Tin tức - Sự kiện

Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Sắp xếp đơn vị hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Đà Nẵng: Thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt gần 3.900 tỷ đồng / Dự báo thời tiết ngày 1/3/2024: Hà Nội có mưa nhỏ, trời rét 11 độ C

Tuy nhiên, sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề khó, nhạy cảm, tác động rất nhiều mặt; trong đó có tác động đến kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh.

Chú thích ảnh
Bộ phận một cửa tại UBND phường Phạm Đình Hổ. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Thực hiện bài bản, khoa học

Tại thành phố Hà Nội, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường ở 3 quận, huyện (Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Phú Xuyên) đã được thực hiện bài bản, khoa học, "thấu tình đạt lý", đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương vì nhân dân phục vụ.

Cụ thể, tại quận Hai Bà Trưng, diện tích đất tự nhiên 0,18 km2, cùng 5.526 người dân của phường Ngô Thì Nhậm (trừ 0,01 km2 diện tích tự nhiên, 642 người của phường Ngô Thì Nhậm sáp nhập vào phường Nguyễn Du) sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được nhập vào phường Phạm Đình Hổ. Sau khi sáp nhập, phường Phạm Đình Hổ có 0,48 km2 diện tích đất tự nhiên và quy mô dân số 12.611 người. Qua đó tạo động lực cho địa phương phát triển, bộ máy hành chính được tinh gọn, phục vụ người dân tốt hơn.

Chú thích ảnh
Ông Trần Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Ông Trần Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, sau 4 năm sáp nhập, đến nay bộ máy mới đã đi vào hoạt động ổn định, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc sau khi sáp nhập có tăng lên về số lượng, nhưng mỗi cơ sở còn hạn chế về diện tích, quy mô. Cụ thể, trụ sở UBND phường được đặt tại số 44 Trần Xuân Soạn, thuận tiện cho người dân đến liên hệ làm việc nhưng diện tích còn nhỏ hẹp, quá tải. Ngoài ra, trụ sở UBND phường Phạm Đình Hổ lại là biệt thự cấp 2 nên việc xây mới, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn. Từ thực tế đó cho thấy, địa phương cần có điều chỉnh phù hợp về cơ sở hạ tầng làm việc của những đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả, nhất là đối với đô thị đặc biệt cần có những tiêu chí, điều kiện riêng.

Đáng chú ý, trong những đơn vị hành chính cấp xã, phường thuộc diện sắp xếp, có những phường tại khu vực nội đô phải chia diện tích và số dân để sáp nhập vào phường khác, khiến không ít cán bộ và người dân bày tỏ tâm tư, băn khoăn. Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo thành phố, quận, nhất là phường tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, vì lợi ích chung của Thủ đô và đất nước, cán bộ và người dân đã thấu hiểu, chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều chỉnh sáp nhập.

Điển hình như phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng). Theo phương án sắp xếp sẽ nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Cầu Dền vào phường Bách Khoa thành đơn vị hành chính phường mới. Sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 0,66 km2 và quy mô dân số là 20.773 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới dự kiến đặt tại trụ sở phường Bách Khoa. Bên cạnh đó, một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Cầu Dền được nhập vào phường Thanh Nhàn thành đơn vị hành chính phường mới. Kết quả sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 0,76 km2 và quy mô dân số 22.899 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới dự kiến đặt tại trụ sở cũ phường Thanh Nhàn hiện nay.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, UBND phường đã tuyên truyền để nhân dân hiểu và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện việc sáp nhập theo phương án của thành phố. Ngày 25/2, UBND phường đã có thông báo niêm yết danh sách cử tri, lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn phường Cầu Dền. Cán bộ và người dân mong muốn, bên cạnh hiệu lực, hiệu quả của việc sáp nhập là tinh gọn bộ máy, có nguồn lực tập trung hơn cho việc phát triển cơ hở hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn, địa phương cần quan tâm hơn đến việc đảm bảo thông suốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Người dân xem thông báo niêm yết danh sách cử tri, lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường, trên địa bàn phường Cầu Dền.Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Theo báo cáo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND thành phố Hà Nội, thành phố có 1 quận (quận Hoàn Kiếm) thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện việc này. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp là 173 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện là 76 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp là 12 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp là 47 đơn vị.

 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Phong, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, theo phương án trên, thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai xây dựng Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính xã, phường giai đoạn 2023 - 2025 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Mặc dù các đơn vị hành chính cấp xã có rất nhiều yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa... nhưng thành phố vẫn quyết tâm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính xã, phường trong diện sắp xếp.

Chú thích ảnh
Bộ phận một cửa phường Cầu Dền. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Thời gian tới, trong quá trình tiếp tục thực hiện sắp xếp, thành phố nên cân nhắc tới yếu tố truyền thống, lịch sử, bản sắc văn hóa tiêu biểu gắn với truyền thống hình thành, phát triển của Thủ đô; đồng thời, tính toán khoa học, hợp lý, phù hợp quy hoạch, thực tiễn hiện nay và xu hướng phát triển trong giai đoạn tới, nhất là phù hợp với định hướng và tốc độ phát triển đô thị, hạ tầng giao thông trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi trong lao động sản xuất, công tác và sinh hoạt của nhân dân. Thành phố xem xét thận trọng các tiêu chí trọng điểm và trọng yếu về quốc phòng - an ninh ở một số đơn vị hành chính có ảnh hưởng lớn khi sắp xếp; đồng thời, tạo được sự thống nhất, đồng thuận của người dân...

Theo lộ trình Phương án sắp xếp, năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố cũng sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp; triển khai các chế độ, chính sách đặc thù (nếu có) tại các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm