Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế bệ đỡ của nền kinh tế
Đà Nẵng: Thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng trong quý I/2024 / Bộ Giao thông vận tải thống nhất tăng phí 4 tuyến cao tốc
Tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất cả nước
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước; trong đó, ngành nông nghiệp Bình Phước tăng 10,25%, cao nhất cả nước.
Cục Thống kê Bình Phước cho biết, năm 2023 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đạt 17.513 tỷ đồng, tăng 10,25%, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, cao hơn 1,04% so với năm trước.Với mức tăng ấn tượng này, ngành nông nghiệp đã bứt phá và có đóng góp vào GRDP Bình Phước vượt ngành công nghiệp - xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá, ngành nông nghiệp của địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước là do nhiều yếu tố; trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu, đưa vào canh tác những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chuối, dứa; sản lượng hạt điều năm 2023 tăng hơn 15,8%; sản lượng chăn nuôi, đặc biệt là lợn và gà tăng cao…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 424.754 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp; trong đó, cây cao su và điều đứng đầu cả nước. Cụ thể, cây cao su có diện tích 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây điều có diện tích 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cây cà phê diện tích 13.963 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu diện tích là 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước).
Bình Phước có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, giữ vị trí đứng đầu cả nước, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu hạt điều những năm gần đây đạt hơn 1 tỷ USD/năm.
Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn như CP, Jafap Coomfeed Việt Nam, Newhop... Trên địa bàn hiện có 478 trang trại; trong đó tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66% (316 trang trại); tổng đàn lợn gần 2 triệu con, đàn gia cầm 13,5 triệu con.
Xây dựng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, hiện tỉnh đã quy hoạch và xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.374 ha; trong đó, hiện 1.643 ha đã đưa vào trồng chuối xuất khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn có 3.000 ha diện tích điều liên kết theo chuỗi giá trị; 3.200 ha điều áp dụng sản xuất hữu cơ; 2.470 ha hồ tiêu sản xuất mô hình “hồ tiêu sạch” đạt chứng nhận Rainforest Alliance; thành lập 64 câu lạc bộ hồ tiêu tham gia liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 vừa phê duyệt, UBND tỉnh Bình Phước khẳng định mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Tỉnh hướng dến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.
Theo đó, tỉnh cơ cấu lại sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm dần diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm như cao su giảm 19,4%, điều giảm 9,1% và tăng diện tích cây ăn quả.
Đối với cây điều, Bình Phước hướng đến thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều; đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “hạt điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
Nhóm chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Hoàng Văn Thắng, Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam) khuyến nghị, Bình Phước nên hạn chế mở rộng sản xuất và giữ nguyên diện tích điều hiện có; hình thành các hợp tác xã sản xuất nguyên liệu điều với chỉ dẫn địa lý được chứng nhận để cung cấp nguyên liệu đồng bộ cho thị trường; hình thành cụm ngành chế biến điều; tập trung thu hút chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ nhân điều, vỏ điều và trái giả.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, với cây cao su, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đa giá trị sản phẩm từ mủ đến gỗ. Mủ cao su thành phẩm, các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán cao su có giá trị gia tăng cao và cung ứng dịch vụ, sản phẩm chế biến sâu phục vụ cho công nghiệp cung cấp thị trường trong và ngoài nước, ưu tiên xuất khẩu.
Lĩnh vực chăn nuôi sẽ nâng tỷ trọng chiếm khoảng 25% vào năm 2025 và 30% năm 2030 trong giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Phước; phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao, liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng.
“Thời gian tới Bình Phước sẽ xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao, kết hợp công nghiệp như chế biến nông sản, tái chế phế - phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo; mô hình nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...”, UBND tỉnh Bình Phước cho biết.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, khâu bảo quản, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương hiện vẫn là điểm yếu. Để khắc phục nhược điểm này, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ những nút thắt, nhằm đảm bảo sản phẩm nông sản đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường theo chuỗi ngành hàng một cách bền vững.
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò chiến lược của nông nghiệp và yêu cầu tỉnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó tập trung vào một số vấn đề như hợp tác, liên kết, phát triển thị trường, chế biến tinh, tăng chất lượng, giảm chi phí. Đặc biệt, phải chuyển từ sản xuất, phát triển đơn ngành sang phát triển liên ngành, đơn giá trị sang mục tiêu đa giá trị. Tỉnh cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; trong đó, cả hệ thống chính trị, các hội đoàn thể và người dân cùng tham gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo