Nhiều cơ chế ưu đãi cho mặt hàng nông sản chủ lực
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm rất chậm / Hà Nội có 711 ca mắc COVID-19 mới ngày 3/5, gần 150.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1
Theo cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị, trong những năm trở lại đây, các loại cây công nghiệp như tiêu, cà phê là loại nông sản xuất khẩu chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nguy cơ đối diện với diện tích cà phê thoái hóa, già cỗi, kém chất lượng ngày càng lớn; đòi hỏi phải thực hiện tái canh. Bài toán đặt ra hiện nay là việc vay vốn tái canh cây cà phê rất khó, nguồn vốn phân bổ về đôi khi rơi vào mùa khô, là thời điểm không thực hiện tái canh được. Do đó, cử tri đề nghị ngân hàng cần quan tâm cấp vốn đúng thời điểm, giảm thiểu tối đa các thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất.
Phản hồi về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, người dân vay vốn tái canh cà phê, sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu,… đều thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng theo quy định với nhiều cơ chế ưu đãi. Cụ thể, người dân được xem xét vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án. Đồng thời, ngân hàng có cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ) khi xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; được giảm lãi suất tối thiểu 0,2%/năm khi mua bảo hiểm trong nông nghiệp; được xem xét, thỏa thuận về việc ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm...
Ngoài ra, khách hàng vay vốn ngành hồ tiêu, cà phê còn được tiếp cận một số chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, doanh nghiệp, người dân sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất khi mua máy móc theo danh mục máy móc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hoặc được hưởng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khi đầu tư các dự án dây chuyền máy, thiết bị chế biến hồ tiêu, cà phê.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, tích cực rà soát các cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng theo hướng giảm bớt các thủ tục, giấy tờ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nội bộ để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Riêng đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã phát triển các sản phẩm tín dụng, hình thức cấp tín dụng với quy trình thủ tục ngày càng đơn giản, thông qua việc áp dụng hình thức cho vay lưu vụ, cho vay qua sổ tín dụng, cho vay thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai ngân hàng lưu động xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ thay vì người dân phải đến trụ sở ngân hàng… với các thủ tục đơn giản, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, một số thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật, như xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (đặc biệt là tài sản hình thành trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới…), đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm toán báo cáo tài chính…
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự phối hợp tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo