Tin tức - Sự kiện

Quảng Trị: Mưa lũ gây ngập trên diện rộng

DNVN - Trước ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mưa lớn khiến nhiều khu vực ngập sâu trên diện rộng.

Thừa Thiên Huế: Cứu kịp thời 11 thuyền viên trên tàu hàng bị sóng biển đánh chìm / Mưa lớn, hai bố con bị lũ cuốn trôi

Do mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua gây ngập lụt tại nhiều địa phương, sạt lở nhiều tuyến giao thông ở các huyện miền núi. Hiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tập trung từ đêm 08/10 đến ngày 9/10.

Trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ có khả năng lên mức trên báo động 2. Từ ngày 11 đến ngày 17/10, Quảng Trị tiếp tục xuất hiện mưa mưa vừa, mưa to, tập trung chính từ ngày 13-17/10. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Để ứng phó với mưa lũ, hiện các địa phương trong khu vực đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá - Lê Quang Thuận cho biết, lũ trên các sông đang lên cao, nhất là sông Sê Pôn đã khiến nhiều nhà bị ngập sâu trong nước, người dân tại những khu vực này phải dung thuyền để di chuyển.

Theo ông Thuận, một số khu vực bị ngập 4 m, các địa bàn còn lại mực nước trung bình từ 1 - 1,5m. Trong đó, đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lỡ 2 điểm, hiện các loại phương tiện giao thông không qua được; Cống khe Ta Pang thuộc thôn Ra Ly - Rào xã Hướng Sơn bị nước làm đứt gãy, nguy cơ không đi lại được.

“Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng túc trực cũng nhưdi dời gần 1.100 hộ với hơn 5.200 khẩu ở bảy xã Thuận, Thanh, Tân Thành, Tân Long, Hướng Việt, Hướng Phùng, riêng ở thị trấn Lao Bảo gần 700 hộ bị ngập sâu”, ông Thuận cho biết.

Mưa lũ nhấn chìm nhiều nhà dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện miền núi Hướng Hóa.

Mưa lũ nhấn chìm nhiều nhà dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện miền núi Hướng Hóa.

Tại huyện miền núi Đakrông, Chủ tịch UBND huyện - Thái Ngọc Châu cho biết, do mưa lũ lớn nên nước các sông lên quá nhanh gây ngập nhiều xã; sạt lở nhiều điểm trên các tuyến giao thông, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn đất đá sạt lở, chia cắt nhiều đoạn, giao thông tê liệt.

Các xã vùng chiến khu xưa Ba Lòng, Triệu Nguyên bị ngập sâu hơn 2m. Huyện đã tập trung lực lượng di dời người dân trước 12 giờ đêm ngày hôm qua (7/10) được hơn 570 hộ với 2.500 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Ở huyện Hải Lăng, nhiều xã thuộc vùng ven sông Ô Lâu nước lũ tràn vào nhà dân, ngập sâu từ 1,5 - 2m nhiều tuyến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Tại huyện Cam Lộ, Bí thư Huyện ủy Lê Quang Chiến cho biết, nước lũ gây ngập rất nặng ở các các ven sông Hiếu gồm: Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ… Tại xã Cam Tuyền nước lên ngập 2-3m, có nhiều nhà dân ngập đến mái, giao thông đi lại hoàn toàn tê tiệt. Ngay trong đêm qua, các hộ dân bị ngập lũ đều được di dời kịp thời đến các nhà cao hơn nên bảo đảm an toàn tính mạn.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, hiện UBND tỉnh vẫn tiếp tục chỉ đạo khẩn các lực lượng quân đội, biên phòng, công an, giao thông… phối hợp chính quyền các địa phương tập trung cứu hộ dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ lớn gây ra. “Với phương châm bốn tại chỗ, yêu cầu các lực lượng và chính quyền nỗ lực hơn nữa tìm mọi phương án tối ưu nhất kịp thời cứu hộ người dân trong lũ dữ…”, ông Hưng cho hay.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương di chuyển, gia cố các lồng, bè nuôi thủy sản trên sông, ao, hồ, đầm phá ven biển, ven sông, suối đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thuỷ sản khi mưa lũ xảy ra; triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển; khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị.

Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Công an tỉnh triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông, chốt chặn, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn.

Sở NN&PTNT cần chỉ đạo các nhà thầu thi công, chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi, đê điều, đặc biệt là các hồ chưa xung yếu, hồ đang thi công và hồ chưa nhỏ…

Thu Nga
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm