Tin tức - Sự kiện

Phát triển nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Bài cuối: Đào tạo gắn với thị trường lao động

Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tăng cường trang bị kỹ năng, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của CN sản xuất, tại nhiều địa phương vùng KT trọng điểm phía Nam, các giải pháp liên quan đến công tác đào tạo và đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động được quan tâm thực hiện.

Pháo hoa Đại nhạc hội "Take me to the Sun" rực rỡ bầu trời Đà Nẵng / Giá xăng dầu sẽ giảm mạnh từ 0h ngày mai (11/7)?

Xưởng thực hành cơ điện tử và robot tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Tăng cường đào tạo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp đào tạo kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ, nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động - việc làm nêu thông tin, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từng nhận định, đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Để đáp ứng yêu cầu, ước tính, có khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.

Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó, lực lượng lao động trẻ đóng vai trò nòng cốt, rất cần được tăng cường đào tạo và đào tạo nâng cao, trang bị không chỉ kỹ năng liên quan đến từng lĩnh vực nghề nghiệp mà còn cần có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi, sự thích nghi, tính kỷ luật...

Theo thông tin từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, UBND thành phố vừa ban hành quyết định về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025. Thành phố đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm đến năm 2025, gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí-ô tô, cơ điện tử, tự động hóa, điện-điện tử, logistics, du lịch, xây dựng, công nghệ môi trường. Thành phố xây dựng, quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo trên địa bàn đến cuối năm 2025 đạt 87% tổng số lao động đang làm việc.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, phương hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 là tập trung phát triển ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Bình Dương chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng chính sách thu hút nhà quản lý, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.

Các đơn vị chức năng của tỉnh đa dạng hóa, mở rộng hình thức hợp tác liên kết trong cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 80,5%, trong đó, khoảng 30% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục, với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là nâng cao hiệu quả đào tạo gắn nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao. Còn đối với công nhân đang làm việc, tỉnh tập trung nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 85% lao động qua đào tạo nghề, trong đó, số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%.

Còn theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 75% lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã qua đào tạo, trong đó số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tỉnh định hướng ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tập trung vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, năng lượng, cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa, chế biến, quản lý đô thị. Tỉnh sẽ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, nơi đào tạo đội ngũ lao động chuyên sâu, lao động tay nghề cao, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của địa phương, thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Long An giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm