Tin tức - Sự kiện

Sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp - Bài 2: Đã xuất hiện một số điển hình địa phương mạnh

"Thời gian qua, ngành trồng trọt có sự phát triển mạnh mẽ, sản xuất mở rộng, tuy nhiên chưa có sự liên kết để tạo ra hàng hóa lớn, chưa chú ý bảo hộ sở hữu trí tuệ để tránh gây thiệt hại lớn cho nông dân. Sản phẩm để có chứng nhận chất lượng phải có xác nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng cao trong nước và xuất khẩu".

Làm chủ công nghệ bán dẫn, cơ hội lớn với Việt Nam / Làm cho thế giới sạch hơn - Bài cuối: Hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Chú thích ảnh
Đoàn khách du lịch tham quan, trải nghiệm mùa vải chín Lục Ngạn. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Nhiều địa phương được cấp mã số vùng trồng

Các địa phương đã từng bước xây dựng kế hoạch sản xuất dựa trên năng lực thị trường và sản phẩm đặc thù từng địa phương. Với địa phương đã xác định vùng trồng, vùng sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu thì cây nông nghiệp trong vùng trồng đều có định hướng và được bảo hộ. Thời gian qua, ý thức được việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sở hữu cây trồng, nhiều địa phương đã thực hiện và được cấp mã số vùng trồng và quản lý tốt mã số vùng trồng; tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, việc bảo hộ giống cây trồng cùng với việc các địa phương được cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin về thị trường, tình hình cung ứng của các vùng sản xuất ngược lại, tránh tình trạng sản xuất lúc thừa, lúc thiếu như trước đây.

Thực hiện Chương trình "Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030", đã có 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được người tiêu dùng biết đến sản phẩm một cách rộng rãi, qua đó uy tín của sản phẩm không ngừng được nâng cao và gia tăng giá trị.Đặc biệt, có 10 loại sản phẩm chủ lực của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu cao đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường nước ngoài trọng điểm như: Trung Quốc, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... với các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận…

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết , đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng... Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Điển hình địa phương mạnh

 

Chú thích ảnh
Các kệ hàng bày bán vải tươi Lục Ngạn (Bắc Giang) tại Trung tâm thương mại CentralWorld ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN

Để đánh thức tiềm năng các sản phẩm của mỗi địa phương, cùng với chính sách đầu tư của nhà nước, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã được ban hành. Nhiều sản phẩm "trí tuệ" của các nhà sáng chế Việt Nam được bảo hộ đã từ cánh cửa phòng thí nghiệm ra đến đời sống xã hội, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân, có tính ứng dụng cao.

Chương trình"Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" cùng vớiNghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao giá trị tài sản trí tuệ ở các địa phương. Hàng năm, Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ sáng chế cho các kết quả nghiên cứu, những giải pháp kỹ thuật... Đến nay có hơn 60 giải pháp kỹ thuật được hỗ trợ bảo hộ, quản lý và khai thác trong khuôn khổ Chương trình.

Việc bảo hộ tài sản trí tuệthời gian gần đây cho thấy một sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng dựa trên khoa học công nghệ và tài sản trí tuệ. Hiện nay, có rất nhiều địa phương trở thành những "điển hình" mạnh trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ như: Vải thiều Lục Ngạn là một sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, cũng như đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại 8 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ. Để có được thành công, đưa quả vải vươn xa ra thế giới, trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng thành công nhãn hiệutập thể “Vải thiều Lục Ngạn" năm 2005 vàChỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vào năm 2008, sau khi đăng ký thì giá trị sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn có giá trị cao hơn khu vực khác từ 40 - 50%.

Cùng với Bắc Giang, Bình Thuận trở thành "điểm sáng" với vựa thanh long lớn nhất cả nước, với diện tích gần 30.000 ha. Trước đây, sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (95%) nhưng nay, thanh long đã chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay. Hiện, nhãn hiệu "Bình Thuận Dragon Fruit" đã được bảo hộ tại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc... Việc được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển thanh long, được xem là "chìa khóa" giúp loại trái cây này tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước mà còn là đòn bẩy để tiến mạnh vào các thị trường thế giới.

Ông Ngô Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Để phát triển chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng, cần sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành như: UBND các huyện, thành phố có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; các ngành: Nông nghiệp, công thương, thuế, tài chính, kế hoạch - đầu tư, thông tin - truyền thông, các hội, hiệp hội... để khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bài cuối: Nghị định 65/2023 - Tạo hành lang pháp lý thông thoáng và hoàn chỉnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm