Những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tháng 4
5 nhiệm vụ trọng tâm để tỉnh Vĩnh Long "cất cánh" / Thủ tướng lưu ý, dịp nghỉ lễ 30/4 năm ngoái chính là thời điểm bùng phát dịch COVID-19
Ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán và thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.
Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03/12/2021, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 07/4/2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 14/4/2022.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4
Tại Thông báo 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong việc cung ứng, nhập khẩu và tiêm vaccine cho trẻ em.
Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4/2022. Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong Quý II/2022 cho các đối tượng cần tiêm để các cháu đến trường an toàn trong các tháng học hè và bắt đầu năm học mới an toàn vào tháng 9/2022.
Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm, nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, công nhân trong các khu công nghiệp, người lao động ở khu đông người.
Chính phủ ban hành chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
Ngày 12/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Nghị quyết đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...
Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm
Ngày 19/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.
Đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
Tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới. Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các Bộ, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ODA, nhất là dự án trọng điểm, vốn lớn; phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.
Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP.
Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải
Ngày 10/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện 310/CĐ-TTg về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi (nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư), chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, bố trí cho đầu tư các công trình, dự án của địa phương phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện số 364/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt theo quy định; đồng thời khẩn trương lập quy hoạch 5 vùng: Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia theo nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Hoàn thành Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022
Tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022 theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng; trên cơ sở đó rà soát, tổng hợp danh mục chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, hằng năm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.
Chủ trì, làm việc với các đối tác phát triển và các nhà tài trợ xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi,...), trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu,... và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vùng…
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện 366/CĐ-TTg ngày 21/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành Dự án, đặc biệt là 04 dự án thành phần hoàn thành năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ: Khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của công tác GPMB nêu trên để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án trong tháng 4 năm 2022; chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng nêu trên; chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và địa phương.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá vật liệu xây dựng tại khu vực xây dựng Dự án.
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương về việc phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5/2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:
Chủ động có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, chú trọng các tuyến khu vực có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công; chủ động tạm dừng thu phí, xả trạm để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; yêu cầu người điều khiển phương tiện tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra TNGT đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa.
Tập trung thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm nghiêm trọng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định và quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, lái xe điều khiển phương tiện lưu thông trái phép vào làn thu phí điện tử không dừng (ETC), vi phạm khi qua đường ngang, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn;…
5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy
Chính phủ ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Ngày 25/4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số 381/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch trên địa bàn, chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch; ngăn chặn tình trạng không niêm yết giá công khai và không bán đúng giá niêm yết, kinh doanh du lịch, lữ hành trái phép, lừa đảo, trục lợi, chèo kéo, nài ép khách du lịch vào dịp cao điểm.
Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” quan trọng để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số là vấn đề chia sẻ dữ liệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo