Tin tức - Sự kiện

Sân bay Nội Bài đón chuyến bay quốc tế đầu tiên sau hai năm "đóng cửa" vì dịch

Ngày 15/3, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài chào đón chuyến bay quốc tế đến đầu tiên của Hãng hàng không Singapore Airlines đến Việt Nam, mở ra những tín hiệu phục hồi cho ngành du lịch, hàng không và kinh tế của cả nước.

Đường băng mất an toàn nghiêm trọng, Nội Bài và Tân Sơn Nhất được đầu tư 4.100 tỷ đồng / Nhân viên kỹ thuật bị sét đánh tử vong tại sân bay Nội Bài

Vui mừng bầu trời được “mở cửa”

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, vào lúc 11h30 trưa 15/3, sân bay Nội Bài và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hàng không đã vui mừng đón chuyến bay SQ192 của Hãng hàng không Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội, hạ cánh an toàn, đánh dấu một mốc mới Việt Nam chào đón khách du lịch quốc tế sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Những hành khách quốc tế đầu tiên đến sân bay Nội bài (Hà Nội) trong ngày đầu mở cửa đón khách du lịch.
Những hành khách quốc tế đầu tiên đến sân bay Nội bài (Hà Nội) trong ngày đầu mở cửa đón khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân-Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, chuyến bay quốc tế đến đầu tiên qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài không chỉ là niềm vui của cán bộ công nhân viên cảng mà là niềm vui chung của toàn ngành hàng không, mở ra những tín hiệu phục hồi cho ngành du lịch, ngành hàng không và kinh tế của cả nước.

Theo ông Bùi Minh Đăng-Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 15/3, Việt Nam chính thức khôi phục lại hoạt động đón khách quốc tế nhập cảnh như giai đoạn chưa xảy ra dịch COVID-19. Đến thời điểm này các hãng hàng không đã sẵn sàng khôi phục đường bay, mở bán vé thương mại.

“Với các động thái trên thì trong năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu”, ông Đăng nói.

Làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại cảng HKQT Nội Bài trong ngày đầu mở cửa đón khách quốc tế.
Làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại cảng HKQT Nội Bài trong ngày đầu mở cửa đón khách quốc tế.

Ông Đăng cho biết, trên cơ sở có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa kết nối đường bay quốc tế với Việt Nam với khoảng 30 đường bay, 30 hãng bay, Cục Hàng không dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch trong năm nay.

Cởi mở hơn để xóa bỏ tâm lý “ngại” của du khách

 

Theo đại diện các hãng hàng không, nhằm chuẩn bị cho tăng tần suất bay quốc tế, gần đây các hãng hàng không đã rầm rộ tuyển bổ sung nhân sự sau 2 năm phải cắt giảm vì dịch COVID-19.

Cuối tuần qua, Hãng hàng không Vietet Air đã thông báo tuyển tiếp viên trên quy mô toàn quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng bay nội địa và quốc tế.

Trong khi đó, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng triển khai chương trình chuẩn hóa tiếp viên hướng tới mục tiêu đạt hãng hàng không 5 sao.

Bên cạnh đó, các hãng đã bắt đầu chuẩn bị nhân lực phi công là người nước ngoài để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng tần suất bay phục vụ thị trường.

Tuy nhiên, theo đại diện các hãng hàng không cho biết, tới nay hãng đã có kế hoạch tăng tần suất khai thác, mở bán vé với khách quốc tế đi/đến Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bất kể hướng dẫn nào của các bộ, ngành về điều kiện khách được nhập cảnh trong tình hình mới.

 

Chuyến bay quốc tế đến đầu tiên qua Cảng Hàng không quốc tếNội Bài mở ra những tín hiệu phục hồi cho ngành du lịch, ngành hàng không.
Chuyến bay quốc tế đến đầu tiên qua Cảng Hàng không quốc tếNội Bài mở ra những tín hiệu phục hồi cho ngành du lịch, ngành hàng không.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, các hãng hàng không tiếp tục áp dụng chính sách cho phép khách quốc tế miễn phí hoàn, đổi vé đã đặt nếu quy định về nhập cảnh chưa được nới rộng.

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, trên thế giới hiện có nhiều nước cũng đang từng tiến hành dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài nhằm tạo điều kiện phục hồi các hoạt động hàng không, du lịch và giao thương quốc tế. Trước bối cảnh đó, đề xuất của Bộ Y tế sẽ tạo cơ hội tốt để Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

“Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các quy định về phòng chống dịch đối với hành khách bay hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của khách quốc tế. Với việc mở cửa bay quốc tế và ban hành các quy định về phòng chống dịch với hành khách, Việt Nam đang đi trước đón đầu làn sóng khách du lịch quốc tế một cách chủ động”, lãnh đạo Bamboo Airways cho hay.

Đối với các hãng hàng không, đề xuất nới lỏng đối với người nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hãng xúc tiến các kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng đồng thời xây dựng các chương trình tiếp cận và thu hút các nguồn khách quốc tế đến Việt Nam.

“Đây có thể coi là cơ hội ‘vàng’ không chỉ để phục hồi mà còn tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, góp phần đáng kể khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước”, lãnh đạo Bamboo Airways nhấn mạnh.

 

Cởi mở hơn, xóa bỏ rào cản để khách quốc tế không bị ảnh hưởng bởi tâm lý vùng có dịch, rào cản quy định về xuất nhập cảnh, giám sát y tế.
Cởi mở hơn, xóa bỏ rào cản để khách quốc tế không bị ảnh hưởng bởi tâm lý vùng có dịch, rào cản quy định về xuất nhập cảnh, giám sát y tế.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA), thời hạn mở cửa với khách quốc tế từ ngày 15/3 là tín hiệu vui. Tuy nhiên, không phải cứ mở cửa là khách tới, khi hạn mở đã tới nhưng chưa có quy định về nới điều kiện với khách nhập cảnh, đặc biệt là khách du lịch. Bên cạnh đó, khách quốc tế cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý vùng có dịch, rào cản quy định về xuất nhập cảnh, giám sát y tế.

“Hiện nhiều nước đã gỡ bỏ các rào cản với khách quốc tế đến, như Thái Lan, Campuchia, một số nước châu Âu...Chúng ta cũng cần sớm khôi phục các quy định với khách quốc tế như trước khi có dịch COVID-19 để mở cửa thị trường du lịch và hàng không quốc tế”, ông Bùi Doãn Nề đề nghị.

Cũng theo Tổng thư ký VABA, hiệp hội kiến nghị các bộ, ngành khôi phục chính sách miễn visa cho khách quốc tế như trước khi có dịch và mở rộng thêm với một số nước khác vào diện này. Cần thống nhất quy định về khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh và mạng lưới y tế điều trị COVID-19 cho du khách mắc bệnh, bỏ quy định cách ly, xét nghiệm sẽ giúp khách yên tâm hơn khi đến Việt Nam.

Ngoài ra, các bộ ngành có quy định rõ ràng với nhóm khách là trẻ em, người cao tuổi chưa tiêm vaccine đi cùng gia đình tới Việt Nam.

Trước mục tiêu mở cửa hoạt động hàng không, du lịch, thúc đẩy khách bay quốc tế đến Việt Nam, đại diện doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị cần có sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bộ, ngành liên quan, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú.

 

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, một trong những động lực giúp Việt Nam thu hút 18 triệu lượt du khách quốc tế đến là nỗ lực xúc tiến, quảng bá đồng thời có những chương trình, cơ chế, chính sách thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp hành không cho rằng triển khai chính sách thị thực để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến là một trong những điều nên được lưu tâm.

“Để thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu; chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt", đại diện Bamboo Airways nói.

Đối với việc sử dụng nền tảng công nghệ hay ứng dụng khai báo dành cho khách nước ngoài trong thời gian lưu trú ở Việt Nam, hãng bay này kiến nghị cần có sự thống nhất và đồng bộ, giúp tạo điều kiện cho hành khách quá trình di chuyển; cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và tạo điều kiện khai thác cho các hãng hàng không…

Trong văn bản số 1576/VPCP-KGVX ngày 14/3 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế “khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 25 ngày 7/3/2022; gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố theo thẩm quyền phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

 

Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng lên tiếng cho rằng những quy định ngặt nghèo, không thông thoáng khi mở cửa du lịch sẽ khiến khách quốc tế “ngại” đến Việt Nam và sẽ lựa chọn các quốc gia khác với thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn. Chính điều này cũng làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận với các thị trường khách quốc tế để quảng bá, xúc tiến, chào bán sản phẩm...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm