Tin tức - Sự kiện

Quy hoạch Điện VIII “cởi trói” cho dự án năng lượng tái tạo

Sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, 8 dự án năng lượng tái tạo được cấp phép hoạt động với giá tạm thời, mở ra hy vọng cho dòng điện tái tạo cùng hòa lưới.

EVN xin giãn nợ tiền mua than để đảm bảo cấp điện / Du lịch hậu COVID-19: Điểm đến xa hơn, ưu tiên trải nghiệm

Khẩn trương tạo cơ chế cho các dự án năng lượng tái tạo chờ chuyển tiếp

Để kịp thời khắc phục tình trạng các dự án năng lượng tái tạo đã được doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và khung giá của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Theo đó, trước ngày 20/5 tới đây, Bộ Công Thương phải có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới đối với các dự án đã có đủ hồ sơ pháp lý. Sau khi các bên thống nhất được giá chính thức, sẽ được thanh quyết toán theo mức giá này kể từ ngày phát lên lưới điện.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cần chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các dự án đã hoàn thành.

Thúc đẩy tháo gỡ dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Các dự án đang chờ Quy hoạch điện VIII sẽ được tháo gỡ, được đưa vào triển khai thi công và tiến độ thi công sẽ đảm bảo. Đây cũng chính là tinh thần của Quy hoạch điện VIII. Có thể thấy việc đẩy nhanh quá trình giải quyết cơ chế cho các dự án chuyển tiếp chính là một bước quan trọng.

Quy hoạch Điện VIII “cởi trói” cho dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Quy hoạch điện VIII đang mở ra một không gian mới để hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia, tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp và nhà đầu tư. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 là 1 trong 8 doanh nghiệp đã được phê duyệt giá mua điện tạm thời với mức giá là hơn 793 đồng/kWh. Dù chỉ chưa bằng một nửa so với giá ưu đãi, nhưng góp phần đáng kể vào bài toán kinh doanh của doanh nghiệp sau 2 năm đã phải chạy không tải. Còn hệ thống điện quốc gia từ nay cũng sẽ được cấp thêm từ 80 - 90 triệu kWh từ hệ thống điện gió mỗi năm.

"Chúng tôi đã chuẩn bị rất cụ thể, chi tiết các tài liệu của dự án, các bộ thông số sẵn sàng cho việc đàm phán giá điện chuyển tiếp", ông Hoàng Việt Anh, Giám đốc Nhà máy Điện gió Nam Bình 1, huyện Đắk Song, Đắk Nông, cho biết.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, sau khi đàm phán xong, các doanh nghiệp sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện. Theo Quy hoạch điện VIII, ngay cả khi khung giá chính thức được ban hành, tùy từng thời điểm, giá mua vẫn có thể thay đổi linh hoạt.

"Cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra dự báo xu thế thay đổi về giá điện sẽ như thế nào và cụ thể đến mốc thời gian nào thì giá điện là bao nhiêu", GS. TS. Trần Đình Long, Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam, nêu quan điểm.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong 3 ngày qua, ngoài Nam Bình 1, còn 7 dự án khác đã được phê duyệt mức giá mua điện tạm thời.

 

"Để được huy động phát lên lưới, các dự án đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng cũng như hoạt động điện lực", ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, cho hay.

Còn 24 doanh nghiệp khác vẫn đang tiếp tục hoàn thiện và triển khai nộp hồ sơ để sớm được công nhận mức giá điện tạm thời này.

"Việc công nhận giá tạm thời trong thời gian đàm phán của 8 dự án là bước tiến cũng là tiền đề để Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư các dự án còn lại tiếp đàm phán và thỏa thuận mức điện để huy động. Đây là việc thỏa thuận giữa 2 doanh nghiệp", ông Trần Việt Hòa thông tin thêm.

Quy hoạch điện VIII khơi thông vốn đầu tư vào điện tái tạo

Không chỉ các dự án chuyển tiếp đang mong mỏi được hòa lưới, mà ngay cả các dự án đã vận hành theo cơ chế giá ưu đãi cũng kỳ vọng sự ra đời của Quy hoạch điện VIII để tiếp tục khơi thông các dự án đầu tư mở rộng.

 

Dự án điện mặt trời tại Bình Định có tổng mức đầu tư 1,1 nghìn tỷ đồng và đã vận hành được 3 năm, thu về hơn 5 triệu USD mỗi năm. Quy hoạch điện VIII lần đầu tiên đề cập đến nguồn điện lưu trữ có thể chiếm tới 7,9% tổng công suất các nhà máy điện vào năm 2050. Đó cũng là điều doanh nghiệp đang chờ đợi trước khi tiếp tục rót thêm vốn vào một lĩnh vực mới ở Việt Nam.

"Chúng tôi đang tiến hành đề xuất với địa phương để đầu tư xây dựng hệ thống lưu trữ điện tái tạo, tức là giữ lại lượng điện dư thừa khi lưới điện quốc gia bị quá tải, sau đó giờ thấp điểm mới giải tỏa lượng điện này, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống quốc gia", ông Sebastien Prioux, Tổng giám đốc Công ty GreenYellow Việt Nam, cho biết.

"Quy hoạch điện VIII ghi nhận tầm quan trọng của trữ điện, sẽ giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư như chúng tôi. Đây là một trong những cơ sở chính để chúng tôi có thể thực hiện được kế hoạch bắt đầu khởi công nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm nay", ông Dominic Heaton, Giám đốc điều hành VRBEnergy tại Việt Nam, đánh giá.

Đặc biệt, năm nay cũng là thời điểm để các tổ chức quốc tế xúc tiến đàm phán với Việt Nam chương trình đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng JETP. Chương trình này cũng được nêu rõ trong Quy hoạch điện VIII vừa thông qua.

Quy hoạch Điện VIII “cởi trói” cho dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Không chỉ các dự án chuyển tiếp đang mong mỏi được hòa lưới, mà ngay cả các dự án đã vận hành theo cơ chế giá ưu đãi cũng kỳ vọng sự ra đời của Quy hoạch điện VIII. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

 

"Các nhà đầu tư quốc tế sẽ có được tầm nhìn rõ nét trong tiến hành xúc tiến chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng JETP 15,5 tỷ USD tại Việt Nam. Dự án nào cần ưu tiên, dự án nào chưa, sẽ rất rõ ràng với cả khu vực công và khu vực tư", ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam, nhận định.

Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi, xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo cũng như cơ chế mua bán điện trực tiếp để tạo đầy đủ cơ sở pháp lý về chính sách, quy hoạch, kế hoạch khi triển khai.

Có thể nói, Quy hoạch điện VIII đang mở ra một không gian mới để hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia, tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời giải quyết các nút thắt, ách tắc trong quá trình triển khai năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tầm nhìn này, việc xúc tiến triển khai các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý vững chắc, song song với tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế hiện hành sẽ đóng vai trò then chốt, qua đó mới có thể đẩy nhanh việc hình thành và thu hút đầu tư vào hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo đúng lộ trình của Quy hoạch điện VIII.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm