Tin tức - Sự kiện

Tai nạn đường sắt: Chưa lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm?

Chưa có lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm khi xảy ra tai nạn đường sắt, thậm chí là Chủ tịch xã. Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với các tỉnh có hiệu lực từ năm 2013 nhưng đến nay có địa phương vẫn chưa biết.

Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh bị kỷ luật cảnh cáo / Kỳ tích mẹ suy thận giai đoạn cuối vẫn sinh con khỏe

Trung ương xây, địa phương xóa (?!)

Tại cuộc họp bàn về Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT - cho biết, hiện nay trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện nay có 4.160 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại. Từ năm 2005-2017, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ TNGT đường sắt, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm trên 42%.

Trong tháng 7/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu “dứt khoát phải xoá sổ đường ngang” và yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Về kinh phí, Phó Thủ tướng cũng lưu ý không chỉ sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mà trong ăn 2019 cần tính toán để lại phần lớn tiền xử phạt vi phạm giao thông cho địa phương để xử lý điểm đen và hộ lan cho đường sắt.

Cuộc họp về Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia
Cuộc họp về Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Đề án đưa ra 7 nhóm giải pháp, trong đó có các biện pháp như: xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như: đường ngang, cầu vượt, hầm chui để giảm 2.078 lối đi tự mở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được các giải pháp này, cần phải có nguồn kinh phí và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Nói về vai trò của địa phương, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng giám đốc VNR - cho hay: “Toàn bộ những giải pháp trong Đề án chúng ta đều đã làm cả trong suốt thời gian vừa qua, nhưng qua địa phương bị xoá bỏ đi gần hết. Giải pháp trong Đề án nêu là làm đường gom, hàng rào…nhưng vấn đề ở đây là việc duy tu, bảo dưỡng kinh phí rất lớn nên nhiều địa phương không làm”.

Cũng theo ông Minh, khi xảy ra TNGT đường sắt, ở trên Bộ “truy” và xử lý trách nhiệm của Cục, VNR, nhưng thực tế chưa có địa phương nào chịu trách nhiệm, thậm chí là chưa từng có Chủ tịch UBND xã nào bị xử lý kỷ luật khi có TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn.

“Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với các tỉnh từ năm 2013 nhưng có địa phương còn chưa biết. Ngay quận Hà Đông - Hà Nội, công trình xâm phạm hành lang an toàn đường sắt đã gần 2 năm chưa thu hồi được, địa phương cũng không rốt ráo xử lý… ” - ông Minh bức xúc.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

 

Phụ trách về lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, trách nhiệm trong việc quản lý hành lang an toàn đường sắt đang có vấn đề từ hệ thống quản lý.

TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra ở lối đi tự mở, tuy nhiên trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương được cho là thấy xem xét xử lý cụ thể
TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra ở lối đi tự mở, tuy nhiên trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương được cho là thấy xem xét xử lý cụ thể.

“Vai trò của VNR trong việc quản lý hạ tầng và trách nhiệm của lực lượng thanh tra như thế nào để không phát sinh thêm lối đi tự mở. Còn về Quy chế phối hợp với địa phương như thực trạng VNR vừa nêu, chúng ta đã làm rồi nhưng đến giờ phải nhận định lại là có cần Quy chế này hay không, Quy chế có hiệu quả hay không? Bởi địa phương phải “ngấm” quy định pháp luật thì mới thực hiện tốt được.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, địa phương; gắn chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời phải có phương án bố trí vốn, lộ trình thực hiện hợp lý.

Đồng ý với quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cần đưa vào Đề án giải pháp tăng cường thực hiện và xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước; Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt với chính quyền địa phương cấp phường, xã, thôn, ấp.

“Trong tháng 10 Cục Đường sắt hoàn thành xong Đề án và trình lên Bộ trưởng. Tháng 12 Bộ sẽ xin chủ trương của Chính phủ.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

 

Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm