Cơ chế, chính sách đặc thù - Động lực mới cho TP Hồ Chí Minh
Động lực tăng trưởng từ các tuyến đường bộ cao tốc / Cà Mau: Đẩy nhanh tiến độ công trình hồ cấp nước ngọt hơn 100 ha
Chính phủ vừa chính thức trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triểnTP Hồ Chí Minhgửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết mới bao gồm 8 nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Nghị quyết mới sẽ thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được áp dụng từ năm 2017.
Hơn 5 năm thực hiện, nhiều kết quả nổi bật được ghi nhận cho thấy sự cần thiết của cơ chế đặc thù, một "chiếc áo đủ rộng" cho sự phát triển của thành phố. Dù vậy, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch; một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp. Đơn cử như vấn đề của TP Thủ Đức.
Cần trao cơ chế đặc thù riêng cho TP Thủ Đức
Nhiều kết quả nổi bật được ghi nhận cho thấy sự cần thiết của cơ chế đặc thù, một "chiếc áo đủ rộng" cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Thành phố mới này đang quản lý 34 đơn vị hành chính cấp phường, 600 cơ sở giáo dục, hơn 430 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và 300 dự án đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau. Một thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên của cả nước, nhưng về tổ chức hành chính, TP Thủ Đức chỉ là đơn vị hành chính cấp quận huyện gây nhiều bất cập.
Tại bộ phận 1 cửa khu vực 2, TP Thủ Đức, trước khi sáp nhập 3 quận, làm xong một giao dịch đảm bảo chỉ mất một ngày, nhưng nay phải mất 3 - 4 ngày, thậm chí cả 1 tuần. Trong đó, 70% thủ tục là đất đai và quá tải chủ yếu cũng ở lĩnh vực này.
"Chúng ta có thể thành lập trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm quản lý hạ tầng..., tức là thành lập các đơn vị đặc thù để cơ chế hoạt động hiệu quả hơn", TS. Thái Thị Tuyết Dung, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.
"Cho phép chính quyền TP Hồ Chí Minh phân cấp, phân quyền cho bộ máy TP Thủ Đức UBND một số nội dung mà hiện nay do các sở ngành của thành phố đảm nhiệm", TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Khóa XIII, nhận định.
Trong phân cấp ủy quyền, TP Thủ Đức đang cần phân định rõ ràng ở nhiều thủ tục. Những việc chung, tác động lớn cần thẩm quyền của tập thể, còn với những thủ tục đơn lẻ như cấp phép xây dựng hộ gia đình, nên chăng thuộc thẩm quyền cá nhân phụ trách để giải quyết thủ tục nhanh hơn.
"Phải mạnh dạn trao quyền cho họ, bởi vì nếu chúng ta không trao quyền cho họ thì thành phố trong thành phố không còn ý nghĩa. Vì bản thân thành phố là phải tự chủ", Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Vượt qua thách thức bằng cơ chế mới
Trong những nội dung mới đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh lần này, tinh thần phân cấp mạnh hơn, trao quyền lớn hơn được thể hiện khá rõ nét. Ví dụ như đề xuất HĐND thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức để tạo tính chủ động. Các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được mở rộng thêm...
Đặc biệt, HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 500 ha phù hợp quy hoạch, kế hoạch. Hiện TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương chuyển 10 nghìn hecta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên đến thời điểm này, thành phố chỉ chuyển được khoảng 1.000 ha, khoảng 10%. Vì vậy trong thời gian này, thành phố phải tận dụng hết mọi nguồn lực có thể, đồng thời tiếp tục đề xuất thay đổi, gỡ khó về cơ chế.
Năm nay, chỉ riêng lĩnh vực giao thông, TP Hồ Chí Minh phải giải ngân đến 30.000 tỷ đồng, gấp 9 lần so với mọi năm. Đây là một con số kỷ lục. Thành phố cũng nhìn nhận, nếu chỉ vượt qua khó khăn bằng cách làm hiện nay là chưa đủ, mà còn cần thêm những cơ chế mở, những cách làm mới.
Việc có một Nghị quyết mới, đột phá và khả thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng với TP Hồ Chí Minh, mà còn tạo cơ sở hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương khác trên cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo