Đầu tư từ các tập đoàn, công ty
Ngày 30/10 diễn ra đại hội cổ đông bất thường tại Trường ĐH Hoa Sen. Sở dĩ có đại hội này là vừa qua Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã mua cổ phần tại Trường ĐH Hoa Sen. Ban đầu là các cổ đông nhỏ lẻ liên hệ để chuyển nhượng cổ phần. Sau đó, lãnh đạo tập đoàn tiến đến đàm phán để mua lại cổ phần từ cổ đông lớn của nhà trường. Theo thông tin mà PV Thanh Niên nắm được, tập đoàn này đã sở hữu trên 51% cổ phần, đủ để triệu tập đại hội cổ đông bất thường, bầu ra hội đồng quản trị mới.
Thông tin chuyển nhượng này tạo ra làn sóng tranh luận trong giới hoạt động giáo dục vì đây được xem là “thương vụ ngàn tỉ” với một trường ĐH tư đã có tên tuổi. Theo các chuyên gia, tính tổng cộng, Trường ĐH Hoa Sen được định giá cũng phải xấp xỉ 2.000 tỉ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên đông, thương hiệu tốt và đang trên đà phát triển. Mặc dù trải qua một thời gian dài có tranh chấp nội bộ và sụt giảm về giá trị, nhưng Hoa Sen hiện vẫn thuộc những trường có doanh thu cao từ học phí sinh viên.
Một tập đoàn khác cũng đang có những động thái đầu tư vào lĩnh vực giáo dục khá mạnh là Thành Thành Công. Tập đoàn này hiện đang sở hữu Trường ĐH Yersin (Đà Lạt) và Trường CĐ Công nghệ và Quản trị Sonadezi (Đồng Nai) và 7 trường mầm non cùng với 15 trường tiểu học - THCS - THPT ở TP.HCM, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Dương.
Những công ty có tiềm lực lớn mạnh đã đầu tư tiền tỉ để sở hữu các trường ĐH, CĐ. Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech mua lại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) với giá hơn 100 tỉ đồng khi chủ tịch HĐQT cũng là thành viên chủ chốt của HĐQT sở hữu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech). Công ty CP phát triển Hùng Hậu mua lại Trường ĐH Văn Hiến khoảng 60 tỉ đồng cùng việc sở hữu CĐ Vạn Xuân, TC Vạn Tường. Công ty cổ phần Vicostone (VCS) sở hữu Trường ĐH Thành Tây.
Quỹ đầu tư vào cuộc
Trường ĐH Văn Lang là trường có khá ít thông tin với báo chí, vì thế ít ai biết 2 công ty đang sở hữu cổ phần lớn nhất trường này là Công ty CP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và Công ty CP đầu tư Việt Nam - Oman (Vietnam - Oman Investment - VOI). Trong đó, VOI là công ty liên doanh giữa hai quỹ đầu tư cấp quốc gia: Quỹ dự trữ quốc gia Vương quốc Oman và Tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước VN.
Chúng tôi từng có mặt cùng một cựu nhân viên của VOI đi tìm hiểu để sang nhượng lại một dự án trường ĐH. Người chủ dự án liên hệ với công ty này để bán lại dự án, nhưng vì nhiều lý do, công ty không quan tâm đến dự án. Anh H., nhân viên của VOI, dùng tư cách cá nhân, để làm hợp đồng đại diện, sau đó đi tìm những nhà đầu tư để sang nhượng lại dự án này. Tuy nhiên, trong 2 lần gặp gỡ với 2 nhà đầu tư khác nhau, dự án này cũng chưa bán được. Đến tháng 6.2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát và báo cáo các đề án thành lập trường ĐH (đã có chủ trương thành lập). Dự án trường ĐH nào quá hạn sẽ bị hủy bỏ. Dự án trường chào bán cho VOI trước đó cũng nằm trong danh sách này.
Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (Institution of American Education - IAE) đã hoàn tất việc nhận đầu tư hàng chục triệu đô từ TAEL Partners - một quỹ đầu tư hiện đang quản lý số vốn lên tới hàng tỉ đô la Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên TAEL Partners đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại VN. Đáng chú ý, trong các đơn vị thành viên của IAE hiện nay có Trường ĐH Phú Xuân (Huế) và CĐ nghề Việt - Mỹ.
Cơ hội để các trường hoạt động tốt hơn ?
Việc mua bán các trường ĐH diễn ra trong thời gian qua, theo lý giải của các chuyên gia, là do mua lại cổ phần để sở hữu một trường ĐH đang hoạt động đơn giản hơn nhiều so với việc thành lập trường ĐH mới.
Theo tiến sĩ kinh tế Trần Vinh Dự, mua bán trường ĐH phức tạp hơn nhiều so với mua bán một doanh nghiệp đơn thuần. Tuy nhiên, nó lại đơn giản hơn việc thành lập trường ĐH mới. Vì hiện nay theo quy định mới, thành lập trường ĐH phải có vốn 1.000 tỉ đồng nên không nhiều người có trong tay số tiền này. Cũng theo ông Dự, việc mua bán trường ĐH tư thục là chuyện rất bình thường và sẽ còn tiếp diễn.
Lãnh đạo Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết việc đầu tư vào các trường ĐH sẽ giúp các trường có hướng đi mới, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, trước đây, các trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu mà tập đoàn này mua lại cổ phần để sở hữu đều đang nằm trong tình trạng hoạt động khó khăn.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân sau khi Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ mua lại. Trước đây, ông Minh cũng là hiệu trưởng của Trường ĐH Thành Tây. Ông Minh cho biết trước khi chuyển nhượng, Trường ĐH Phú Xuân nợ lương trên 100 cán bộ, cơ sở vật chất xuống cấp. Trường ĐH Thành Tây có mâu thuẫn lớn trong nội bộ. Sau khi mua lại, Trường ĐH Phú Xuân đã có cơ sở mới xây dựng. Trường ĐH Thành Tây đang đầu tư rất mạnh cho khoa học và mời những cán bộ nghiên cứu giỏi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về làm việc, cộng tác.
“Cơ bản việc đầu tư hay nói nôm na là mua bán trường ĐH hiện nay đang tích cực nhiều hơn tiêu cực. Đây là cơ hội để các trường ĐH phát triển tốt hơn “một lần nữa”. Một vấn đề khác cần lưu ý là việc chuyển nhượng này đa phần chuyển dịch từ sở hữu bởi các cá nhân sang sở hữu tổ chức. Điều này tốt hơn cho việc quản trị chuyên nghiệp”, tiến sĩ Minh cho biết.
Tháng 1.2018, tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ĐH tư thục” do Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia giáo dục vẫn tranh luận khá gay gắt vấn đề có nên xem trường ĐH tư thục như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng trường ĐH tư thục trong thời gian vừa qua cho thấy thực tế diễn ra tại các trường này không có gì khác việc mua bán, sáp nhập tại các doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng nên xem trường ĐH tư thục là “một doanh nghiệp có điều kiện” sẽ đúng hơn với thực tế hiện nay.
Theo GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều nước châu Á tiếp cận theo hướng ĐH tư thục là phân nửa lợi nhuận. Nghĩa là xem các trường này vì lợi nhuận như các công ty nhưng có chính sách quản lý để các trường không trở thành siêu lợi nhuận.