Làm cho thế giới sạch hơn - Bài cuối: Hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường
Tái cơ cấu các dự án nghìn tỷ đang đúng hướng / Nhiều mô hình trồng rau, hoa thu nhập hàng trăm triệu đồng
Trong đó, mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Quyết liệt thực thi chính sách về môi trường
Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước đến đẩy mạnh các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác bảo vệ môi trường của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng hoàn thiện, tiếp cận với phương thức quản lý môi trường tiên tiến của các nước phát triển, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang xây dựng. Điều này thể hiện rõ nét tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường tiếp tục được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và tại các bộ, ngành. Khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường liên tục được tăng cường, mở rộng. Các công cụ quản lý môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện nâng lên một bước. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.
Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, giai đoạn 2013 - 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận và phương thức quản lý môi trường với nhiều quy định mới, được kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá, chuyển biến sâu sắc trong công tác bảo vệ môi trường của đất nước. Các công cụ quản lý môi trường được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn. Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, thủ tục nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2013 - 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, có ý kiến đối với hơn 190 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt hơn 1.500 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các địa phương đã chú trọng dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn; một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ quá trình thu hút đầu tư. Chính phủ đã chỉ đạo, hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Từ khi được thành lập đến hết năm 2022, Đường dây nóng đã nhận được tổng số 2.545 thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường. Các vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường đều được gửi về địa phương đề nghị xác minh, xử lý, hoặc trực tiếp tổ chức xác minh, xử lý, hoặc hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quan trắc và cảnh báo về môi trường tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Đến hết năm 2022, cả nước có 58/63 địa phương với 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2) và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV; phê duyệt đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số nghị định, quyết định và Bộ trưởng đã ban hành thông tư, tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, tăng cường phân cấp cho địa phương và cắt giảm các điều kiện liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 350 cuộc thanh tra, kiểm tra, đối với 773 tổ chức, cá nhân. Xử phạt vi phạm hành chính 73 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 54 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,9 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 5.647 ha đất. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tiếp 1.589 lượt với 1.783 công dân, có 18 lượt đoàn đông người với 13 người; nhận được là 6.350 lượt đơn thư khiếu nại tố cáo (có 2.227 đơn không đủ điều kiện xử lý, chiếm 35,07% số đơn nhận được), số đơn đủ điều kiện xử lý là 4.123 đơn tương ứng 4.123 vụ việc.
Theo Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và một số dự án tại tỉnh Hậu Giang. Thanh tra một số dự án có giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Một số dự án có chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ do Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh thông qua tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ. Thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ của một số tổ chức tại 5 tỉnh: Lâm Đồng, Tuyên Quang, Đắk Nông, Tây Ninh, Phú Yên.
Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ hoàn thành việc thanh tra về môi trường và tài nguyên nước, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại một số cơ sở có lưu lượng khí thải, bụi lớn và một số cơ sở y tế tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nam, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng thanh tra là 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 7 bệnh viện.
Xây dựng tương lai xanh, bền vững
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cách đây tròn 30 năm, Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" do Australia khởi xướng đã được phát động trên toàn cầu. Đến nay, Chiến dịch đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của trên 180 quốc gia trên thế giới. Ngay từ năm 1994, Việt Nam đã tích cực tham gia hưởng ứng Chiến dịch này với nhiều hoạt động thiết thực như: Ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, trồng cây xanh, làm sạch biển, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường... Qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, giúp hình thành ý thức trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường, góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định, không phải giản đơn hay ngẫu nhiên mà một Chương trình lại có sức sống lâu bền đến vậy. Căn nguyên chính là sức truyền tải thông điệp “Làm cho thế giới sạch hơn” tới hàng triệu người dân trên toàn thế giới, giúp chúng ta cùng thay đổi nhận thức và hành vi, vì một trái đất xanh hơn, an lành hơn cho tất cả. Sự phát triển nhanh của kinh tế, sự gia tăng các nhu cầu của con người, công nghiệp hóa - đô thị hóa đã dẫn tới những tác động lớn tới môi trường. Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu là vấn đề lớn đối với nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa rằng, giải được bài toán môi trường, biến đổi khí hậu sẽ đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo tương lai bền vững.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh thông điệp: "Cùng nhau - chúng ta sẽ tạo nên một cuộc chuyển đổi xanh, xây dựng một tương lai xanh, bền vững” và nhắc đến những cam kết của Việt Nam trước quốc tế về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chống suy thoái đa dạng sinh học như: cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khu của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26. Việt Nam cùng hàng trăm quốc gia trên thế giới thông qua Tuyên bố Côn Minh - Montreal tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học, yêu cầu tất cả các bên cần nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cam kết bảo đảm xây dựng, thông qua và thực hiện có hiệu quả “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.
“Trước các thách thức của môi trường và biến đổi khí hậu, giờ đây xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành xu thế toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với hành tinh, nhân loại”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh