Tin tức - Sự kiện

Tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ

DNVN - Sau 5 tháng khởi công, đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ còn những khó khăn vướng mắc cần tập trung giải quyết. Trong buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ và các đơn vị vào ngày 22/3, ông Dương Tấn Hiển- Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo nhiều vấn đề cụ thể.

Cần Thơ: Kiên quyết cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép / Cần Thơ: Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ cho biết, đến nay các nhà thầu vẫn chưa có mặt bằng để tiến hành thi công; một số nhà thầu khác đã tập kết phương tiện, bắt đầu phát hoang, đào khuông đường với diện tích 2.400m2.

Dự án đường Vành đai phía Tây có khoảng 1380 hộ dân bị ảnh hưởng, đến thời điểm hiện tại có 416/1221 trường hợp được địa phương phê duyệt kiểm đếm (khoảng 34%), số lượng lớn trường hợp còn lại chưa xét pháp lý. Các hộ dân phê duyệt và chi trả bồi thường nằm rải rác trên tuyến nên chưa thể thi công đồng bộ các gói thầu 16, 17, 19 và 20. Các khu tái định cư đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền nên chưa đủ điều kiện bàn giao. Từ đó, đã ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Sở GTVT, năm 2023, số vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án này là 225 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của dự án. Do chưa điều chỉnh được tổng mức đầu tư nên chỉ tập trung GPMB cho các gói thầu đã triển khai. Do đó, Sở đề nghị 4 quận, huyện có dự án đi qua đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho các vị trí ưu tiên trong tháng 4 tới để các gói 16,17,19 và 20 tập trung thi công.

Sở GTVT cũng cho biết việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng còn chậm. Cụ thể là tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt công trình hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, cấp nước, đường dây điện trung thế, hạ thế. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện vẫn chưa ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế để làm những bước tiếp theo.

Trước những khó khăn và đề xuất tháo gỡ trên, ông Dương Tấn Hiển- Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, đường Vành đai phía Tây là công trình trọng điểm, UBND TP đã thành lập tổ theo dõi, chỉ đạo. Chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết để có lộ trình triển khai dự án, giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh.

Về vấn đề GPMB, ông Hiển chỉ đạo cần tập trung giải quyết bố trí tái định cư, nhanh, chất lượng, bảo đảm quy định pháp luật. Từ thời gian thông báo đến khi thu hồi đất phải có sự đồng thuận của người dân. Trong đó, Quyết định thu hồi đất, quyết định phương án bồi thường phải cùng ngày. Người dân nào cần tái định cư thì xem xét giao trước, cũng có thể đẩy mạnh phương án tái định cư phân tán. Xem xét thêm phương án xây chung cư ở 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng…

 

Dự án đường Vành đai phía Tây khởi công ngày 17/11/2022, có chiều dài gần 20km với 24 cây cầu. Sở GTVT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn hơn 3.837 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, còn lại địa phương cân đối. Thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026. Dự án đi qua 5 quận, huyện gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền. Đường Vành đai phía Tây có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL như QL91, QL61C và QL1A; kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm