Tin tức - Sự kiện

Cao tốc Bắc - Nam vướng “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất gây nguy cơ chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam là giải phóng mặt bằng.

Tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long / Không dừng lại ở mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội

Tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, nhằm khẩn trương triển khai thi công.

Mặc dù đến nay, toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã thi công, tuy nhiên vẫn có những rào cản gây nguy cơ chậm tiến độ, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là giải phóng mặt bằng.

2 km mặt bằng sạch phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam này nằm tại địa bàn xã An Mỹ, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Đây cũng là đoạn dự án vừa được địa phương bàn giao mặt bằng.

Cao tốc Bắc - Nam vướng “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng  - Ảnh 1.

Vướng mặt bằng, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, khi đơn vị thi công triển khai thiết bị, phương tiện, người dân không chấp nhận. Lý do là bởi họ chưa nhận tiền đền bù, dù đã thống nhất chủ trương di dời trước đó.

Từ cuối tháng 2 vừa qua, tỉnh Phú Yên đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 81,5% của dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong. Tuy nhiên, đơn vị thi công cho biết, phạm vi mặt bằng thi công được chỉ đạt hơn 1/3 khối lượng bàn giao.

Các địa phương có dự án cao tốc đi qua đều đưa ra cam kết bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công. Tuy nhiên, hiện còn nhiều đoạn chưa lên được phương án đền bù. Thậm chí đã có tình trạng trục lợi trong đền bù giải phóng mặt bằng như tại tỉnh Hậu Giang.

Những cây mai trên thị trường cógiá chỉ dưới 10.000 đồng. Tuy nhiên nếu được trồng và đền bù theo kế hoạch thì giá trị sẽ lên tới 40.000 đồng. Điều này cũng giải thích vì sao ở khu đất đền bù lại có nhiều cây mai trồng như vậy.

Sau khi phát hiện có dấu hiệu trồng dày đặc gần 500.000 cây mai mới, phía tỉnh Hậu Giang có chủ trương áp giá bằng 15% so với phương án đền bù ban đầu. Người dân không chấp nhận, thi công ngay lập tức bị cản trở.

 

"Chúng tôi thiết tha đề nghị các địa phương được vì lợi ích chung, vì công trình quan trọng quốc gia, vì một công trình động lực, lan tỏa, mạnh dạn, quyết liệt, quyết tâm xử lý đối với công tác giải phóng mặt bằng hiện nay",ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nói.

Nhiều gói thầu hiện đã phải dừng thi công, bởi những điểm chưa giải phóng mặt bằng lại nằm ở chính những đường vào công trường để đưa máy móc vào. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều địa phương, khối lượng giải phóng mặt bằng nhiều, nhưng việc thi công vẫn ì ạch, ngưng trệ.

Giải quyết nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam

Không chỉ vướng về mặt bằng thi công, nhiều gói thầu không thể tiếp tục triển khai do thiếu vật liệu, đặc biệt là cát đắp nền đường. Trong khi đó, từ tháng 3 này là thời điểm tăng tốc cho toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Trong cuộc làm việc mới đây về tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định kiên quyết không để ai được phép trục lợi trong việc cấp vật liệu xây dựng. Địa phương phải mời các chủ mỏ và các nhà thầu lên để trao đổi, thống nhất giá niêm yết và nhu cầu nhà thầu để sớm ký hợp đồng. Chủ mỏ nào không chấp thuận có thể thu hồi giấy phép.

 

Bóc dỡ lớp đất bề mặt, theo quy trình, các đơn vị thi công sẽ phải tiếp tục bơm cát vào để gia tải và làm móng đường. Tuy nhiên, các ống dẫn đã có nhưng nguồn cát vẫn chưa tìm được. Công trình đành phải nằm chờ vật liệu, tiến độ dự án đang chậm.

"Hiện tại nhà thầu cũng mua nguồn cát thương mại để bù khối lượng, nhưng không đủ cho dự án",ông Lê Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng, Tổng Công ty xây dựng số 1, cho biết.

Chỉ tính riêng dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang nhu cầu cát đã lên đến gần 19 triệu m3. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 địa phương có thể cung cấp cát là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 3 triệu m3. Ban quản lý dự án cho rằng nên có giải pháp để rút ngắn thời gian cấp mỏ

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Nhiều cơ chế mới trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng đã được áp dụng. Công tác rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai. Tuy nhiên theo các đơn vị thi công, việc cấp bách nhất là bao giờ được cấp mỏ mới để đưa cát về công trình vẫn phải chờ đợi vì chưa có mốc thời gian cụ thể.

 

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án đường bộ cao tốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng chiều dài gần 730 km và mức đầu tư lên tới hơn 146.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025 để tạo thành trục đường bộ cao tốc xuyên suốt dọc theo chiều dài đất nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm