Tin tức - Sự kiện

Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021

Vấn đề vaccine, vai trò của lực lượng vũ trang trong công tác hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch, tiếp tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa... là một số nội dung được báo chí quan tâm nêu ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 tại Hà Nội chiều 6/9.

Hơn 60% văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm ban hành / Thực hiện nghiêm kỷ cương trong xây dựng pháp luật, hạn chế nợ văn bản hướng dẫn

PV Kỳ Thành (báo Đầu tư): Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc chiều 5/9 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khi đã tiêm 2 mũi vaccine thì có thể chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh. Xin cho biết cụ thể ý kiến về vấn đề này?

Xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình dạy và học tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội như thế nào? Phương án ra sao nếu như dịch tiếp tục kéo dài? Một số địa phương cũng quyết định cho học sinh học trực tuyến đến hết học kỳ 1, nhưng có rất nhiều gia đình khó khăn, không có điều kiện để mua các thiết bị thông minh như là máy tính bảng, điện thoại… Xin cho biết giải pháp để tháo gỡ?

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Đây là vấn đề đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế sẽ bàn sớm với các bộ, ban, ngành liên quan. Trước tiên là trong nội bộ Bộ Y tế, dựa trên sự tham vấn của các nhà khoa học, các vụ, cục liên quan để đưa ra đề xuất phù hợp, sau đó sẽ tham khảo bộ, ban, ngành trước khi trình Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Trước khi vào năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục bàn rất kỹ về các vấn đề trọng tâm trong năm học này, làm thế nào để giữ vững được chất lượng giáo dục đào tạo trong điều kiện dịch bệnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt nhiệm vụ trọng tâm năm nay là phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, những công nghệ, công cụ để tổ chức việc dạy và học, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Trước khi vào năm học mới, Bộ cũng đã tổ chức các hội nghị tổng kết năm học cho từng bậc học và sau đó đã có chỉ thị của Bộ trưởng hướng dẫn từ mầm non đến tiểu học, trung học. Bộ trưởng cũng đã có chỉ thị hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy và học trong điều kiện dịch bệnh cũng như tổ chức khai giảng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19. Bộ chuẩn bị và hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục nhiều biện pháp để thực hiện việc dạy và học, và cũng có kế hoạch đẩy mạnh trong thời gian tới.

 

Nội dung chính như sau: Việc dạy và học trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cách ly thì phải khai thác các phương tiện khác nhau, trong đó phải tận dụng học liệu điện tử, dạy và học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, rồi học từ xa, theo phương châm dù khó khăn đến đâu cũng phấn đấu dạy tốt và học tốt, tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện. Những nơi có điều kiện dạy học trực tiếp thì các nhà trường tổ chức để học sinh, sinh viên theo học trực tiếp, nơi nào không có điều kiện thì dạy và học trực tuyến hoặc qua truyền hình.

Hiện nay chúng ta thấy, học trên các phương tiện trực tuyến có rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi chúng ta tổ chức các lớp học ảo, có tương tác thời gian thực giữa giáo viên, giảng viên với sinh viên, học sinh. Ưu điểm là học sinh, sinh việc được tương tác trực tiếp với thầy cô thời gian thực và qua mạng. Nhưng giải pháp này cũng có nhược điểm rất lớn là tổ chức khó khăn, thiếu thiết bị và đặc biệt là liên quan đến dung lượng đường truyền, khi truyền lượng video lớn với 20 triệu học sinh, sinh viên. Nếu chỉ tính 10% tham gia học cùng lúc thì 2 triệu học sinh, sinh viên tương tác với thầy cô bằng video qua mạng, rất khó bảo đảm được đường truyền.

Vì vậy mà phương án thứ 2 là Bộ đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tận dụng các bài giảng, bài học điện tử, các bài giảng điện tử này có thể tải trên mạng. Bộ đã chuẩn bị 1 kho học liệu lớn trên Cổng thông tin điện tử kết nối với Youtube, trên Hệ tri thức Việt số hóa.

Riêng đối với lớp 1 có video hỗ trợ bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ, các bài giảng và video này cũng được phát trên truyền hình, cụ thể trên kênh VTV7, VTV1, VTV2; trên VTV7 có môn Tiếng Việt và Tiếng Anh được phát hằng ngày vào buổi chiều từ 14h00 đến 15h30, trên VTV1 và VTV2 có môn Tiếng Việt cho lớp 1. Với những học liệu đó, nếu nơi nào không đủ điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo.. để các em học ở nhà và kèm theo đó là tài liệu hướng dẫn.

Nơi nào không có học liệu trên truyền hình, thì những bài học này được phát lại nhiều lần trong tuần trên 3 kênh, các địa phương hoàn toàn có thể tải video về phát trên đài truyền hình địa phương, còn những nơi không có điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường tạo điều kiện hướng dẫn học sinh học từ xa qua các tài liệu.

 

Trong thời gian dịch bệnh, phải tận dụng mọi điều kiện để các em học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, đến khi tình hình được kiểm soát, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh, sinh viên và giáo viên, thì cho các em đến trường, đến lớp để học tập trung. Lúc đó, những nơi học sinh không có điều kiện học tập tốt trong thời gian này cần được các nhà trường, giáo viên hỗ trợ phụ đạo để giữ vững chất lượng đào tạo.

Trong điều kiện hiện nay, cần có sự chung tay của cả xã hội, sự hỗ trợ của các bộ, ngành rồi sự vào cuộc của các địa phương trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên từ thiết bị, đường truyền, rồi hướng dẫn phụ huynh, gia đình cùng hỗ trợ học sinh, đặc biệt lá các em lớp nhỏ. Dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. Cũng có ý kiến cho rằng tại sao không lùi năm học? Chúng ta biết dịch bệnh còn có thể kéo dài, chúng ta không thể chờ được, phải cố gắng, tận dụng tất cả những gì đang có để tổ chức dạy và học tốt.

PV Công Định (Truyền hình TTXVN): Thời gian qua, Học viện Quân y đã qua giai đoạn thứ 3 thử nghiệm vaccine Nanocovax. Trong thực tế thử nghiệm vừa qua đã có nhiều tình nguyện viên tiêm thử vaccine này. Xin hỏi bao giờ sẽ đưa vaccine thử nghiệm đó vào tiêm trên thực tế?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Chúng ta mời các tình nguyện viên tham gia trước hết trên tinh thần tự nguyện vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học với mong muốn chúng ta sớm tự chủ được vaccine. Hiện tại, vaccine Nanocovax chưa thực hiện hết pha 3 mà đang thực hiện giữa pha 3. Ngày 22/8 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen kết hợp với Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã nộp hồ sơ sau khi kết thúc thực hiện lâm sàng pha 3 để gửi lên Hội đồng Đạo đức quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại mà Hội đồng cấp phép kiến nghị cần phải giải quyết.

Chúng ta mong muốn sớm có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất. Tuy nhiên, vaccine là một sản phẩm đặc biệt liên quan đến cả cộng đồng và nhiều thế hệ. Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Y tế là chúng ta làm nhanh nhưng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.

 

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng cấp phép, còn 3 nội dung mà Công ty cũng như đơn vị nghiên cứu cần thiết phải bổ sung. Về tính an toàn, cần bổ sung, cập nhật thêm dữ liệu an toàn cho toàn bộ đối tượng đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine tới thời điểm hiện tại và giải thích rõ về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng tới thời điểm hiện tại.

Về tính sinh miễn dịch, cần bổ sung, cập nhật dữ liệu theo Đề cương sửa đổi mới nhất được Hội đồng Đạo đức thông qua, bao gồm: Bổ sung, cập nhật đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới (ví dụ biến chủng Delta, biến chủng Anh…) và cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được thông qua.

Về hiệu quả bảo vệ, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine và hiệu quả bảo vệ tối thiểu 50% (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Còn về thời điểm, khi nào chúng ta lưu hành sẽ do Hội đồng Đạo đức, Hội đồng Khoa học thống nhất với đơn vị tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phóng viên báo Thanh tra: Về việc chung sống an toàn với dịch, vaccine đang đóng vai trò chủ đạo. Xin hỏi trong tháng 9 và tháng 10 sẽ có bao nhiêu liều vaccine được chuyển về?

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Hiện nay trong nước đang thử nghiệm lâm sàng 3 loại vaccine: Nano Covax, COVIVAX và vaccine ARCT-154, sang năm 2022, chúng ta sẽ tự chủ vaccine trong nước. Có thể nói, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, lượng vaccine về Việt Nam sẽ càng ngày càng nhiều, dự kiến trong tháng 9-10/2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ khoảng hơn 30 triệu liều vaccine.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Vấn đề tiếp cận vaccine là một trong những vấn đề ưu tiên, trọng tâm hàng đầu của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế, sản xuất. Nhưng cũng phải nói rằng, vấn đề tiếp cận vaccine không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu cũng rất khó khăn. Chủng Delta diễn biến phức tạp nên nhu cầu sử dụng vaccine rất nhiều. Thêm vào đó là vấn đề tiếp cận bất bình đẳng giữa nước giàu, nước nghèo trong vấn đề tiếp cận vaccine. Đặc biệt, nguồn cung vaccine trên toàn cầu hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Theo con số mới nhất tôi nắm được, trong 6 tháng năm 2021, nếu như thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine để đạt trạng thái (gần như) miễn dịch cộng đồng thì mới chỉ sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều. Do đó tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ rất sớm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ngoại giao vaccine. Chính phủ đã lập ra Tổ ngoại giao vaccine của Chính phủ để đảm nhận trọng trách này do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng và các thành viên từ các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Công Thương, KH&CN. Trong thời gian qua, Tổ công tác về ngoại giao vaccine đã tổ chức triển khai công tác tìm kiếm, huy động vaccine khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương qua các tổ chức quốc tế (như cơ chế COVAX) và đẩy mạnh các hoạt động vận động ngoại giao vaccine thông qua mạng lưới đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất không chỉ vaccine mà còn thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế.

Tổ ngoại giao vaccine dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai theo 3 hướng: Ưu tiên đẩy mạnh cam kết thực hiện theo hợp đồng vaccine mà Chính phủ đã kí kết với các hãng lớn như Astra Zeneca, Pfizer; tranh thủ huy động các mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương hữu nghị để tiếp cận các nguồn vaccine từ các nước đối tác thông qua nhiều hình thức khác nhau như viện trợ qua thương mại và vay. Để bảo đảm nguồn cung ứng vaccine ổn định, lâu dài, Tổ công tác cũng đẩy mạnh thúc đẩy việc kí kết các hợp đồng mua vaccine mới với các hãng lớn cũng như đẩy mạnh hợp tác để sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm việc tiếp cận ổn định.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến nay kết quả đạt được khá tích cực. Nếu như đầu tháng 8 chúng ta huy động được khoảng 16,6 triệu liều vaccine thì đến cuối tháng 8 chúng ta có 33 triệu liều vaccine. Dự kiến đến cuối tháng 10 chúng ta có thể huy động hơn 30 triệu liều vaccine. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều vaccine về Việt Nam.

 

Về thuốc đặc trị, chúng ta cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn thuốc đặc trị khác nhau. Bộ Y tế cùng các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã vận động chính phủ các nước để nhập khẩu thành công nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ.

Tổ công tác cũng đẩy mạnh việc tiếp cận các trang thiết bị y tế từ các nguồn khác nhau. Đến nay đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ nhiều thiết bị y tế trị giá đến hàng triệu USD như: 660 máy thở, 600 máy tạo ô xy, 1.000 tấn ô xy... đã được chuyển về Việt Nam để hỗ trợ công tác chống dịch.

Công tác ngoại giao vaccine trong thời gian vừa qua đã đạt nhiều kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy trong tình hình dịch bệnh và biến chủng Delta diễn biến phức tạp, nhu cầu về vaccine, nhu cầu về trang thiết bị y tế còn rất lớn. Chúng tôi chân thành cảm ơn các đối tác, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, kiều bào đã hỗ trợ Chính phủ, nhân dân trong nước rất nhiều trong việc tiếp cận vaccine, tiếp cận thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế... Nhưng sắp tới nhu cầu còn rất lớn, chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các nước đối tác của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng bà con ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để có nhiều vaccine và thuốc đặc trị hơn sẽ đến với Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

PV Thu Hằng (Vietnamnet): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, Công an và Quân đội đã điều lực lượng vào TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam để hỗ trợ chống dịch. Chính phủ có đánh giá kết quả bước đầu về việc thực hiện chủ trương này như thế nào?

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Thực tế sự hiện diện của lực lượng quân đội và công an tham gia chống dịch đã quá rõ ràng. Bởi dịch bệnh ở tình trạng cấp bách, các lực lượng tại chỗ đã cố gắng hết mức nhưng không đáp ứng được, nên Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã điều động lực lượng nhất định vào hỗ trợ người dân.

 

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phòng chống dịch bệnh, công an các địa phương phía nam đã huy động tối đa quân số, lực lượng tham gia, với hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ công an tham gia chống dịch trên tất cả các tuyến. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đơn vị 3 tháng nay không nghỉ ngơi, hầu như làm việc 24/24.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam phòng chống dịch, Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 2.500 học viên các trường công an tham gia nhiệm vụ bảo đảm ANTT, hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch; hơn 600 cán bộ y tế của công an tham gia điều trị COVID-19 tại các bệnh viện ở trong TP Hồ Chí Minh và bệnh viện dã chiến của công an. Sáng nay (6/9), hơn 900 cán bộ, chiến sĩ công an các lực lượng vào hỗ trợ cho 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phòng chống dịch.

Việc hiện diện của lực lượng công an trong đời sống xã hội chúng ta thấy hằng ngày, hằng giờ. Hiệu quả để nhân dân, cấp ủy, chính quyền đánh giá. Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình, làm tất cả để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh và quan trọng nữa là bảo đảm ANTT cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là sau khi dịch giảm đi, bởi vấn đề ANTT, an toàn xã hội là rất quan trọng. Việc triển khai lực lượng công an, quân đội vào phía nam trong đợt dịch này là rất cần thiết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn: Thời gian vừa qua, ngoài lực lượng công an, lực lượng quân đội, cả lực lượng quân y, các trạm y tế lưu động, trang thiết bị y tế… rất nhiều việc quân đội đã triển khai ở các tỉnh phía nam. Xin mời Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) làm rõ thêm vấn đề.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng).Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng): Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Bộ Quốc phòng đã điều động trên 120.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ để tăng cường hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam với quyết tâm cao nhất, trách nhiệm cao nhất cùng với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng để tham gia phòng chống dịch.

 

Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ, chốt, trong số đó, duy trì khoảng 1.900 tổ, chốt trên các tuyến biên giới, đường biển để kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19, duy trì hàng nghìn tổ chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ cho việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, khu điều trị và tuần tra, kiểm soát bảo đảm về ANTT, góp phần thực hiện nghiêm việc giãn các xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh trên các địa bàn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Bộ Quốc phòng đã triển khai 190 khu cách ly tập trung ở các đơn vị, nhiều doanh trại bảo đảm ăn ở cho khoảng 290.000 lượt người, kịp thời điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều động khoảng 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men để chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Thành lập 11 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô khoảng trên 6.000 giường bệnh để trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương. Triển khai trên 600 tổ quân y về các trạm y tế phường, xã tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, bố trí khoảng 475 tổ quân y để tham gia vào trạm y tế của 312 xã, phường trên địa bàn Thành phố. Tổ chức 8 kho bảo quản vaccine tại 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đồng thời vận chuyển và phân phối khoảng 112 tấn vaccine, góp phần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng chống COVID-19 trên phạm vi cả nước trong thời gian qua.

Với tinh thần quân đội sẽ chủ động tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tăng cường hàng trăm lượt tổ quân y để tiêm vaccine, các tổ hồi sức cấp cứu, tổ quân y cơ động tham gia xét nghiệm, thu dung điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. Tổ chức hàng nghìn tấn hàng hóa nông sản, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận nơi ở cho từng hộ gia đình, nhân dân.

Trong thời gian qua, cư dân mạng đã tạo ra nhiều bức tranh vui về các anh bộ đội giúp dân đi chợ, giúp dân các công việc thiết yếu… Đây là ghi nhận của người dân đối với hoạt động, việc làm thiết thực của bộ đội.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong số trên 120.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch, có khoảng 29.000 cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, nhiều đồng chí có người thân mất, vợ con nhiễm bệnh cũng không về được vì đang làm nhiệm vụ, nhiều y bác sĩ quân y có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương thì tiếp tục xung phong lên đường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thực hiện nhiệm vụ. Không có đồng chí nào kêu ca phàn nàn, thoái thác nhiệm vụ. Nhiều đồng chí trong quá trình giúp người dân phòng chống dịch cũng bị nhiễm bệnh và có cả hy sinh. Điều này thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của chiến sĩ quân đội đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời điểm khó khăn nhất.

 

Trong thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định toàn quân tăng cường nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nắm chắc tình hình, xử lý tốt các tình huống không để bị động bất ngờ. Đối với nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch COVID-19, BCĐ phòng chống dịch bệnh các cấp trong toàn quân cũng đã xây dựng các phương án cụ thể, kể cả phương án ở cấp độ cao hơn và sớm hơn, tham gia phòng chống dịch bệnh không chỉ ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam mà còn sẵn sàng triển khai ở các địa bàn khác trên cả nước nếu có tình huống dịch xảy ra.

Xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quân đội trong thời điểm hiện nay, chiều nay, BCĐ phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng đã họp triển khai một số nối dung tập trung trong thời gian tới. Trước mắt, quân đội tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng, phương tiện, trang bị để tham gia vào phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam với quyết tâm, trách nhiệm và khả năng cao nhất. Đối với các lực lượng tham gia vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong phòng chống dịch thời gian qua để có biện pháp phù hợp trong thời gian tới.

Tiếp tục triển khai các trạm y tế lưu động, tổ chức lực lượng thăm khám thường xuyên hết số F0, điều chỉnh lực lượng quân y ở các vùng xanh tăng cường hỗ trợ cho vùng đỏ; tiếp tục điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại 11 bệnh viện dã chiến ở các khu điều trị của quân đội với phương châm tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy, nắm chắc số bệnh nhân nặng cần chuyển lên các tuyến để báo cáo với BCĐ có chỉ huy, chỉ đạo, điều trị cho phù hợp.

Tiếp tục tập trung tham gia vào các chốt kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống dịch, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men và những vấn đề thiết yếu phục vụ cho đời sống ở các khu cách ly, ở các khu vực giãn cách xã hội.

Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục sản xuất, mua sắm các trang thiết bị vật tư y tế cần thiết để trang bị, bổ sung cho các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và các trung tâm điều trị bảo đảm kịp thời, đạt hiệu quả nhất trong thời gian tới.

 

Phóng viên báo Tiền Phong: Liên quan đến việc lưu thông hàng hóa, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, song việc vận chuyển, lưu thông vẫn gặp rất nhiều khó khăn, mỗi tỉnh làm 1 kiểu. Xin hỏi, tới đây Chính phủ có giải pháp gì để xử lý dứt diểm tình trạng này?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Về việc lưu thông hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt. Thủ tướng chỉ đạo, tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) đều được phép lưu thông. Bộ Công Thương đã thông suốt cùng chúng tôi thực hiện điều này.

Thứ hai, tất cả tuyến đường đều được phép lưu thông. Đối với phương tiện đã được Bộ GTVT cấp mã QR thì thống nhất các chốt không kiểm tra, không test nhanh. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng, chúng tôi đã truyền đạt tất cả điều này tới các địa phương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã thành lập Tổ công tác đặc biệt đóng ở phía nam. Bộ GTVT cũng hình thành Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Thứ trưởng thường trực thường xuyên trong đó, làm việc với 19 tỉnh, thành phố phía nam có tình hình dịch rất nóng. Bên cạnh việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thường xuyên công tác lưu thông hàng hóa ở các địa phương, các ngành để kiểm soát đảm bảo việc lưu thông thuận lợi nhất, Bộ GTVT đã tổ chức giao ban hằng tuần với các địa phương, có tuần giao ban 3, 4 lần với Sở GTVT, lãnh đạo các địa phương, kiểm tra tình hình thực hiện lưu thông. Qua đây, chúng tôi phát hiện ra một số địa phương do có sốt ruột nhất định trong vấn đề kiểm soát dịch, kiểm soát lái xe, các phương tiện, đã đưa ra một số quy định không thực hiện hoàn toàn chỉ đạo thông suốt hàng hóa, lưu thông xe cộ. Chúng tôi đã yêu cầu bãi bỏ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giải pháp thứ nhất, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi thường xuyên phối hợp với địa phương theo dõi, đôn đốc thực hiện, nếu như có vướng mắc, đưa ra những quy định không hợp lý thì yêu cầu bãi bỏ để cho việc lưu thông được đảm bảo.

 

Thứ hai, tất cả hàng hóa được vận chuyển, thông thương; chúng ta cũng bỏ từ “thiết yếu”, hàng hóa cấm thì cấm vận chuyển. Quan trọng nhất là kiểm soát lây nhiễm bệnh thông qua lái xe. Cần phối hợp chặt với Bộ Y tế, đặc biệt với các địa phương, để kiểm soát y tế với đội ngũ lái xe, đảm bảo thông thương nhất, không để lây nhiễm mà vẫn lưu thông được hàng hóa.

Bộ GTVT gần đây đã ban hành 5 hướng dẫn với 5 lĩnh vực chuyên ngành: Hàng không, đường sắt, đường thủy, đường thủy nội địa, đường bộ. Tất cả đều có hướng dẫn rất cụ thể cho địa phương triển khai trong việc tổ chức vận tải, đảm bảo lưu thông.

Phải phát huy tất cả các phương thức có lợi thế khác nhau, vấn đề khác nhau. Ví dụ chúng ta đưa vận tải đường sông, đường thủy nội địa vào, tạo luồng cho vận tải hàng hóa lưu thông. Bên cạnh đường bộ, đẩy mạnh vận tải đường sắt, kể cả với hàng hóa và vật tư thiếu yếu. Đấy là những giải pháp mà chúng tôi đưa ra và hiện tại đã áp dụng.

Chúng tôi cho rằng đã có cải thiện rất nhiều trong lưu thông hàng hóa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, đặc biệt các địa phương vào cuộc. Hiện tại cần tiếp tục đẩy mạnh việc lưu thông này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm