Tin tức - Sự kiện

Sáng 2/11: Đã có hơn 822.000 bệnh nhân COVID-19 khỏi; người đến TP Hồ Chí Minh chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày tại nhà

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 822.000 bệnh nhân COVID-19 khỏi; Người đến TP Hồ Chí Minh chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày tại nhà; F0 tại nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ gia tăng.

Đảng viên nhập quốc tịch và chuyển tiền ra nước ngoài là biểu hiện của suy thoái / Dứt khoát hoàn thành sân bay Long Thành đúng hạn

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.408 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 921.881 ca, trong đó có 819.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (433.069), Bình Dương (233.740), Đồng Nai (66.436), Long An (34.947), Tiền Giang (16.807).
Số ca mắc COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ tăng nhanh. Ảnh minh hoạ.

Số ca mắc COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ tăng nhanh. Ảnh minh hoạ.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 2/11 là 1.731 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 822.065
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.962 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.067
- Thở oxy dòng cao HFNC: 479
- Thở máy không xâm lấn: 109
- Thở máy xâm lấn: 293
- ECMO: 14
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 56 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.131 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.305.493 mẫu cho 60.535.102 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 81.929.875 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 57.332.644 liều, tiêm mũi 2 là 24.597.231 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 247.779.993 ca, trong đó có 5.019.164 người tử vong
Các nước cũng ghi nhận trên 224 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1/11, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là trên 46,8 triệu ca, trên 34,2 triệu ca và trên 21,8 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 766.815 ca, tiếp đó là Brazil với 607.922 ca và Ấn Độ với 456.354 ca.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca).















Người đến TP Hồ Chí Minh chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 phải cách ly 14 ngày tại nhà
Ngày 1/11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường giám sát đối với người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về TP.
Theo tờ trình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường giám sát đối với người dân từ các tỉnh, TP khác đến TP Hồ Chí Minh để bảo vệ thành quả phòng chống dịch của thành phố
Đồng thời, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại trạng thái bình thường mới trong giai đoạn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Sở Y tế kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc quản lý dân cư chặt chẽ, ghi nhận đầy đủ thông tin những người từ tỉnh, TP khác trở về sinh sống trên địa bàn để thực hiện các biện pháp giám sát, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tổ chức xét nghiệm, cách ly y tế đúng quy định của Bộ Y tế đối với những trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), những trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 (theo thông tin công bố về cấp độ dịch, vùng phong tỏa của từng địa phương trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế).
Rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của người dân từ các tỉnh, thành khác trở về cư trú trên địa bàn, tổ chức tiêm chủng ngay cho người chưa được tiêm vaccine đầy đủ, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn tạm thời thực hiện các biện pháp đối với người đến/về TP HCM từ các địa phương khác. Theo đó, những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đến hoặc về TP HCM từ nơi dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm 3 lần.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, sau 5 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, đến nay TP Hồ Chí Minh đã tiêm được cho 445.398 trẻ, bao gồm 200.018 trẻ từ 16-17 tuổi và 245.380 trẻ từ 12-15 tuổi. Thành phố ghi nhận tổng cộng có 42 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Chiến dịch tiêm chủng nhìn chung được tổ chức an toàn.
F0 tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ tăng nhanh
Ngày 1/11, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 7 ngày gần đây trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 2.000 ca mắc COVID-19 mới (tăng 1.385 ca so với 7 ngày trước), bình quân mỗi ngày phát sinh trên 280 ca.
Các địa phương có ca mắc mới cao trong tuần qua là TP Rạch Giá, TP Phú Quốc và các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp.
Như vậy, tính từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4 tới nay, toàn tỉnh ghi nhận 9.990 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.261 bệnh nhân đã điều trị khỏi, 90 trường hợp tử vong.Một trong những nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới tăng liên tục gần đây là do lượng lao động về quê thời gian qua rất lớn - khoảng 69.000 người; trong đó đã có 535 người mắc COVID-19. Hiện nay, số người về quê đã giảm, nhưng bình quân mỗi ngày có 600 - 700 người; từ đó khiến việc cách ly, sàng lọc, xét nghiệm bị quá tải.
Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng cao. Cụ thể, trong ngày 1/11, đã ghi nhận thêm 434 ca mắc mới COVID-19; trong đó có 270 ca trong các khu cách ly, 82 ca trong khu phong tỏa, 62 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà…
Ngành chức năng đang triển khai nhiều biện pháp truy vết, kiểm soát dịch bệnh. Song song đó, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng vừa có văn bản trình ngành chức năng về việc thành lập Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Quân dân Y TP Cần Thơ và tại Trung tâm Y tế huyện Thới Lai.
Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Tính đến nay, TP Cần Thơ đã tiêm hơn 1,15 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó tiêm mũi 1 đạt hơn 94%, mũi 2 đạt gần 28%.
Các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 An Giang cho biết, ngày 1/11, toàn tỉnh ghi nhận 315 trường hợp nghi mắc COVID-19, điều trị khỏi bệnh 108 trường hợp. TP. Long Xuyên ghi nhận số ca nghi mắc COVID-19 nhiều nhất (72 trường hợp), huyện Chợ Mới (59 trường hợp)…
Từ 12 giờ trưa 2/11, tỉnh Bạc Liêu lên cấp độ dịch cấp 4. Theo đó, cấp độ dịch của tỉnh là cấp 4 - nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 rất cao. Đối với cấp huyện, có TX. Giá Rai và TP. Bạc Liêu là cấp độ dịch cấp 4; cấp độ 3 gồm 3 huyện: Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân; cấp độ 2 gồm các huyện còn lại: Vĩnh Lợi và Hòa Bình.
Ngày 1/11, tỉnh này ghi nhận 316 ca mắc COVID-19, lũy kế đến nay Bạc Liêu có 3.940 ca, trong đó 52 ca nhập cảnh. Có 1.286 ca khỏi, hiện tỉnh đang điều trị 2.622 ca, 32 trường hợp tử vong.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm