Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh
Nhu cầu sắm Tết bắt đầu tăng / Kỳ vọng ngành du lịch sẽ sớm hồi phục hơn so với trước thời kỳ đại dịch
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay và tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, tăng trưởng tín dụng ở mức 12,2%, tức là vẫn còn 1,8% hạn mức tăng trưởng cũ, cộng với gần 2% chỉ tiêu vừa được Ngân hàng Nhà nước nới thêm, các ngân hàng thương mại có thể cho các doanh nghiệp vay. Nếu cộng với việc giảm lãi suất cho vay sẽ tạo nên tác dụng kép.
Vớivốntín dụng sắp được vay mới, Công ty Thực phẩm Minh Dương dự tính sẽ đầu tư máy móc để nâng sản lượng miến xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và tăng cung hàng cho thị trường Tết. Không những vậy, kể từ tháng này, doanh nghiệp còn được ngân hàng giảm thêm 20% trên mức lãi suất vay hiện hành.
"Tạo cho doanh nghiệp có thêm trang trải trong chi phí tài chính, giúp chúng tôi chủ động cả sản lượng và doanh thu", ông Nguyễn Duy Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Minh Dương, chia sẻ.
12 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Ngân hàng còn dư địa khoảng 30.000 tỷ nữa để tăng trưởng tín dụng cho những ngày cuối năm nay. Khách hàng đang được Agribank hỗ trợ 20% so với lãi suất hiện đang áp dụng", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết.
Cho đến thời điểm này, việc huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng chậm, chỉ bằng 1/3 so với tăng tín dụng. Cộng với những bất ổn kinh tế, tỷ giá trên thế giới đã khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao. Tính chung, lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm ngoái, nhưng lãi suất cho vay chỉ tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy trường hợp.
"Sử dụng nhiều công nghệ số, nhờ vậy tiết giảm được chi phí vận hành khá lớn. Tuy nhiên chi phí của ngân hàng không nhiều so với chi phí trả lãi, chi phí huy động vốn. Nếu mặt bằng lãi suất ổn định thì ngân hàng bằng việc tiết kiệm chi phí của mình mới giảm được nhiều", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, thông tin.
"Cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng tháo gỡ khó khăn của cả hai phía, cùng tạo điều kiện để hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là có được nguồn vốn giúp bà con nông dân trong thu hoạch, tạm trữ, chế biến, xuất khẩu. Đây đều là những vấn đề quan trọng trong cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng, các ngân hàng đang tiếp tục rà soát, tiết giảm thêm chi phí để giữ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cũng như tập trung nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn... 12 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân qua giảm lãi suất từ 0,5 - 3%/năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo