Tham nhũng trong bảo vệ rừng: Sai quá lâu nên mặc định là đúng
'Bà hỏa' thiêu rụi nhà sàn 5 gian, thiệt hại gần 1 tỷ đồng / Hyundai và Kia đầu tư 250 triệu USD vào Grab
Thông tin về sai phạm của các Ban quản lý rừng đang khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân tại tỉnh Gia Lai đang hết sức phẫn nộ. Rừng bị tàn phá tan hoang, hàng chục tỷ đồng tiền chi cho công tác này lại bị tham ô, tham nhũng là điều không thể chấp nhận.
Nhà báo Văn Công Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Gia Lai. |
Nhà báo Văn Công Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Gia Lai có gần cả cuộc đời sống gắn bó với Gia Lai cho rằng: việc phát hiện các sai phạm tại các Ban quản lý rừng đã thể hiện một điều rất nguy hại và nghịch lý diễn ra lâu nay.
“Có kiểm lâm, có ban quản lý thì rừng lại bị phá nhiều hơn”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, lập nên bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu con người, nhưng cuối cùng chính những người này lại đi xâm hại rừng và tham ô tham nhũng tiền bảo vệ rừng là điều không thể chấp nhận được.
“Đây là điều rất nguy hại mà cần xem lại toàn hệ thống bảo vệ rừng. Rõ ràng, chúng ta đã hết sức lỏng lẻo trong việc quản lý, trong việc bảo vệ rừng. Thậm chí, phó mặc cho một bộ phận phá rừng một cách công nhiên. Không chỉ phá rừng, họ còn dùng tiền cấp cho bảo vệ rừng để tiêu vặt nữa thì tôi cho là hết sức kinh khủng, hết sức nguy hiểm, vô đạo lý, phản văn hóa. Phải có một thái độ hết sức nghiêm khắc với những người này. Đồng thời, phải lập tức báo động về cách quản lý đối với rừng”, ông Hùng nêu ý kiến.
Ông Huỳnh Thành, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. |
Còn ông Huỳnh Thành, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, việc liên tiếp phát hiện sai phạm tại các ban quản lý rừng là điều bất thường.
Ông Thành nhận định, việc cán bộ, lãnh đạo các ban quản lý rừng tiêu cực, tham nhũng chỉ là bề nổi của vấn đề, nguyên nhân sâu xa hơn cần làm rõ ở góc độ quản lý.
Ngành chủ quản buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát là điều khá rõ. Các đơn vị làm sai nhưng sai quá lâu nhưng không bị thanh kiểm tra thì họ mặc định làm như vậy là “đúng”,dẫn đến sai phạm, tiêu cực, tham nhũng cứ thế tiếp tục với mức độ ngày càng tăng năm này qua năm khác. Để rồi đến nay, khi thanh kiểm tra thì mới lòi ra những sai phạm rất nghiêm trọng.
Theo ông Huỳnh Thành, mô hình Ban quản lý rừng từ khi ra đời để thay thế cho các lâm trường quốc doanh đến nay cho thấy có những điểm chưa phù hợp và còn nhiều bất ổn.
Ông Thành lấy ví dụ về việc giao Ban quản lý rừng cho Sở Nông nghiệp mà trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm quản lý là chưa phù hợp và cần phải xem xét thay đổi.
“Về Ban quản lý rừng hiện nay chưa thực sự phù hợp. Ban quản lý hiện nay lại trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Vùng biệt lập có khi còn phù hợp, nhưng ban quản lý còn liên quan đến chính quyền địa phương, đến dân cư ở đó. Nếu giao không phù hợp thì trách nhiệm không được phát huy. Thành ra tại sao vừa rồi nhiều vụ việc vi phạm đều đổ cho chuyện trách nhiệm phối kết hợp. Nếu nói trách nhiệm của UBND xã, thì xã nói đâu giao cho xã. Nếu nói trách nhiệm Kiểm lâm thì Kiểm lâm nói khi cần chính quyền không phối hợp. Bây giờ vai trò quản lý toàn diện nhất là chính quyền cấp huyện là phù hợp.”
Ông Lê Viết Nhượng ở phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, rất chua xót và phẫn nộ khi đọc các thông tin sai phạm của các Ban quản lý rừng. Nếu chỉ đơn thuần để mất rừng thì còn có thể chấp nhận vì năng lực hạn chế, vì những yếu tố khách quan do điều kiện địa lý, dân cư. Nhưng đằng này, chính cán bộ, lãnh bảo vệ rừng cũng xâu xé đất rừng, tham ô tham nhũng tiền bảo vệ rừng là điều không thể chấp nhận.
Rừng bị phá tan hoang, trong khi đó tiền bảo vệ rừng bị tham nhũng khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân tại Gia Lai hết sức chua xót, phẫn nộ. |
Ông Nhượng cũng cho rằng, sai phạm tại các Ban quản lý rừng không phải là mới. Nhiều năm về trước cũng đã phát hiện có sai phạm tại các ban quản lý rừng. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm lại không đến nơi đến chốn, không quyết liệt dẫn đến sai phạm lại tái diễn và khi tái diễn thì mới mức độ ngày một lớn hơn: “Cần xử lý các sai phạm sau khi đã được phát hiện cũng chưa đến tận gốc cho nên vẫn xảy ra vấn đề sai phạm trong các ban quản lý rừng, dẫn đến hệ lụy là tham nhũng là điều tất yếu. Phải củng cố lại đội ngũ cán bộ mà được giao nhiệm vụ thay mặt Nhà nước bảo vệ rừng, có như vậy mới tận gốc được vấn đề.”.
Trước những sai phạm nghiêm trọng phát hiện tại một số đơn vị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành Thanh tra toàn diện tất cả các Ban quản lý rừng trong thời gian tới. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cho rằng, tuy có phần hơi muộn, nhưng nếu làm quyết liệt, có thể góp phần chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các đơn vị này, cứu lấy những diện tích rừng ít ỏi còn lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo