Nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0: Robot không thể thay thế được giáo viên mầm non
Đề xuất chi biên soạn tài liệu giáo dục / 3 chính sách nổi bật về Lao động - Giáo dục có hiệu lực đầu tháng 11/2018
Đó là những chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM tại hội thảo khoa học với chủ đề “Nhu cầu nhân lực cho phát triển trong bối cảnh CMCN lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục đại học Việt Nam” diễn ra vào sáng 23/11 tại trường ĐH Kinh tế TPHCM.
Hội thảo do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM tổ chức với gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý giáo dục các trường ĐH trên cả nước tham dự.
Giáo dục mầm non vẫn phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS Kim Anh, cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao muốn phát triển thì phải bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ nhất là tuổi mầm non, nhưng chính sách và cách tiếp cận về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong giáo dục mầm non (GDMN) vẫn còn nhiều bỏ ngỏ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM trao đổi tại hội thảo.
Theo bà Kim Anh, ở nước ta hiện đào tạo đơn ngành nên khi chuyển đổi qua ngành khác sẽ gặp khó khăn, nhiều rào cản. Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng cho biết chúng ta đang thiếu tới 65.000 giáo viên mầm non (GVMN) nhưng lại đang thừa 27.000 giáo viên tiểu học, THCS và THPT. Thực trạng này khiến xã hội băn khoăn, trên bàn nghị sự Quốc hội của đặt vấn đề tại sao lại có sự quá thừa GV như thế, thậm chí nhiều người phải bỏ ngành chuyển sang làm những công việc tay chân.
Bà Kim Anh đặt câu hỏi tại sao không thay đổi chương trình, phương thức đào tạo để các GV yêu nghề có thể chuyển đổi ngành nghề giữa các cấp học. “Chỉ cần học thêm phương pháp đặc thù tâm lý của trẻ mầm non, đội ngũ này có thể giải quyết bài toán thiếu GVMN trầm trọng hiện nay”.
Bên cạnh đó, với trình độ chuẩn của GVMN Việt Nam hiện nay là trung cấp sư phạm, bà Kim Anh khẳng định bắt buộc phải nâng chuẩn lên cao đẳng sư phạm. “Quả là nghịch lý vì chúng ta đang thiếu nhân lực nhưng nếu không nâng chuẩn lên cao đẳng thì làm sao nâng cao vị thế, đời sống, lương bổng của GVMN. Quan trọng hơn nữa chính là nâng cao năng lực của lực lượng này thì mới nâng được chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ mầm non”, bà Kim Anh chia sẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi phát huy sáng tạo, đổi mới sáng tạo thì GDMN không thể xa rời “vòng xoáy” này. Theo phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, cuộc cách mạng này đòi hỏi một nền giáo dục mới khả năng cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực trong GDMN đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp và kinh tế 4.0. Nguồn nhân lực này có các năng lực không chỉ đáp ứng cho công việc tương lai mà còn cả khả năng linh hoạt chuyển đổi công việc và nghề nghiệp khi có sự thay đổi, đặc biệt có các kỹ năng sáng tạo, sáng nghiệp và các kỹ năng công nghệ thông tin, có các năng lực và phẩm chất của công dân toàn cầu.
“Tuy vậy, ngành GDMN vẫn phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi robot không thể thay thế được GVMN - là người mang lại tình cảm thương yêu, chăm sóc, sự vỗ về cũng như tâm đối với trẻ”, bà Kim Anh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài cũng tham gia đóng góp.
Ngoài ra, đáp ứng CMCN 4.0, TS Nguyễn Thị Kim Anh kiến nghị các trường đại học thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng, trong đó một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tránh nơi thừa, nơi thiếu GVMN.
Đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ chính các trường đại học
Cũng tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Tiến sĩ Bùi Trung Hải cho biết: Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 nhiều ngành mới sẽ ra đời trên sự sáng tạo tri thức mới, với đòi hỏi chuyên môn ngày càng cao. Vì vậy, chuyên môn và kỹ năng của nhân lực cần phải được nâng lên dựa trên sự sáng tạo và đổi mới không ngừng.
“Tương lai nhu cầu lao động nhiều lĩnh vực mới sẽ gia tăng khi một số ngành mới phát sinh ngày càng nhiều do đó để khoảng cách giữa kỹ năng và việc làm trong lực lượng lao động tương lai không bị kéo ra quá rộng. Ngành giáo dục cần nghiên cứu, tái cấu trúc hệ thống giáo dục, động lực và khuyến khích việc học tập suốt đời, khuyến khích những sự cộng tác giữa các ngành, nghề mới gắn với sự đa dạng kỹ năng”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, đổi mới sáng tạo phải trở thành tiêu chuẩn đầu ra và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo đại học trong thời kỳ CMCN 4.0. Trong đó, đổi mới nội dung đào tạo theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành cùng với đổi mới phương pháp đào tạo (không gian học tập mở) phải được các trường chú ý. Đặc biệt, để có được một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, ngành giáo dục phải đổi mới về cấu trúc và quản lý giáo dục đại học với quy hoạch mạng lưới phổ quát hơn, và đẩy mạnh tự chủ đại học.
Chung một góc nhìn phải thay đổi nhiều trong hệ thống và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực tại các trường, nhiều đại biểu cho rằng, nhu cầu về nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ chính các trường đại học. Bởi thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam tuy dồi dào về số lượng xong nhiều hạn chế về chất lượng. Đặc biệt là nhóm ngành nhân lực chất lượng cao.
PGS. TS Lưu Bích Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cũng cho rằng các trường đại học cần những bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để có thể đảm bảo thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo