Tin tức - Sự kiện

Phòng chống hạn, mặn: Thích ứng 'thuận thiên'

Xâm nhập mặn đang diễn ra mạnh và cao hơn trung bình nhiều năm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Khó khăn khi xác định đất không giấy tờ / Tiền Giang công bố quy hoạch tỉnh, mời gọi đầu tư 40 dự án với tổng vốn 53.900 tỷ đồng

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích ruộng lúa tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thiếu nước ngọt để tưới do sông rạch bị xâm nhập mặn. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Song tác động hạn mặn ngày càng được tiết chế tốt hơn với việc dự báo sớm, có kế hoạch ứng phó trong sản xuất, cùng với sự đầu tư đúng hướng của các công trình thủy lợi.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, nuôi trồng, chế biến thủy sản, cây ăn trái… và đây cũng là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy lúa Đông Xuân khoảng 1,5 triệu ha. Nhiều năm qua, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và việc đầu tư nhiều công trình mang tính cốt lõi đã giúp vùng này từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục năm 2015-2016, ngành nông nghiệp luôn dự báo, dự tính tình hình xâm nhập mặn từ rất sớm. Theo đó, ngành luôn có những chỉ đạo cụ thể về những khu vực phải gieo cấy vụ Đông Xuân sớm để né hạn mặn hay việc tích trữ nước kịp thời để ứng phó đợt xâm nhập mặn.

Không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu thị trường.

Nhờ vậy, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.

Riêng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mỗi năm cả nước có trên 100 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất.

 

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích ruộng lúa tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thiếu nước ngọt để tưới do sông rạch bị xâm nhập mặn. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đó là đầu tư thủy lợi cho vùng sản xuất, nhất là đầu tư vùng nuôi tôm nước lợ; dự án phát triển lúa đặc sản; dự án phát triển cây ăn trái; dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa… Cơ cấu lại sản xuất theo hướng các ngành hàng chủ lực "thủy sản, lúa đặc sản, cây ăn trái". Cùng với đó, tỉnh hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Để có được những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá cho ngành nông nghiệp, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học đã tạo ra nhiều giống cây trồng mới phù hợp hơn với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất, canh tác và đã cho kết quả khả quan.

Có thể kể đến giải pháp công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước khu vực miền Trung, Tây Nguyên; đưa vào lưu hành sản xuất các giống lúa chịu mặn cao, khả năng chống chịu sâu bệnh; các loại trái cây phù hợp thổ nhưỡng từng vùng để xây dựng vùng chuyên canh; nghiên cứu giống cây phù hợp với những vùng sương giá miền núi phía Bắc... Điều này vừa thích ứng biến đổi khí hậu vừa đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (BộNông nghiệp và Phát triển nông thôn), khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Bộ tiếp tục có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu ở 3 trục sản phẩm (quốc gia, cấp tỉnh và địa phương), từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến.Cùng với các giải pháp về sản xuất, các công trình thủy lợi then chốt cũng được quan tâm đầu tư tại các vùng kinh tế, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đầu tư ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 19.000 tỷ đồng, tương đương 25% tổng nguồn vốn của cả Bộ trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, giai đoạn này tiếp tục đầu tư hệ thống công trình theo mục tiêu kiểm soát mặn; hỗ trợ, bổ sung ngọt để nước mặn, nước lợ thực sự là nguồn tài nguyên, phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, các công trình ngăn mặn lớn hiện nay đã phát huy hiệu quả như: Hệ thống Cái Lớn, Cái Bé, cống âu Nguyễn Tấn Tành, các cống điều hòa mặn ngọt ở các tỉnh trong khu vực đều phát huy hiệu quả cao. Các địa phương đã tiến hành đắp đập tạm, xây cống ngăn mặn để trữ ngọt, lấy nước khi triều xuống, giúp người dân có thêm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Trước cao điểm hạn mặn đang diễn ra và người dân Cà Mau, Bến Tre… đang còn gặp nhiều khó khăn trong chủ động nguồn nước ngọt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cần tiếp tục đầu tư các công trình trọng điểm mang tính chiến lược.

Chẳng hạn, Cà Mau không có được nguồn nước bổ sung như 12 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần tính đến việc tích trữ nước không tập trung. Đồng thời, phải chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm ở một số địa phương. Cà Mau cũng cần tính đến việc được chuyển nước từ vùng khác về tỉnh bằng các công trình trong giai đoạn 2026-2030. Nhiều tỉnh thành khác cần được tiếp tục đầu tư hệ thống các cống lớn để tích nước, đảm bảo nước nước sinh hoạt, sản xuất khi vào mùa khô hạn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai tốt quy hoạch này sẽ góp phần khắc chế và hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm