Tin tức - Sự kiện

Phải có cơ chế đột phá thì khoa học mới đột phá

“Đất nước muốn phát triển chắc chắn phải tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ nhưng để đột phá thật thì phải có cơ chế đột phá. Cơ chế đấy là gì?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi và cho rằng ý kiến đóng góp của các nhà khoa học là vô cùng quan trọng.

Phó Thủ tướng trao bằng khen 4 công trình khoa học xuất sắc / Thủ tướng: Đại lễ Vesak đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằngcơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ phải đổi mới thực sự dựa trên nguyên tắc căn bản “chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”, đặt niềm tin vào các nhà khoa học. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho các tác giả, nhóm tác giả 4 công trình nghiên cứu xuất sắc, có tiềm năng ứng dụng vào thực tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đến dự và trao giải thưởng.

Mỗi công trình được nhận Cúp, Bằng khen và tiền thưởng trị giá 200 triệu đồng gồm kinh phí theo quy định Nhà nước, phần hỗ trợ của doanh nghiệp là đối tác nhận chuyển giao thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Các công trình đăng ký xét tặng giải thưởng năm nay thuộc 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ (toán học; cơ học; khoa học thông tin và khoa học máy tính; vật lý; hoá học; các khoa học về sự sống; các khoa học về trái đất; khoa học biển; khoa học môi trường và năng lượng) của những nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm phần trưng bày củaCông trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam". Ảnh: VGP/Đình Nam

Bốn công trình được giải gồm: Công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam" (nhóm tác giả: Giáo sư Lê Trần Bình, Phó Giáo sư Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học, Tiến sĩ Trần Xuân Hạnh - Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương), đã nghiên cứu được chủng giống đạt yêu cầu cho sản xuất vắcxin và xây dựng quy trình đảm bảo và lưu giữ chủng giống lâu dài cho công việc sản xuất vắcxin. Sau đó nhóm nghiên cứu đã sản xuất vắcxin từ quy mô phòng thí nghiệm với vài chục ngàn liều đến quy mô pilot vài trăm ngàn liều rồi mở rộng ra quy mô công nghiệp vài triệu liều. Nhờ đó Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất vắcxin cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, bảo đảm cung cấp một phần vắcxin, tiến tới sản xuất thay thế hoàn toàn vắcxin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi.

Công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" (nhóm tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Phó Giáo sư Đoàn Đình Phương- Viện Khoa học Vật liệu, Tiến sĩ Lê Văn Thụ - Cục Trang bị và Kho vận Bộ Công an), đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp nhóm tác giả công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế" (nhóm tác giả: Phó Giáo sư Trịnh Văn Tuyên, Kỹ sư Mai Trọng Chính - Viện Công nghệ Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp; hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất nguy hại công nghiệp và y tế, tập thể tác giả đã có nhiều công trình khoa học liên quan được công bố, trong đó có ba bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo và các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín.

Công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" của Giáo sư Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao. Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. Giáo sư Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự đóng góp củaGiáo sư Nguyễn Thị Lang đã nghiên cứu chọn tạo hàng trăm giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng nhắc lại ấn tượng khi dự lễ trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất (tháng 9/206), một giải thưởng mang rất nhiều ý nghĩa với các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ ghi nhận các kết quả, công trình nghiên cứu mà cả tinh thần làm việc, cống hiến của các nhà khoa học vượt qua khó khăn trong nghiên cứu, vất vả đời thường “vì việc đại nghĩa mà làm” để đạt được những kết quả trong nghiên cứu khoa học, góp phần vào những thành tựu phát triển của đất nước những năm qua.

Trong 5 năm qua, dù chưa hài lòng nhưng khoa học nước nhà đã đã được những kết quả rất đáng ghi nhận khi số lượng nghiên cứu công bố quốc tế tăng gấp 2 lần, có những chỉ số đánh giá về mức độ sáng tạo liên quan trực tiếp đến các nhà khoa học cũng vào hàng cao nhất từ trước đến nay (đứng vào khoảng thứ 30 trên thế giới)…. Điều đó cho thấy dù điều kiện còn rất hạn chế nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu mà thế giới đánh giá ngang bằng các nước có thu nhập bình quân và chi phí cho khoa học, công nghệ nhiều gấp mấy lần.

“Thực tế đó nói lên trí tuệ, sự cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời chỉ ra những bất cập về cơ chế, chính sách đối với khoa học, công nghệ. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có chế chính sách đột phá thực sự cho khoa học, công nghệ trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chiến lược phát triển đất nước 10 năm tới. Không thể để tình trạng coi khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư ngân sách ngày càng giảm, tỷ lệ trên GDP chỉ bằng 1/3, ¼ các nước khác”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ngành và những nhà khoa học đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Để đất nước phát triển chắc chắn phải tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ nhưng để đột phá thật thì phải có cơ chế đột phá. Cơ chế đấy là gì?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng ý kiến đóng góp của các nhà khoa học là vô cùng quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng, trước hết phải phân tích sâu sắc khía cạnh kinh tế trong khoa học. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trên thế giới đặt DN là trung tâm, xoay quanh nó là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học. Để DN là trung tâm phải có chính sách kinh tế thiết thực (thuế, vốn, phân bổ nguồn lực, mua sắm công) cho DN thấy có lợi ngay khi đầu tư vào khoa học, công nghệ, nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực, chưa nói đến lý tưởng, lòng yêu nước.

Điểm tiếp theo là cơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ phải đổi mới thực sự dựa trên nguyên tắc căn bản “chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”, đặt niềm tin vào các nhà khoa học.

“Về lý thuyết tất cả đều tốt hết nhưng thực tế các nhà khoa học vẫn vô cùng vấn vả khi hoàn thiện các thủ tục, quy trình thanh quyết toán sau khi hoàn thành công trình, đề tài. Chưa nói đến tạo thị trường, kết nối giữa DN và nghiên cứu, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu. Đây là những vấn đề cần trao đổi cầu thị, thẳng thắn, đi đến cùng”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh khoa học, công nghệ là một yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước trong tương lai, Phó Thủ tướng đặt niềm tin, kỳ vọng vào đội ngũ các nhà khoa học ở các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, DN trong nước và cả ở nước ngoài.

“Nếu không đột phá thực sự về khoa học, công nghệ, đất nước sẽ không vượt lên được, thậm chí đuổi kịp các nước trong khu vực cũng vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng trăn trở và mong muốn các trí thức, nhà khoa học tiếp tục được tạo điều kiện, có những đóng góp mang tính quyết định để “đất nước chiến thắng trong cuộc đua không bị tụt hậu, vươn lên giàu mạnh bằng các nước” như những điều kỳ diệu mà các thế hệ đi trước đã làm nên trong sự kính ngưỡng của giới khoa học ở các nước phát triển.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm