Tin tức - Sự kiện

Tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ Chính phủ điện tử

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, hoàn thiện thể chế phục vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới trong lĩnh vực này.

Thủ tướng nêu rõ thông điệp chính sách cho khởi nghiệp / Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nguyên Phó Thủ tướng Đức

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thăm quan Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, triển khai nền tảng, xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 2.0), bảo đảm công tác an toàn, an ninh thông tin là những nhiệm vụ trọng tâm.

Chiều 30/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban về công tác phối hợp giữa VPCP và Bộ TT&TT trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Tích cực phối hợp công tác

Theo đại diện Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), trong tháng 10 và tháng 11/2018, VPCP và Bộ TT&TT đã tích cực triển khai Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và Kế hoạch hành động của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử 4 tháng cuối năm 2018.

Từ tháng 1/2018 đến nay, VPCP đã tiếp nhận 21 văn bản, đề án do Bộ TT&TT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đã phối hợp xử lý 20/21 văn bản, đề án. Hiện đang xử lý 01 hồ sơ về Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg).

 

Trong công tác xây dựng thể chế phục vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như: Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 9/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước; Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, còn một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành đang trình Thủ tướng hoặc đang hoàn thiện. Trong đó có dự thảo Nghị định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025…

Trong triển khai hệ thống, nền tảng Chính phủ điện tử, Cục Tin học hoá đã hoàn thiện dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0, trình lãnh đạo Bộ TT&TT để ký văn bản gửi Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử theo quy định.

Trong triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, hiện nay VPCP đang phối hợp với 47 bộ, cơ quan, địa phương để triển khai kết nối, liên thông, trong đó đã thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với 18 bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, VPCP đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành mã định danh của các cơ quan để phục vụ gửi nhận văn bản điện tử. Đến nay, đã có 91/93 bộ, ngành, địa phương ban hành mã định danh của cơ quan (còn Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. - Ảnh: VGP

Về đề án giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương, sau khi tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế, VPCP đang hoàn thiện dự thảo Đề án này. Theo đó, VPCP sẽ xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…, trước hết phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ thực hiện chậm tiến độ như: Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu (đã có ý kiến bộ, ngành, địa phương) và Nghị định xác thực và định danh điện tử (chưa có ý kiến của các bộ, ngành địa phương); Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg)…

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề liên quan đến công bố phần mềm một cửa điện tử thống nhất cho cấp Bộ, cấp tỉnh; bảo đảm an toàn thông tin; hoạt động của các nhóm trong Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử…

Tập trung xây dựng thể chế, nền tảng, bảo đảm an toàn thông tin

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận sự nhập cuộc khẩn trương cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong các nhóm công tác.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP và Bộ TT&TT được Thủ tướng giao là 2 hạt nhân thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Hằng tháng, 2 cơ quan họp giao ban dưới sự chủ trì của 2 Bộ trưởng để đánh giá những công việc đã triển khai và cùng nhau tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc.

 

Đánh giá khối lượng công việc mà 2 cơ quan phối hợp hoàn thành trong tháng 10 và 11 là khá nhiều, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh hoàn thiện thể chế phục vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới, trong đó cần sớm ban hành 2 Nghị định là Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu và Nghị định xác thực và định danh điện tử.

“Đối với định danh nên tập trung vào nhóm liên quan dịch vụ công trực tuyến. Những gì cần thiết thì phải làm trước”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa đó là vấn đề nền tảng, xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, trên cơ sở đó thiết kế chi tiết từng lĩnh vực để các Bộ, ngành, địa phương.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, VPCP cũng có Kiến trúc Chính phủ điện tử của VPCP. VPCP đang nghiên cứu, xây dựng theo xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay sau khi Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) được ban hành, VPCP sẽ cập nhật và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của VPCP.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thông tin. “Muốn triển khai, thực hiện công việc gì thì vẫn phải bảo đảm an toàn thông tin”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

 

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 2 cơ quan cần chung tay, nỗ lực hơn nữa trong triển khai, phối hợp công tác, phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo của các thành viên; đồng thời giao thời hạn hoàn thành cho các nhiệm vụ đang chậm tiến độ.

Cũng trong cuộc họp, 2 Bộ trưởng đã chỉ định các thành viên của nhóm thể chế và nhóm giải pháp công nghệ của Tổ giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm