Nông dân vỡ nợ vì “vàng đen”: Cầu cứu nhà nước!
Cách tra cứu hồ sơ BHXH dành cho kế toán / Thượng tướng Lê Quý Vương nói gì vụ Nguyễn Hữu Linh "nựng" bé gái?
Nông dân cầu cứu nhà nước
Bắt đầu từ năm 2016, cây tiêu trên địa bàn tỉnh chết dần chết mòn. Đến năm 2018, khi giá tiêu xuống đáy, cuộc sống của người dân “thủ phủ hồ tiêu” tiếp tục lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất. Nhiều người vì chịu không nổi áp lực nợ nần đã bỏ nhà “tha phương, cầu thực”, tệ nạn rượu chè, trộm cắp, đánh lộn nổi lên, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Khuôn mặt rầu rĩ, ủ rũ bên vườn tiêu chết khô, bà Bùi Thị Thành (trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai) tâm sự: “Gần 2 năm nay chẳng hôm nào được ngủ ngon vì khoản nợ hồ tiêu. Tiền gốc là 450 triệu, tiền lãi mỗi năm gần 50 triệu. Cứ 6 tháng trả một lần, nhưng hiện tại miếng ăn còn khó kiếm, chưa nói phải “còng lưng” trả lãi mỗi năm. Gia đình không biết làm sao để trả số tiền gốc đang nợ ngân hàng đây”.
“Cũng muốn bán đất trả nợ lắm nhưng khổ nỗi rao cả năm trời chẳng ai mua nên đành để vậy. Sắp tới 2 vợ chồng đang định xuống Sài Gòn làm để còn có đồng trả lãi chứ cứ thế này không biết khi nào mới trả lãi được. Dạo gần đây cứ bị ngân hàng gọi giục suốt, không trả kịp lại thành nợ xấu. Cũng mong ngân hàng có thể gia hạn, giảm lãi để chúng tôi có thêm thời gian kiếm tiền trả nợ…”, ông Hồ Hồng Lam (49 tuổi, chồng bà Thành) bộc bạch.
Ngoài việc mong muốn ngân hàng sẽ gia hạn thời gian trả gốc, trả lãi người dân cũng chẳng biết làm gì vì số tiền nợ quá lớn, kinh tế thì ngày càng bế tắc.
Vì không có tiền trả nợ, ông Phùng Văn Cảnh (trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã đóng cửa đi khỏi địa phương. Được biết, hiện ông Cảnh vẫn nợ ngân hàng số tiền hơn 200 triệu đồng. Dù muốn phát triển các cây trồng mới gia tăng kinh tế nhưng ông Cảnh không thể làm vì diện tích đất nhiễm bệnh khó phục hồi, hơn nữa không có vốn đầu tư.
Cùng dân gỡ số nợ “khủng”
Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 của UBND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tại Gia Lai - cho biết, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho dân. Theo đó, nếu người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, ngành ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn trả nợ. Cụ thể là điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn thời hạn nợ. Bên cạnh đó, giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay, hoặc ngân hàng cũng xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng…
“Vấn đề ở đây là hiện tại nhiều nông dân muốn khoanh nợ song ngành ngân hàng chỉ có thể cơ cấu lại, giãn nợ, gia hạn nợ, còn việc khoanh nợ thì chỉ khi dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì việc khoanh nợ sẽ diễn ra trong thời hạn 2 năm, lúc này người dân sẽ không phải trả lãi.
Tuy nhiên lúc này vấn đề mới lại phát sinh là trong 2 năm đó, ai sẽ trả lãi cho ngành ngân hàng. Trước đây thì ngân sách trung ương sẽ trả, nhưng theo quy định hiện nay thì cấp nào đề nghị khoanh nợ cấp đó phải xuất ngân sách để chi trả…
Đặc biệt, với lãi suất bình quân 10%/năm, thì 2.200 tỷ nợ xấu sẽ có lãi 220 tỷ. Trong 2 năm số lãi này tăng lên khoảng 440 tỷ, số tiền này rất lớn!”, ông Cư cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo