Tin tức - Sự kiện

Phương án mới xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc

Chiều 10-8,UBTV Quốc hội lần thứ hai cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những nội dung tiếp tục gây nhiều tranh luận liên quan đến phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Triển khai thí điểm phần mềm một cửa điện tử thống nhất tại 10 bộ, địa phương / Đà Nẵng quyết thu hồi sân vận động Chi Lăng

Trước đó, cả hai phương án thu thuế thu nhập cá nhân hay xử phạt hành chính đối với loại tài sản này đều chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo mới của Uỷ ban Tư pháp cho hay, ngày 23-7 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan hữu quan, để thảo luận riêng về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Phương án mới xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Tại cuộc họp, các cơ quan tham dự đã thống nhất bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của tài sản Nhà nước đối với phần thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại tòa án (phương án ba) để xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội. Đây cũng là phương án được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn.

Cụ thể, theo phương án mới đề xuất, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.

Xét về ưu điểm, theo Ủy ban Tư pháp, phương án này thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành, góp phần khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN.

Cạnh đó, để bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên thì việc phán quyết tính hợp lý của việc giải trình và xác lập sở hữu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm phải do tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan.

Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2011, có khoảng 25 quốc gia quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự.

Một ưu điểm khác của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 160 của Bộ luật Dân sự (về nguyên tắc xác lập quyền sở hữu) quy định “quyền sở hữu, quyền khác được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, Luật khác có quy định”. Vì vậy, khoản 1 Điều 47 của Dự thảo Luật mới bổ sung quy định “xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc” là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.

Về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự theo quy định tại Phần thứ 6 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với Kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Phần thứ 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự (đa số các trường hợp, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện).

Luật PCTN hiện hành cũng quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật.

Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

“Như vậy, trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước”- báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến về hai phương án: thu thuế thu nhập cá nhân và xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự.

Theo Pháp luật TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm