Tin tức - Sự kiện

Sinh viên không giỏi nổi bật phải dám thử mới có cơ hội việc làm

Nhiều sinh viên cảm thấy mình không có tài năng nổi bật, học không quá giỏi, có băn khoăn rằng đâu là con đường cho mình trong môi trường cạnh tranh việc làm hiện nay. Lời khuyên là đừng ngại thử, đừng nản lòng khi gặp khó khăn, hãy cố gắng hết mình để biết được bản thân muốn làm gì và có khả năng làm gì.

Nghề 'mất duyên' ngày càng hot với sinh viên / Cô sinh viên y khoa xấu xí trở nên xinh đẹp khiến mẹ không nhận ra

Tại diễn đàn giao lưu “Phát triển 4.0 ở Việt Nam: Ưu tiên công nghệ hay con người?”, các chuyên gia, nhà đào tạo nhân sự và nhà tuyển dụng ở lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về thời đại, cơ hội cũng như thách thức giúp các bạn trẻ tìm được hướng đi cho bản thân.

Sinh viên không giỏi nổi bật phải dám thử mới có cơ hội việc làm - 1

Diễn đàn giao lưu “Phát triển 4.0 ở Việt Nam: Ưu tiên công nghệ hay con người?” là nơi định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực và kỹ năng cho sinh viên.

Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống Lập trình viên quốc tế Aptech nói rằng: Tất cả những doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam hay trên thế giới đều tập trung cho đào tạo con người. Đây là điều ưu tiên hàng đầu.

Ông Trần Anh Quân - Chiến lược gia công nghệ tập đoàn Microsoft Việt Nam cho rằng trong bất cứ công việc gì, con người luôn luôn là trung tâm của vấn đề. Trong CMCN 4.0, con người luôn là tâm điểm.

Sinh viên Thành Công đặt hỏi cho các chuyên gia: “Sinh viên CNTT khá kém về kĩ năng mềm, môi trường học khô khan, vậy làm thế nào để rèn luyện kĩ năng?”

Ông Trần Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Top CV trả lời rằng sinh viên CNTT không chỉ cần cập nhật công nghệ mới mà còn cần xây dựng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

“Nhìn chung khả năng giao tiếp của đa phần bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực CNTT không cao. Tuy vậy, các bạn cần phải học được kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp với nhau.

 

Chúng ta cần phải bứt phá, thoát ra khỏi vỏ bọc của bản thân để chủ động nắm bắt cơ hội, ví dụ như cơ hội khởi nghiệp, đón đầu công nghệ", ông Hiếu nói.

Ngay sau khi nhận được sự khích lệ của ông Hiếu, nhiều bạn sinh viên chủ động đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Bạn Nguyễn Công Dũng - SV năm 2 ĐH Kinh doanh và công nghệ hỏi: “Vì sao các công ty tìm kiếm những người có kiến thức rồi nhưng lại không đầu tư đào tạo cho những bạn sinh viên năm 2 năm 3?”.

Sinh viên không giỏi nổi bật phải dám thử mới có cơ hội việc làm - 2

Bạn trẻ bày tỏ nhiều băn khoăn về con đường tương lai trong thời buổi cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường việc làm.

Ông Trần Anh Quân kể câu chuyện về chính ông là xuất phát điểm từ một sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, nhờ tự mày mò học hỏi không ngừng mà chuyển sang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông Quân hi vọng rằng từ câu chuyện của bản thân ông, bạn trẻ hiểu được rằng xuất phát điểm không quan trọng, quan trọng là nỗ lực học hỏi không ngừng.

 

Ông Trần Trung Hiếu trả lời thẳng vào vấn đề mà sinh viên đặt ra đó là doanh nghiệp cần những người có khả năng làm việc ngay, cho những dự án đang chạy chứ không có thời gian chờ đợi đào tạo người.

Vì vậy sinh viên năm 2 thường chưa đáp ứng được kiến thức nền tảng cơ bản để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các bạn SV năm nhất, năm hai đều có thể có cơ hội kiếm được việc làm, có thể là làm part-time, học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm.

Ông Chu Tuấn Anh cho rằng sinh viên nên đặt câu hỏi ngược lại là vì sao học tới năm 2 năm 3 rồi mà vẫn chưa biết gì? Trong khi đó, nhiều bạn trẻ sớm tranh thủ thời gian nắm bắt công nghệ trong tay thì có thể đi làm bất cứ lúc nào.

Bạn Dung, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân hỏi rằng: "Em cảm thấy rằng mình chỉ mức độ trung bình, học không giỏi, kĩ năng không quá nổi bật. Mặc dù chủ động thử rất nhiều thứ như đi học chụp ảnh, học đàn, học hát nhưng không cảm thấy mình có tài năng. Vậy có cách nào giúp em đi đúng hướng không?"

Ông Trần Trung Hiếu chia sẻ rằng câu chuyện của Dung là chuyện của rất nhiều sinh viên. Nhưng Dung khác những bạn khác là bạn dám thử. Đó là lí do hiện tại, Dung đang có việc làm thay vì chỉ biết đi học và vui chơi. “Không ai có thể giải được bài toán cho mình nếu mình không chủ động giải nó", ông Hiếu nói.

 

Thời điểm sinh viên là thời điểm các bạn có nhiều thời gian và có nhiều cơ hội để thử nhất. Vì vậy hãy cứ thử và khám phá xem mình thực sự muốn làm gì và giỏi gì.

Ông Hiếu khuyến khích các bạn trẻ hãy cố gắng làm hết sức, đừng nhanh chóng bỏ việc mà chưa tự hỏi chính mình rằng bạn đã thật sự nghiêm túc hay chưa. Qua đó, các bạn mới biết được bản thân muốn làm gì và có khả năng làm gì.

Buổi giao lưu của các chuyên gia, nhà đào tạo và tuyển dụng nằm trong Ngày hội Tuyển dụng Aptech Job Fair. Chương trình là cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp uy tín.

Thông qua đó, chương trình là nơi định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực và kỹ năng cho sinh viên đồng thời giúp các nhà tuyển dụng tạo dựng được hình ảnh chuyên nghiệp và tìm kiếm những ứng viên tiềm năng.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm