Sản phụ 140kg, nhiều bệnh lý phức tạp vượt cạn thành công
Đà Nẵng Kiên quyết không cấp phép dự án, công trình không bảo đảm yêu cầu PCCC / Khu vực tư nhân ở Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ cao thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu
Sản phụ nặng 140kg, nhiều bệnh lý phức tạp
Trước đó, lúc 16 giờ 18 phút ngày 31/10, chị N. N. H (sinh năm 1993, trú tại tổ 56, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng thai phụ nặng 140kg, mang thai con so 33 tuần, có tiền sử đái tháo đường tuýp 2, béo phì, tăng huyết áp khoảng 4 năm.
Sau khi mổ lấy thai nhi, sản phụ H tỉnh táo, tiếp xúc tốt và đã được xuất viện sau hơn 1 tuần hậu sản ổn định, mẹ tròn con vuông.
Qua tìm hiểu, tuy bị béo phì từ nhỏ, cân nặng luôn từ 120 - 140 kg nhưng bệnh nhân N.H.H luôn mong ước được làm mẹ như bao phụ nữ khác. Tuy nhiên do tình trạng các bệnh lý trên nên các bác sĩ cũng đã tư vấn bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao cho cả mẹ lẫn con khi mang thai. Thực tế, bệnh nhân cũng đã sẩy thai một lần.
Lần này, theo Ths.Bs Lê Thị Tiến, Phó trưởng khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng, là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết trước tình trạng bệnh tình rất nặng, phức tạp, không đi lại được, loét các vùng tỳ đè, phù toàn thân và đường máu rất cao nên các bác sĩ phải truyền insulin tĩnh mạch liên tục, khống chế huyết áp với nhiều loại thuốc.
“Đặc biệt, bệnh nhân có biểu hiện của nhiễm độc thai kỳ, nguy cơ sản giật... Với tình trạng này, ngay từ đầu chúng tôi nhận định đây là một bệnh nhân nặng rất nặng, kể cả đối với người bình thường không mang thai. Chúng tôi vẫn ưu tiên điều trị bảo vệ tính mạng của người mẹ theo ý nguyện của người chồng”, Ths.Bs Lê Thị Tiến cho biết.
Toại nguyện niềm ao ước làm mẹ
Ngày 3/11, sau khi hội chẩn liên viện của ekip gồm bác sĩ khoa Phụ sản Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng phối hợp với khoa Phụ sản Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân có chỉ định chấm dứt sớm thai kỳ. Khoa Gây mê hồi sức dùng phương án gây tê tủy sống để mổ lấy thai chủ động.
Ca mổ diễn ra khá khó khăn vì thai phụ nặng lên đến 140kg, phải ghép hai bàn mổ lại, tư thể mổ không thuận lợi. Kèm theo đó, thành bụng của bệnh nhân có lớp mỡ rất dày, bệnh nền nhiều, béo phì, khó vận động nên có nhiều nguy cơ sau mổ như nhiễm trùng vết mổ, huyết khối tĩnh mạch, loét do nằm lâu….
Thật đáng mừng, sau khi mổ, bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng khoảng 2kg, hồng hào; bệnh nhân H. tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Sau hơn 1 tuần hậu sản ổn định, bệnh nhân đã được xuất viện về với con và gia đình. Không giấu được niềm vui mẹ tròn con vuông sau chuỗi ngày mang thai vất vả, chị H đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các y bác sĩ đã gúp chị vượt cạn thành công.
“Cơ địa của tôi béo phì bẩm sinh nhưng vì ao ước có một đứa con nên tôi chấp nhận tất cả, trọng lượng tăng lên nhanh chóng, khiến cơ thể không thể di chuyển phải nằm trên giường hoàn toàn, mọi sinh hoạt hằng ngày phải nhờ mẹ và chồng làm giúp. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời tri ân các y bác sĩ của hai bệnh viện đã giúp tôi toại nguyện ao ước làm mẹ của mình”, chị H cho biết.
Theo Ths.Bs Nguyễn Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đà Nẵng, đối với những thai phụ có nhiều bệnh nền như béo phì, đái tháo đường tuýp 2 khi mang thai phải được thăm khám và tầm soát thai kỳ theo đúng hẹn của bác sĩ. Thai phụ cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết, phối hợp với bác sĩ sản khoa để có hội chẩn khi cần thiết.
Đồng thời thai phụ cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp và tập luyện vừa phải khoảng 30 phút/ngày. Trong thời gian mang thai nên sử dụng và dung nạp các chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa, hạn chế các thức ăn chứa nhiều tinh bột, chiên xào...
End of content
Không có tin nào tiếp theo