Tin tức - Sự kiện

Sáng kiến mới thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao tại Việt Nam

DNVN - Dự án Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao “Từ hạt ca cao đến thanh chocolate” hướng tới giải quyết các khó khăn và thách thức của ngành ca cao nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung nhằm góp phần vào sự phát triển của chuỗi giá trị ca cao theo hướng hiệu quả và thân thiện với môi trường.

7 cách sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu / Hà Nội: Thu giữ gần 1.000 lít rượu ngâm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 16/9 tại Hà Nội, Tổ chức Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển Cộng đồng đồng tổ chức hội thảo khởi động Dự án Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao “Từ hạt ca cao đến thanh chocolate”. Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ trong khuôn khổ chương trình SWITCH Asia hỗ trợ các nước châu Á chuyển dịch đổi kinh tế theo hướng giảm thiểu carbon, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, và kinh tế tuần hoàn hướng một nền sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Hội thảo khởi động Dự án có sự tham gia của đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp sản xuất chế biến ca cao chính tại Việt Nam và các bên liên quan khác. Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu thiết kế của dự án, cập nhật thông tin trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác dự án trong ngành ca cao và các ngành nông sản khác.

Hội thảo khởi động Dự án Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao “Từ hạt ca cao đến thanh chocolate”

Được biết, ngành ca cao Việt Nam có một quá trình phát triển không ổn định về quy mô sản xuất, đạt diện tích canh tác lớn nhất 25.000 ha vào năm 2012. Tuy nhiên quy mô sản xuất đã giảm đáng kể do cạnh tranh từ tiêu và các loại cây ăn quả khác. Theo Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng ca cao hiện nay duy trì tương đối ổn định, đạt khoảng 5.000 tấn hạt khô vào năm 2020, trong đó 40% sản phẩm đạt chất lượng rất tốt.

Với chất lượng sản phẩm tốt và nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế ngày càng cao, các công ty ca cao tại Việt Nam đang nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng trong khâu chế biến vào sản phẩm cuối cùng phục vụ cho thị trường nội địa và khu vực.

Mục tiêu tổng thể của dự án thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành nông sản và trong các chính sách của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng kinh tế công bằng và hạn chế các tác động có hại đến môi trường. Mục tiêu cụ thể là chuyển đổi phân ngành sản xuất ca cao/chocolate theo hướng kinh tế tái sinh, kinh tế tuần hoàn tại các các khâu quan trọng trong vòng đời sản phẩm, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi trong các phân ngành nông sản thực phẩm khác.

Dự án hướng tới đối tượng hưởng lợi cuối cùng là 3.500 nông dân sản xuất ca cao thông qua việc cải thiện thu nhập cho họ nhờ việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất theo hướng nông nghiệp tái sinh, đồng thời các doanh nghiệp sản xuất chế biến cũng được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Dự án hướng tới giải quyết các khó khăn và thách thức của ngành ca cao nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung, ví dụ như như rủi ro sử dụng hoá chất trong canh tác, sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu trong sản xuất, thúc đẩy sản xuất bao bì thân thiện môi trường, các giải pháp tái chế phế thải và tiết kiệm năng lượng cũng như các đầu vào khác của sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp số hóa truy xuất nguồn gốc cũng sẽ góp phần vào sự phát triển của chuỗi giá trị ca cao theo hướng hiệu quả và thân thiện với môi trường.

 

Dự án sẽ được thực hiện bởi Helvetas Việt Nam và CDC trong giai đoạn 2022-2026, trước mắt tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên Liên minh châu Âu hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn cho ngành nông nghiệp. Tổng ngân sách dự án là 1,93 triệu euro, trong đó 80% do Liên minh châu Âu và 20% do Tổ chức Helvetas tài trợ.

Bà Kristina Buende - Trưởng Ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - chia sẻ: “Các hoạt động trong dự án sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà ngành ca cao Việt Nam và các lĩnh vực nông sản thực phẩm khác đang phải đối mặt. Bao gồm loại bỏ dần việc sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, giảm sử dụng tài nguyên trong sản xuất và chế biến, tăng sử dụng bao bì sinh học thân thiện với môi trường và chế biến phụ phẩm ca cao thành nguồn năng lượng và nguyên liệu thô làm đầu vào và sản xuất bao bì nông nghiệp. Số hóa truy xuất nguồn gốc cũng sẽ góp phần vào sự phát triển của chuỗi cung ứng ca cao hiệu quả, thân thiện với môi trường hơn”.

“Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ một ví dụ tiêu biểu của Việt Nam trong quá trình phát triển một nền nông nghiệp bền vững có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khối tư nhân, bên cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng cũng như các định chế tài chính và các nhà hoạch định chính sách nhằm đạt được sự chuyển dịch kinh tế hơn nữa sang hướng carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển các chuỗi giá trị tuần hoàn. Tôi tin rằng thông qua việc tham gia tích cực vào dự án, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa với tư cách là người tham gia và đối tượng thụ hưởng của dự án, có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu của họ, thể hiện năng lực trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội và quan trọng hơn là đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường về các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường và xã hội” - bà Kristina Buende nói.

Về phần mình, ông Phạm Văn Lương - Giám đốc Helvetas Việt Nam - cho biết Helvetas là một tổ chức phi chính phủ đã thực hiện các dự án hỗ trợ tại Việt Nam từ năm 1994. Hiện họ đang thực hiện các dự án về nâng cao năng lực hệ thống thị trường, đặc biệt là nâng cao năng lực khối tư nhân, xúc tiến thương mại, tiếp cận các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật... thích ứng biến đổi khí hậu và quản trị. Cùng với Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC), Helvetas có kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, UNDP và các tổ chức khác để tận dụng kinh nghiệm và bài học phát triển thành công ngành ca cao theo hướng kinh tế tái tạo, tuần hoàn” - ông Phạm Văn Lương chia sẻ.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tuấn - Giám đốc dự án Helvetas Việt Nam -cho biết: “Cấu trúc chính của dự án gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là hỗ trợ nông dân và dịch vụ đầu vào theo hướng sản xuất kinh tế tuần hoàn nhằm tăng năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hợp phần 2 là hỗ trợ các đơn vị chế biến ca cao/chocolate giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và nguồn nước, ứng dụng hệ thống quản lý áp dụng truy xuất nguồn gốc. Hợp phần cuối cùng là mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành ca cao được nhân rộng trong lĩnh vực nông sản và xây dựng chính sách tại Việt Nam”.

Dự án kỳ vọng sau 4 năm thực hiện sẽ đạt một số kết quả mong đợi như 3.500 nông dân tăng thu nhập nhờ áp dụng các công nghệ sản xuất kinh tế tuần hoàn hay 4.000 tấn ca cao được sản xuất có áp dụng các tập quán canh tác mới. Đây là những con số mà nhiều chuyên gia đánh giá là khá tham vọng bởi lẽ đơn cử như con số 4.000 tấn cao cao đã gần tương đương với mức của toàn ngành ca cao hiện tại. Tuy nhiên, những người thực hiện dự án cho biết nếu một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện đang sở hữu quỹ đất lâm nghiệp lớn có được cơ chế đưa cây ca cao thành cây lâm sản ngoài gỗ để trồng trên diện tích lớn, những con số kể trên hoàn toàn có thể đạt được.

Cao Thông
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm