Thông tin về rủi ro do biến đổi khí hậu càng rõ ràng, nhu cầu di cư càng tăng lên
DNVN - Theo PAPI 2020, trong trường hợp thiếu thông tin về tác động của biến đổi khí hậu, người dân Việt Nam có thể đánh giá thấp nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và ít nghĩ tới việc phải di rời khỏi những nơi chịu tác động mạnh nhất. Thông tin về rủi ro do biến đổi khí hậu càng rõ ràng, nhu cầu di cư càng tăng lên.
Sự kiện "Một nét văn hóa Hà Nội": Giữ gìn những giá trị xưa cũ / Chiều 18/4, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 mới
Mới đây, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị công bố "Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam - PAPI 2020".
Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở tám lĩnh vực quản trị và hành chính công.
Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo PAPI 2020 là đã đưa ra dự đoán tác động của biến đổi khí hậu tới di cư. Theo đó, báo cáo đã đánh giá khả năng biến đổi khí hậu tác động tới di cư nội địa. Trên thế giới, mối quan ngại cho rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến bùng nổ di cư quốc tế, hay còn gọi là “tị nạn khí hậu”. Mối quan ngại này trở nên được quan tâm ở Việt Nam sau khi truyền thông đăng tải các bài báo trích dẫn báo cáo của tổ chức Climate Central dự báo biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh tới Việt Nam.
Báo cáo ước tính khoảng 31 triệu người ở Việt Nam, tương đương khoảng 1/3 dân số, có thể bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Thông tin này có thể khiến một số người di rời Đồng bằng sông Cửu Long, và có thể dẫn tới gia tăng số người “tị nạn khí hậu” trong tương lai.
Để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể hơn là thông tin về biến đổi khí hậu, đối với mong muốn di cư, khảo sát PAPI năm 2020 thêm một số câu hỏi thí nghiệm tìm hiểu tác động của thông tin về rủi ro mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu và bản đồ chỉ rõ những vùng đất có thể bị ngập lụt tới khả năng di cư của người dân. Câu hỏi được lập trình để các phân nhóm mẫu khảo sát PAPI 2020 nhận được câu hỏi về một thông tin hoặc tập hợp thông tin về rủi ro ngập lụt đến 2050 ở Việt Nam. Qua đó có thể hiểu được phần nào thông tin về những khu vực có khả năng bị ngập lụt do nước biển dâng tác động như thế nào đến ý muốn di trú của người được hỏi.
Theo đó, mẫu khảo sát PAPI được phân thành năm nhóm ngẫu nhiên và mỗi nhóm nhận được một phiên bản của câu hỏi khảo sát về mong muốn di cư do tác động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Phiên bản thứ nhất không có thông tin về mực nước biển dâng ở Việt Nam và dành cho nhóm đối chứng (nhóm không nhận thông tin thêm). Nhóm thứ hai nhận thêm thông tin nhấn mạnh về rủi ro mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu vào năm 2050. Nhóm thứ ba nhận được thông tin tương tự như nhóm thứ hai, kèm thêm bản đồ của Climate Central cho thấy rõ các khu vực có khả năng bị ngập lụt do nước biển dâng. Nhóm thứ tư nhận được thông tin tương tự của như nhóm thứ hai và nhận thêm thông tin rằng một quan chức Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về các phát hiện của tổ chức Climate Central. Lý do đưa thêm thông tin về ý kiến hoài nghi của một quan chức Việt Nam là vì ý kiến trái chiều của một số chuyên gia có thể ảnh hưởng tới sự đồng thuận với một số kết quả nghiên cứu khoa học.38 Do vậy, cần đánh giá tác động của các ý kiến phản đối thông tin khoa học, bởi người đưa ra ý kiến phản đối có thể có động cơ nào đó. Nhóm thứ năm nhận được cả ba thông tin ba nhóm trước nhận được.
Hình trên tóm tắt kết quả phân tích theo năm nhóm trên. Theo đó, tỉ lệ người trả lời trong nhóm đối chứng (nhóm thứ nhất) mong muốn di cư thấp hơn bốn nhóm còn lại. Khoảng 7,6% số người được hỏi trong nhóm đối chứng cho biết họ muốn di rời tới tỉnh, thành phố khác. Tỉ lệ người muốn di cư tăng lên đáng kể khi người trả lời được cung cấp thêm thông tin về biến đổi khí hậu. Khi có thêm thông tin về khả năng ngập lụt do mực nước biển dâng, số người trả lời sẵn sàng di cư tăng từ 7,6% lên khoảng 12,3% (nhóm thứ hai). Tuy nhiên, việc thêm bản đồ hiển thị những khu vực có khả năng bị ngập lụt nhất không làm tăng đáng kể tỉ lệ người muốn di trú (12,8% ở nhóm thứ ba).
Điều thú vị là tác động của thông tin về việc một quan chức bày tỏ sự nghi ngờ về phát hiện nghiên cứu của tổ chức Climate Central. Khi nhận thêm thông tin này, mức độ sẵn sàng di cư giảm từ 12,3% xuống 10,8% (tỉ lệ trong nhóm thứ tư). Tuy nhiên, khi bản đồ vùng bị ngập lụt được thêm vào, thông tin về phản ứng của vị quan chức không còn gây tác động mạnh như thông tin về mực nước biển dâng. Qua đó có thể thấy rằng, thông tin khoa học càng chi tiết, sự ngờ vực càng giảm đi, thì việc tiếp nhận thông tin khoa học càng tốt.
Trong khi đó, kết quả phân tích bổ sung nhằm khẳng định quan sát nêu trên rằng thông tin về biến đổi khí hậu là động cơ chính dẫn tới lựa chọn di cư của người trả lời trong thí nghiệm này. Hình dưới đây cho thấy, bản đồ của tổ chức Climate Central trong đó chỉ ra những vùng đất có nguy cơ ngập lụt trong nước biển tác động mạnh hơn so với thông tin chung về nước biển dâng.
Mặc dù thông tin về mực nước biển dâng có một số ảnh hưởng đến lựa chọn di cư của người trả lời ở bốn nhóm nhận được thông tin này, bản đồ màu chỉ rõ những vùng có khả năng bị ngập lụt do nước biển dâng có tác động mạnh nhất đến mong muốn di cư. Có thể nói, thông tin chung về biến đổi khí hậu có thể dẫn tới di cư. Song, với hình ảnh chỉ rõ những vùng có nguy cơ ngập lụt trong nước biển do biến đổi khí hậu, nhiều người muốn di cư hơn.
Nhóm nghiên cứu khảo sát cho rằng, những phát hiện trên đây cho thấy trong trường hợp thiếu thông tin về tác động của biến đổi khí hậu, người dân Việt Nam có thể đánh giá thấp nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và ít nghĩ tới việc phải di rời khỏi những nơi chịu tác động mạnh nhất. Thông tin về rủi ro do biến đổi khí hậu càng rõ ràng, nhu cầu di cư càng tăng lên.
Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng về nguy cơ của biến đổi khí hậu để lãnh đạo địa phương và người dân chủ động tìm kiếm và áp dụng các biện pháp ứng phó thích hợp. Nhiều thiệt hại có thể xảy ra trong trung và dài hạn nếu chính quyền và người dân tiếp tục xây dựng công trình ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi họ không có thông tin đầy đủ, minh bạch, rõ ràng về tác động của nước biển dâng.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Cột tin quảng cáo