Tài chính nhúng thúc đẩy xu hướng M&A trong ngành dịch vụ tài chính
Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành / Thủ tướng: Bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định
Với tiện ích trên, tài chính nhúng đang là một trong những xu hướng mới trong ngành dịch vụ tài chính, thúc đẩy các ngân hàng hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (fintech). Đây là thông tin tại Hội nghị với chủ đề về Tài chính nhúng - Embedded Finance Summit 2022 tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/9.
"Tài chính nhúng" không phải là khái niệm hoàn toàn mới, nó có thể được hiểu đơn giản là "nhúng" các công cụ hoặc dịch vụ tài chính vào các bên tham gia, đem lại một lựa chọn mới cho khách hàng. Chẳng hạn, từ một ứng dụng thanh toán của ngân hàng, người dùng có thể tiếp cận với nhiều dịch vụ khác nhau như bảo hiểm, mua sắm, vé máy bay… Ngược lại, từ một trang thương mại điện tử bất kỳ, người mua sắm có thể dễ dàng lựa chọn các hình thức thanh toán, thậm chí mua trước trả sau.
Những tiện ích này đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh xã hội bước vào thời đại kỹ thuật số, ưu tiên cho việc phát triển và phân tích dữ liệu. Ngày càng có nhiều hoạt động thương mại được chuyển sang trực tuyến, tạo cơ hội kết nối người tiêu dùng và doanh nghiệp với các dịch vụ tài chính phù hợp hơn, ngay tại ngữ cảnh của nền tảng mà họ đang sử dụng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với ngữ cảnh hơn sẽ mang lại doanh thu bán hàng cao hơn, người tiêu dùng hài lòng hơn và tạo ra mức tăng trưởng nhanh hơn cho nhà cung cấp.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan - một đơn vị cung cấp giải pháp bán hàng trực tuyến cho biết: Nhu cầu vay tài chính trên các nền tảng thương mại điện tử là rất lớn, chứ không chỉ là thanh toán trực tuyến. Về phía người mua, Haravan bắt tay với các bên fintech cung cấp dịch vụ "mua trước trả sau" để hỗ trợ tài chính. Còn về người bán, nền tảng này lại bắt tay với KBank và Techcobank cung cấp những khoản vay ngắn hạn, thường là 7-8 ngày cho các nhu cầu tài chính đột xuất liên quan đến hàng hóa.
Theo đánh giá của Haravan, việc tích hợp các dịch vụ cho vay giúp tăng tỷ lệ thành công của giao dịch thương mại điện tử, qua đó giúp nhà bán hàng tăng doanh thu và kinh doanh hiệu quả hơn. Ở phía ngược lại, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cũng đang tăng cường đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ cộng thêm cho khách hàng trên cùng một nền tảng.
Ông Nguyễn Viết Châu, Giám đốc sáng tạo số Ngân hàng Thương mại cổ phầnQuân đội (MBBank) cũng cho biết, khi ngân hàng triển khai siêu ứng dụng, việc tăng trưởng số lượng người dùng từ 2-3 triệu lên 10 triệu là việc khó, nhưng vẫn làm được.
Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu có thể hướng tới phục vụ cho 40-50 triệu người dùng tại Việt Nam, thì các ngân hàng cần phải kết nối với nhiều đối tác thị trường thông qua các đơn vị trung gian, các nền tảng tài chính nhúng.
"Tài chính nhúng giúp ngân hàng chuẩn hoá một số dịch vụ của mình để dễ kết nối với bên thứ ba. Chẳng hạn, chỉ cần kết nối với Grab, ngay lập tức chúng tôi có thể tiếp cận được tới một số lượng người dùng lớn với chi phí khách hàng hợp lý hơn", ông Nguyễn Viết Châu cho biết.
Trong một báo cáo dự báo về các xu hướng tài chính mới đầu năm 2022, Tổ chức Kiểm toán Pwc cũng nhận định, tài chính nhúng đang là xu hướng nổi bật hiện nay khi nhiều doanh nghiệp có thể tích hợp các dịch vụ tài chính vào hoạt động và danh mục dịch vụ.
Theo Pwc, sự phát triển của nền kinh tế số đã thúc đẩy hợp tác giữa ngành dịch vụ tài chính và các kênh phân phối (như các nền tảng số) để tạo ra các giao dịch và cơ hội tài chính, chẳng hạn như cho vay tiêu dùng thông qua các kênh kỹ thuật số B2C.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tài chính lớn, bao gồm các ngân hàng phát hành thẻ, có thể sẽ tận dụng M&A để tăng cường năng lực nhằm cạnh tranh với các công ty fintech trong nhiều dịch vụ mới nổi, chẳng hạn như "mua trước - trả sau" (Buy Now - Pay Later).
Với xu hướng đó, nhiều định chế tài chính, doanh nghiệp lớn trong nước đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty fintech cung cấp giải pháp tài chính nhúng. Mới đây, Công ty ComB (cho vay tiêu dùng phân khúc khách hàng đại chúng của Ngân hàng Thương mại cổ phầnPhương Đông - OCB); Công ty bảo hiểm Bảo Minh… cũng đã ký kết hợp tác với Credify, nền tảng đang nỗ lực tích hợp nhiều loại dịch vụ khác nhau để hình thành hệ sinh thái đa dịch vụ, rồi tích hợp vào các bên khác có nhu cầu.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, thị trường "tài chính nhúng" có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Các vấn đề về chia sẻ dữ liệu, bảo mật, vấn đề pháp lý, sự cởi mở hợp tác giữa các bên… đòi hỏi sẽ cần thêm thời gian để giải quyết và có hướng phát triển cho xu hướng dịch vụ tài chính mới này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại