Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc về bảo đảm TTATGT

Sáng ngày 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) Quý 1, nhiệm vụ công tác Quý 2.

Thủ tướng chỉ ra 3 phương châm, 6 nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập quốc tế / Thủ tướng nêu dẫn chứng về vị thế quốc gia của Việt Nam

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu rõ: Quý 1/2019 là giai đoạn cao điểm về TTATGT với các kỳ nghỉ Tết và nhiều lễ hội diễn ra với nhu cầu đi lại và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất cao, đây cũng là thời điểm tiêu thụ nhiều rượu, bia của người dân.

Trong Quý 1 cũng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên đến Việt Nam với những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông (ATGT).

“Trong những tháng cuối năm 2018 và đầu tháng 1/2019 đã xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải mà nguyên nhân là do lái xe sử dụng ma tuý, vi phạm nồng độ cồn, người dân vi phạm lòng lề đường, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tạo nên những áp lực và thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm TTATGT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là cao điểm kiểm tra hành chính và TTATGT đối với xe kinh doanh vận tải do lực lượng Công an làm nòng cốt cũng như những giải pháp tăng cường quản lý dịch vụ vận tải của ngành giao thông vận tải, tình hình TTATGT trong Quý 1 đã có những chuyển biến rất tích cực, dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tai nạn giao thông (TNGT) trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi giảm sâu, khiến số TNGT trong Quý I giảm trên 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương, giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây, cụ thể giảm 644 vụ (giảm 13,78%), giảm 244 người chết (giảm 11,35%), giảm 486 người bị thương (giảm 13,4%).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn cho rằng: TTATGT vẫn còn diễn biến rất phức tạp, vẫn còn 19 địa phương có số người chết do TNGT tăng trong Quý 1, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20%, còn xảy một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có vụ TNGT do xe khách chạy sai lộ trình chạy xe đâm vào đám tang tại Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc làm 7 người chết và vụ lái xe Lexus vi phạm nồng độ cồn cũng đâm vào đám tang làm chết 4 người tại Quy Nhơn, Bình Định... Tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng tăng, thậm chí xe đăng ký tuyến để giữ chỗ còn thực chất là “chạy dù”; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp...

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu tham gia phát biểu với tinh thần thống nhất với kết quả đạt được, nếu có bài học nào đặc biệt cần rút ra thì nêu lên, dành thời gian để chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ công tác quản lý Nhà nước, từ hoạt động của chính chúng ta… Từ đó đề xuất các giải pháp mà chính các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải làm và có thể làm ngay, việc thực hiện các chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông trong việc thực hiện nghiêm túc tại các địa phương như thế nào, những việc làm được, chưa làm được, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nhất là, phát huy những kết quả đạt được của Quý 1, tiếp tục kéo giảm sâu TNGT trong quý 2 và thời gian tới, kiên quyết giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng đối với xe ô tô khách, xe tải nặng; giảm thương vong do vi phạm quy định về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy….

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai kiểm tra sức khỏe đối với lái xe kinh doanh vận tải. Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với ngành giao thông vận tải, ngành y tế tập trung kiểm soát ngay tại các bến xe, bến cảng để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, chở quá số người quy định... đã có 34/64 đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý 182 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.

Một số địa phương đã ban hành kế hoạch, quyết định kiểm tra sức khỏe đối với lái xe kinh doanh vận tải là: UBND TP. Hải Phòng, Cần Thơ, Ban ATGT tỉnh Hải Dương, Gia Lai, An Giang, Đắc Nông, Bình Định, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái, TPHCM, trong đó Hải Dương kiểm tra 3.596 trường hợp phát hiện 48 lái xe dương tính với ma túy, TPHCM kiểm tra 644 trường hợp phát hiện 17 lái xe dương tính với chất ma túy... Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm đăng kiểm 98-03D, tỉnh Bắc Giang do vi phạm quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới.

Về tình hình tai nạn giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho biết: Quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với Quý I/2018, số vụ TNGT giảm 644 vụ (giảm 13,78%), số người chết giảm 244 người (giảm 11,35%), số người bị thương giảm 486 người (giảm 13,4%).

Có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm và 19 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018. Xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người, gây bức xúc dư luận xã hội; xảy ra tại các địa phương: Gia Lai, Thừa Thiên-Huế, Long An, Hải Dương, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc; đặc biệt là vụ tai nạn giữa xe ô tô khách với đoàn người đưa tang tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bình Định.

Nguyên nhân xảy ra TNGT với 1.497 vụ cho thấy: Có 23,31% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 8,15% do vi phạm tốc độ xe chạy; 8,62% do chuyển hướng không chú ý; 5,21% do không nhường đường; 7% do vượt xe sai quy định; 4,27% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 3,81% do tránh xe; 1,47% do sử dụng rượu bia; 2,47% do người đi bộ; 35,69% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có GPLX, vi phạm quy trình thao tác lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do công trình giao thông và các nguyên nhân khác.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm