Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam qua các chuyến bay từ Hàn Quốc
Việt Nam được đánh giá cao trong việc kiểm soát dịch COVID-19 / Tai nạn công trình nghiêm trọng ở Bình Dương, 3 người tử vong
Hà Nội: Đã có kết quả rà soát người Hàn Quốc, Trung Quốc
Báo cáo về kết quả rà soát người nước ngoài tại cuộc họp thường trực Chính phủ phòng chống dịch COVID-19, chiều 24/2, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 21.805 người Hàn Quốc (gồm cả khách du lịch vào trong những ngày qua), gần 8.500 người Nhật Bản, hơn 2.700 người Trung Quốc, hơn 2.200 người Pháp, 335 người Ý, 289 người Singapore.
"Tất cả số người nước ngoài nói trên bao gồm cả công nhân, sinh viên, học sinh ở đây từ trước Tết Canh Tý 2020. Có những công dân đến Hà Nội trong tuần qua, hay ngày hôm qua như Hàn Quốc, Nhật Bản" - ông Chung cho hay.
Sau khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Nội đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, trong đó có công an thành phố chủ trì rà soát toàn bộ nơi ở của các công dân nước ngoài nói trên.
Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, có tờ rơi bằng các thứ tiếng (Anh, Nhật, Hàn) để người nước ngoài biết về các dấu hiệu bệnh và số điện thoại, địa chỉ để họ liên hệ khi có các biểu hiện triệu chứng, đồng thời sớm phát hiện, cách ly khi cần thiết.
Công dân tại các nước (trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản), cả công dân từ Việt Nam trở về nước cũng đều được giám sát, đo thân nhiệt tại sân bay Nội Bài.
Về chuẩn bị cơ sở vật chất cách ly tại các cơ sở y tế trong trường hợp xấu xảy ra, có thể cách ly tại trạm y tế, các bệnh viện công trực thuộc thành phố, bệnh viện tư nhân, bệnh viện Trung ương (35% công suất), hai trung tâm được chuẩn bị tại Bộ Tư lệnh Thủ đô.
"Chúng tôi có thể chuẩn bị cấp đủ các lực lượng, cơ sở vật chất y tế cho khoảng xấp xỉ 6.000 giường" - ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu để học sinh đi học trở lại, Hà Nội đã có chỉ đạo các trường, lớp phải đo thân nhiệt cho các cháu trước khi đến lớp và trước khi ra về. Đồng thời có xà phòng rửa tay, sát khuẩn trước khi đến lớp và ra về.
Bên cạnh đó, các trường lớp cũng tăng cường vệ sinh, khử khuẩn… sau mỗi buổi học. Các trường cũng không tổ chức chào cờ đầu tuần ở sân mà tổ chức ở trong lớp. Có thể bố trí giờ giải lao giữa các lớp lệch nhau tránh việc tập trung đông người. Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: "Chúng tôi khuyến cáo không bắt buộc đeo khẩu trang khi đến lớp học".
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, với tình hình dịch diễn biến khó lường, nếu cần thiết thì hạn chế hoạt động đối với những tụ điểm vui chơi, giải trí như tại các quán bar, karaoke…
Thái Bình: Cách ly 1 sinh viên trở về từ vùng dịch ở Hàn Quốc
Tại Thái Bình, hiện tại một du học sinh vừa mới trở về từ vùng dịch Hàn Quốc đang được cách ly, theo dõi tại Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Thái Bình và đang chờ kết quả xét nghiệm COVID-19.
Theo đó, ngày 22/2, sinh viên này đi từ Hàn Quốc qua sân bay Đà Nẵng về Nội Bài lúc 18h, sau đó bắt taxi về Thái Bình lúc 22h cùng ngày. Trong khi đó, du học sinh này đang học tại tỉnh Bắc Gyeongsan (một trong những vùng có dịch COVID-19 ở Hàn Quốc).
Sau khi về đến Thái Bình, sinh viên này không trở về nhà mà tự liên hệ để cách ly tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngay sau đó, bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm COVID-19 và đang chờ kết quả.
Một sinh viên từ Hàn Quốc trở về đã được cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Nguồn ảnh: Bộ Y tế
Cho đến thời điểm hiện tại, tại tỉnh Thái Bình có 8 trường hợp trở về từ vùng dịch Hàn Quốc và 11 trường hợp tiếp xúc gần với người nghi nhiễm đang được quản lý, theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế.
Ngoài trường hợp trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đang theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của 1 trường hợp người nước ngoài đi từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Hồng Kông và đến Việt Nam ngày 3/2. Sau đó, người này đã tự cách ly ở một khách sạn tại Hà Nội từ ngày 4/2 – 16/2. Khi kết thúc thời gian cách ly trở tỉnh Thái Bình làm việc bình thường.
Tuy nhiên, đến ngày 22/2, người nước ngoài nói trên có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Cho đến hiện tại trên địa bàn Thái Bình chưa ghi nhận được trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch bệnh COVID-19.
Hải Phòng: Lên phương án phân loại, cách ly người đến từ vùng dịch Trung Quốc, Hàn Quốc
Tại Hải Phòng, dù Hải Phòng chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào song theo đánh giá, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.. là đáng báo động.
Sáng 23/2, UBND thành phố Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVI-19 trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Hải Phòng đã báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cũng như thế giới. Theo đó, tính đến 17h00 ngày 23/2, trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc COVID-19.
Trong số 33 trường hợp nghi nhiễm COVID-19, cách ly giám sát chặt chẽ đều đã có kết quả âm tính và ra viện; có 336 người cách ly tại Khu cách ly tập trung của thành phố tại cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, hiện 334 người đã hết thời gian cách ly được ra viện, còn 2 người được chuyển về cách ly tại cơ sở 1 Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp để làm công tác khử khuẩn chuẩn bị đón tiếp đợt cách ly mới.
Tới nay, cho dù thành phố Hải Phòng chưa ghi nhận ca nhiễm nào song nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào thành phố từ Trung Quốc, các nước khác trong khu vực châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...) đáng báo động.
Một số địa phương cũng báo cáo, đến ngày 23/2 đã có nhiều người Việt Nam đi du lịch/thăm thân hoặc người Hàn Quốc quay trở lại Hải Phòng từ vùng đang là điểm nóng của dịch tại Hàn Quốc như thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang.
Hiện mỗi ngày Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng có 1 chuyến bay thẳng tới Seoul – Hàn Quốc. Mỗi chuyến bay có trung bình từ 170 – 200 hành khách. Hải Phòng cũng có nhiều lao động là người Hàn Quốc đang làm việc tại địa phương. Ước tính, số lượng người lao động cũng như khách du lịch từ Hàn Quốc đến thành phố khá lớn.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu ngành Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương thực hiện rà soát, giám sát người ra vào, nắm lịch trình trước khi vào Hải Phòng đối với toàn bộ người Việt Nam hoặc người nước ngoài di chuyển từ vùng dịch về tiến hành phân loại, cách ly.
Trước mắt, Hải Phòng tiến hành cách ly với những người Việt Nam trở về từ thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) để theo dõi, giám sát sức khỏe.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu ngành Du lịch khuyến cáo nhân dân hạn chế đi du lịch nước ngoài, đặc biệt tới những vùng có dịch. Yêu cầu Sở Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp chuẩn bị sẵn sàng cở sở vật chất, vật tư để phòng, chống dịch, thực hiện cách ly y tế tập trung tại cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp.
Đà Nẵng: Cách ly 22 người Hàn Quốc tại khách sạn 4 sao
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành cách ly 80 người đến từ TP Daegu (Hàn Quốc) vào sáng ngày 24/2.
Trong 80 người này có 58 người Việt Nam và 22 người Hàn Quốc. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, việc cách ly số hành khách này đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên mọi việc diễn ra không hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió” như một số thông tin ban đầu, mà phía 22 khách Hàn Quốc đã có những phản ứng không đồng thuận, thậm chí lúc đầu không chịu chấp hành.
Trong đó, 52 khách là người Việt Nam được đưa về cách ly tại Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa hương, huyện Hòa Vang) của Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng. Họ đều vui vẻ chấp hành. Tuy nhiên 22 khách người Hàn Quốc thì chưa đồng ý, vì cho rằng chưa có văn bản nào ở cấp quốc gia yêu cầu hay cho phép áp dụng cách ly đối với họ.
Sau khi chính quyền giải thích cho 22 khách Hàn Quốc do họ đến từ TP Daegu là nơi mà chính Bộ Y tế và Chính phủ Hàn Quốc đã công bố là “vùng dịch”. Và việc TP Đà Nẵng thực hiện biện pháp cách ly đối với họ chính là thực hiện theo quy định “cách ly đối với người đến từ vùng dịch” của Bộ Y tế Việt Nam như đã thực hiện đối với khách đến từ “vùng dịch” ở Trung Quốc.
Theo phương án ban đầu, chính quyền TP Đà Nẵng dự định đưa 22 người khách Hàn Quốc này vào Bệnh viện Phổi để thực hiện việc cách ly, nhưng sau đó xem xét lại thì thấy chưa phù hợp. Bởi vì đưa vào bệnh viện chỉ khi nào họ là người bệnh, còn hiện nay những người khách này chưa có dấu hiệu gì, và việc thực hiện biện pháp cách ly là để dự phòng nhằm đảm bảo an toàn.
Vì vậy sau đó Đà Nẵng đưa ra phương án bố trí 22 người khách Hàn Quốc này về một khách sạn để thực hiện quy chế cách ly. Đây là sự chủ động xử lý của chính quyền địa phương do chuyến bay đến từ TP Daegu là nơi có dịch bệnh. Mặc dù lúc đầu các hành khách Hàn Quốc chưa đồng tình nhưng sau đó chính quyền đã thuyết phục được họ đồng thuận với phương án mới là thực hiện việc cách ly tại một khách sạn 4 sao.
Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam qua các chuyến bay từ Hàn Quốc
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia y tế khuyến cáo không chủ quan trước tình hình dịch bệnh và tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong thời gian tới.
"Vẫn còn nguy cơ ghi nhận thêm một số trường hợp trong cộng đồng" – ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Về ứng xử với tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã khuyến cáo công dân Việt Nam không tới 2 tỉnh có dịch của Hàn Quốc (TP Daegu và Gyeongbuk), không tổ chức các đoàn du lịch đến các khu vực có dịch cũng như các đoàn khách từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Chúng ta cũng không khuyến khích những người từ vùng dịch của Hàn Quốc quá cảnh qua Việt Nam.
Bộ Ngoại giao và Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo công dân và người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thực hiện các hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc, không cần quay về Việt Nam.
Ngoài ra, từ 15h ngày 23/2, Việt Nam đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những người đến từ hoặc qua Hàn Quốc tới Việt Nam từ vùng có dịch của Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất. Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, có sân bay quốc tế và có 14 chuyến bay thẳng đến Việt Nam; đồng thời tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang có nhiều công dân Việt Nam sinh sống (trên 50.000 người).
"Do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta thông qua các chuyến bay từ thành phố Daegu là rất lớn nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt" – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo