trẻ và mạng lưới đồng hành

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong ngành y, Ths.BS Đỗ Doãn Bách - một bác sĩ trẻ công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện (BV) Bạch Mai chưa bao giờ quên lời dạy của một người thầy cũng chính là ông nội của mình GS. Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai. "Là một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, từ đó mọi hành động ắt sẽ thành công". Lời dạy này càng ý nghĩa hơn bao giờ hết khi đại dịch COVID-19 ập đến, khiến hàng chục nghìn người dân Việt Nam nhiễm bệnh và thương vong. Sự góp sức của đội ngũ cán bộ y tế trên khắp cả nước là không thể đong đếm, thậm chí nói bao nhiêu cũng không đủ.

Luôn đau đáu lời dạy của ông nội, Ths.BS Đỗ Doãn Bách đặt mục tiêu cho chính bản thân mình, tuổi trẻ ngành y là phải cống hiến, cống hiến vì người bệnh, vì cộng đồng.

Tháng 7/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM và các tỉnh phía nam. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng, y tế địa phương bị quá tải trầm trọng, hàng chục nghìn cán bộ y, bác sĩ, tình nguyện viên trên cả nước được kêu gọi và được điều động vào hỗ trợ các tỉnh, thành phía nam. Như nhiều bác sĩ trẻ khác, BS. Đỗ Doãn Bách cũng viết đơn xung phong vào Nam chống dịch.

Nhận được thông tin tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp, BS. Đỗ Doãn Bách cùng các đồng nghiệp trong Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã nhanh chóng tìm cách hỗ trợ người bệnh từ xa. Từ đó, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được thành lập trong thời gian ‘thần tốc’ – chỉ 10 ngày, với sự phối hợp Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Mục tiêu của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là cố gắng tạo công cụ để làm sao tất cả bác sĩ trên cả nước đều có thể hỗ trợ được các tỉnh, thành phía nam bị quá tải y tế thời điểm đó. Mạng lưới sẽ tiếp cận được những bệnh nhân F0 để tư vấn, làm giảm sự hoang mang, lo lắng của người bệnh và sàng lọc những trường hợp nào thực sự cần phải vào viện.

Nhiều người dân thời điểm đó tâm lý rất hoang mang, lo lắng khi mắc bệnh. Chỉ cần có nhân viên y tế gọi điện tư vấn, sàng lọc bệnh, người dân sẽ rất yên tâm, không còn hoảng loạn. Và đó chính là nhiệm vụ của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đặt ra.

"Khi bác sĩ của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành gọi điện hỏi tình trạng sức khỏe, có bệnh nhân đã òa khóc. Chỉ sau khi các bác sĩ động viên và hướng dẫn cách dùng thuốc, theo dõi các chỉ số SpO2, huyết áp, chế độ dinh dưỡng, tập luyện để nâng cao sức khỏe… bệnh nhân mới bình tĩnh lại. Vài ngày sau, bệnh nhân gọi điện cảm ơn bác sĩ vì đã cho họ được sống thêm lần nữa", đó là những giây phút không thể nào quên đối với một bác sĩ trẻ như Ths.BS Đỗ Doãn Bách.

Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành được ví như "trận chiến trên mây". Các bác sĩ và bệnh nhân không biết mặt nhau, họ chỉ nghe thấy tiếng của nhau qua điện thoại. Các bác sĩ cũng chỉ mong một ngày gọi điện tư vấn được càng nhiều ca bệnh càng tốt, để người dân lấy lại niềm tin, bình tĩnh, không còn hoảng loạn.

Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tại TPHCM và các tỉnh phía nam (từ tháng 7-10/2021), Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động hơn 10.000 bác sĩ và tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn trường hợp F0 gặp khó khăn trong giai đoạn cao điểm này của dịch bệnh, chiếm 42% số bệnh nhân cả nước. Riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tại tỉnh Bình Dương do BS. Đỗ Doãn Bách trực tiếp điều hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân.

 

Đến nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đang được chuyển giao cho Bộ Y tế và bắt đầu bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội. Là một trong những thành viên sáng lập và vận hành Mạng lưới này, Ths.BS Đỗ Doãn Bách hy vọng, đây sẽ là tiền để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.

Dù vất vả, áp lực bao nhiêu, cũng không thể làm giảm bớt nhiệt huyết và sự cống hiến của các bác sĩ trẻ. Ngược lại, họ cảm thấy bản thân sống có ích hơn vì người bệnh, vì cộng đồng. Ảnh: VGP

Đồng hành cùng bệnh nhân trên mọi mặt trận

Tháng 8/2021, Bộ Y tế kêu gọi các lực lượng y tế tại các cơ sở trực thuộc Bộ tham gia chống dịch trực tiếp tại các tỉnh, thành phía nam. BV Bạch Mai được phân công nhiệm vụ thành lập BV Dã chiến số 16 tại TPHCM. Ths.BS Đỗ Doãn Bách cùng hàng trăm cán bộ y tế của BV đã ‘tiến quân’ vào TPHCM chống dịch.

 

Là bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nặng thuộc tầng 5 (trong tháp điều trị 5 tầng của TPHCM). Nhớ lại những ngày ấy, Ths.BS Đỗ Doãn Bách cho biết, khi BV Dã chiến số 16 đang được xây dựng, tất cả các y, bác sĩ được tập huấn trong 5 ngày trước khi đón nhận bệnh nhân. Dù là một trong những người sáng lập Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, đã nắm được tình hình dịch bệnh tại TPHCM sau nhiều cuộc gọi tư vấn, chia sẻ với người bệnh, nhưng khi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân trực tiếp, "tôi thực sự cũng cảm thấy chút hoang mang, bệnh nhân được đưa vào liên tục, chuông điện thoại nhiều không ngừng, tiếng xe cấp cứu chạy suốt trên đường. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện không rõ tên, địa chỉ, hầu hết bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, an thần, thở máy. Các bác sĩ luôn tâm tình trạng căng mình để chăm sóc, điều trị và cố gắng cứu bệnh nhân hết sức có thể. Cứ mỗi bệnh nhân vượt qua nguy kịch, có tiến triển về sức khỏe, các bác sĩ mới cảm thấy nhẹ nhõm, an lòng sau tan ca trực".

Đó là những trải nghiệm thực tế rất quý giá. "Nhiều bác sĩ trẻ như tôi không tránh khỏi stress, căng thẳng và suy nghĩ sau mỗi lần không thể cứu được bệnh nhân. Nhưng thời gian không cho phép chúng tôi dừng lại, nhiều bệnh nhân khác vẫn đang chờ chúng tôi. Với những kiến thức đã được trang bị cùng sự tập huấn kỹ lưỡng và kinh nghiệm từ các bác sĩ, chuyên gia trong nước và nước ngoài tư vấn, trao đổi, công việc cứ thế lôi cuốn chúng tôi. Trước khi vào TPHCM, tôi cũng đã xác định, đây là một trận chiến khốc liệt nhưng cũng chính là cơ hội để tôi cũng như các bác sĩ trẻ "xông pha" để cống hiến những gì tốt đẹp nhất vì xã hội, vì công đồng".

Vừa trực tiếp điều trị các bệnh nhân nặng tại BV Dã chiến số 16, vừa vận hành Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành hỗ trợ các bệnh nhân từ xa, khối lượng và áp lực công việc hàng ngày của bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách rất lớn.

Trong BV Dã chiến số 16, BS. Đỗ Doãn Bách làm việc luân phiên theo ca, mỗi ca 8 tiếng, nhưng nhiều bác sĩ làm việc từ 12-16 tiếng vì khối lượng công việc rất lớn. Ngoài thời gian trên, BS. Đỗ Doãn Bách tham gia Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành. Vì vậy, có nhiều cuộc điện thoại tư vấn, hướng dẫn người bệnh xuyên trưa, xuyên tối diễn ra thường nhật. "Chỉ khi nào phát hiện ra đói thì tôi sẽ ăn lúc đó", bác sĩ trẻ chia sẻ.

Mặc dù vất vả, áp lực BS. Đỗ Doãn Bách lại cảm thấy bản thân sống có ích hơn vì người bệnh, vì cộng đồng. Đó cũng chính là cảm nhận và suy nghĩ chung của hàng nghìn bác sĩ trẻ trên cả nước đã tham gia chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Tuổi trẻ và nhiệt huyết đã đã trở thành động lực giúp các bác sĩ trẻ luôn phấn đấu và cố gắng không ngừng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm