Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Những vùng quê đáng sống
Giá vé máy bay Tết tăng cao, người lao động đứng trước mối lo phương tiện về quê / Khó di dời dân, cải tạo chung cư cũ chuyển động chậm
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm nên những dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển trên nhiều ngành, lĩnh vực tại nhiều địa phương. Từ phong trào này, diện mạo nông thôn tại Ninh Bình ngày càng được đổi thay, khang trang, khởi sắc, hình thành thêm nhiều vùng quê đáng sống.
Độc đáo những tuyến đường bích họa
Về huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình những ngày này, người dân, du khách như "lạc lối" bởi cảnh đẹp nên thơ do những con đường bích họa tạo nên. Hàng trăm bức họa đủ sắc màu khắc họa lịch sử, nét đẹp của vùng đất Cố Đô, những bức tranh về văn hóa làng quê Bắc Bộ hay những bức tranh cổ động xây dựng nông thôn mới thay thế những bức tường cũ, nhuốm màu thời gian tại các vùng nông thôn khiến nhiều du khách cảm thấy thích thú, ngỡ ngàng.
Từ năm 2019, Hội Phụ nữ huyện Yên Khánh triển khai xây dựng các con đường bích họa để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng; từ đó giới thiệu vẻ đẹp của mảnh đất, con người Ninh Bình, đồng thời góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Chị Hoàng Thị Kim Thi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Khánh cho biết, phong trào Xây dựng những tuyến đường bích họa đã nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân. Những tuyến đường bích họa không chỉ góp phần tô sắc cho cảnh đẹp của làng quê nông thôn mà còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong tham gia xây dựng bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, 19/19 xã trên địa bàn huyện đã xây dựng được 32 tuyến đường với chiều dài 36 km.
Theo chị Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình, Hội Phụ nữ luôn xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, trong đó phụ nữ là lực lượng đông đảo có vai trò quan trọng trong thực hiện và được thụ hưởng. Một trong những mô hình được các cấp Hội vận dụng sáng tạo, thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ và nhân dân góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn được ghi nhận, đánh giá cao là mô hình Tuyến đường bích họa.
Tính đến tháng 10/2023, các cấp Hội tuyên truyền, vận động vẽ trên 2.000 bức tranh tường, tô vẽ gần 500 cột điện với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tuyến đường bích họa tiếp tục được tập trung triển khai rộng rãi ở cơ sở. Trước mắt, Hội tập trung tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ hội viên hiểu rõ ý nghĩa của tuyến đường, qua đó xác định tuyến đường bích họa là sản phẩm văn hóa tinh thần của địa phương vì vậy khi xây dựng phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và việc huy động nguồn lực; vận động ai có gì thì đóng góp đó, đặc biệt lưu ý đến việc vận động những lực lượng có khả năng vẽ, giáo viên mỹ thuật. Đây chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng tuyến đường bích họa. Đồng thời, Hội tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ của địa phương, từ các tập thể, cá nhân và phát huy nội lực, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ quét vôi tường, xây hàng rào, bờ bo, vẽ tranh tại các tường bao nhà văn hóa xóm, thôn, tại hộ gia đình; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng tuyến đường bích họa, đặc biệt tại các xã thuộc khu du lịch, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu góp phần lan tỏa phong trào rộng rãi hơn.
Tạo "cốt" mới nhưng vẫn giữ "hồn" cũ
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều vùng quê ở Ninh Bình vẫn giữ được hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa như: Cổng làng, đình làng, những phong tục tập quán, nếp sống, lễ hội, các nghề thủ công truyền thống… Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương tiếp tục quan tâm gìn giữ những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa làng.
Đến thôn Tân Ngọc, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, du khách sẽ bắt gặp một khung cảnh nông thôn tươi đẹp và thơ mộng mang nhiều nét đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Người dân nơi đây trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn mới đã biết gìn giữ, duy trì và bảo tồn, cải tạo nhiều công trình văn hóa tiêu biểu của thôn, trong đó nổi bật là cây cầu ngói Thượng Gia soi bóng trên dòng kênh xanh. Theo các bậc cao niên trong thôn, cây cầu ngói được hình thành từ hàng trăm năm nay. Di tích này được người dân trân trọng, yêu quý, coi là một trong những "báu vật" của làng, nhắc nhở, bảo ban nhau gìn giữ bởi đó không chỉ là công trình văn hóa mà còn là một chứng tích ghi nhận sự phát triển, gắn bó của bao thế hệ người dân quê.
Ông Đinh Nguyên Biên, Trưởng thôn Tân Ngọc, xã Gia Lập chia sẻ, cũng như bao vùng quê nông thôn mới luôn xác định "văn hóa làng" là cốt lõi là nơi lưu giữ "hồn cốt" của dân tộc, người dân trong thôn rất tự hào và trân trọng giữ gìn những công trình, di tích đã có từ xa xưa. Những năm gần đây, kinh tế của địa phương không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, song nếp sống chân thành, mộc mạc, tình nghĩa cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân trong làng vẫn luôn được duy trì.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, huyện là vùng đất cổ giàu truyền thống, nơi sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không. Địa bàn huyện có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Do vậy, vấn đề song hành, kết nối giữa phát triển xã hội, phát triển nông thôn mới gắn với việc bảo tồn phát huy giá trị lịch sử đang được huyện Gia Viễn chú trọng. UBND huyện đã xây dựng các kế hoạch, đặc biệt là định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị lịch sử và phát triển du lịch xanh. Qua đó, huyện đã có nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch cũng là người bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp của địa phương; giúp người dân hiểu được vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử. Đồng thời, UBND huyện đã tiến hành kiểm kê các di tích lịch sử từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia và thành lập các Ban Quản lý di tích để bảo tồn, phát huy, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch.
Các lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức thực hiện nền nếp, khơi dậy, kết nối cộng đồng, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân. Hàng năm, hàng chục di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước và nhân dân đầu tư tu bổ, tôn tạo. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ khác, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Việc trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa làng chính là mục tiêu luôn được các địa phương đặt ra trong quá trình phát triển, nhằm xây dựng con người mới, nét văn hóa mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài 2: Điểm nhấn từ những chế văn hóa hiện đại
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh