Thủ tướng: Các chính phủ và doanh nghiệp Á - Âu hãy cùng đặt câu hỏi
Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt với sự cố mất điện đột ngột / TPHCM: Người dân kêu cứu vì trạm ép rác được quy hoạch trong khu dân cư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên phát biểu chính tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12, trưa nay, 18/10, giờ địa phương (chiều 18/10, giờ Việt Nam), tại Cung điện d’Egmont, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là hai nhà lãnh đạo ASEM đã được mời phát biểu chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 16.
Với chủ đề “Kết nối - Tạo dựng cầu nối giữa châu Á và châu Âu”, Diễn đàn có sự tham dự của hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục.
Là lãnh đạo đầu tiên phát biểu chính tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời đại toàn cầu hóa và tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi phương cách sản xuất, thay đổi nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó kết nối chính là sự truyền dẫn, tạo nên sức mạnh của hợp tác, liên kết quốc tế của nhiều khuôn khổ đa phương ở tầm khu vực, toàn cầu.
“Thế giới đang chuyển động hết sức nhanh chóng, sâu sắc và chính các bạn, những nhà đầu tư, kinh doanh trong môi trường cạnh tranh, là những người cảm nhận rõ nhất sức nóng của những thay đổi mạnh mẽ này, cả thách thức và cơ hội mới đang mở ra”.
Thủ tướng cho rằng, toàn cầu hóa thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và đẩy mạnh làn sóng các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới song phương và đa phương... Đây là những cơ hội to lớn tạo nên sự lạc quan về đầu tư, kinh doanh, sự lan tỏa của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, dòng chuyển động toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức khi mà phục hồi kinh tế toàn cầu chưa bền vững, còn những rủi ro, chao đảo khó lường; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, nợ công toàn cầu; năng lực quản trị ở cấp độ toàn cầu và quốc gia chậm thích ứng trước những thay đổi nhanh của kinh tế và khoa học công nghệ; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khoảng cách giàu nghèo... ngày càng nghiêm trọng.
Trong bức tranh chung đó, châu Á và châu Âu nổi lên là hai điểm sáng của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Châu Á tiếp tục là động lực chính và đóng góp tới 6,2% tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dẫn đầu với GDP tăng 6,6% năm 2017. Châu Á là một trung tâm kết nối toàn cầu, trong đó ASEAN, ngay từ 2011 đã triển khai “Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN”, với 3 nội hàm chính là kết nối hạ tầng, kết nối thể chế và kết nối con người.
Châu Á cũng là địa bàn trọng điểm của liên kết kinh tế với trên 150 hiệp định thương mại tự do (FTA), chiếm khoảng 60% tổng số FTA trên thế giới. Vùng biển châu Á là nơi có tuyến hàng hải quốc tế lưu chuyển khối lượng hàng hóa hằng năm trị giá khoảng 5.000 tỷ USD; trong đó phần lớn là hàng hóa của kết nối, giao thương Á - Âu.
Trong khi đó, châu Âu có nền văn minh lâu đời, một nền kinh tế, khoa học kỹ thuật hùng mạnh và là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới; kinh tế đang phục hồi vững chắc, năm 2017 đạt tăng trưởng 2,4%, mức kỷ lục trong 10 năm qua. Việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định FTA quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho liên kết phát triển.
Hiêp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của châu Á và nhiều FTA, thỏa thuận đối tác kinh tế giữa EU với Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam... hứa hẹn sẽ tạo ra không gian kinh tế tự do, rộng mở cho các doanh nghiệp hai bên.
“Niềm vui nối tiếp tin vui, ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định EVFTA. Đây là bước tiến quan trọng để hai bên có thể sớm ký kết trong cuối năm 2018 và phê chuẩn trong nửa đầu năm 2019”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh những thách thức ngày càng phức tạp, đan xen, đây chính là thời điểm chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á - Âu một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng chung.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Cầu nối “hữu duyên” để đôi bên “năng tương ngộ”
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp chính là nguồn động lực tạo nên tăng trưởng và hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững và thịnh vượng. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động, cộng đồng doanh nghiệp Á - Âu cần chủ động, tích cực tham gia đẩy mạnh kết nối giữa hai châu lục. Nhân dịp này, Thủ tướng nêu 3 đề nghị.
Thứ nhất, tăng cường kết nối Chính phủ và doanh nghiệp.“Tôi đề nghị tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục Á, Âu trong các dịp Hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng về các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp với lợi ích của hai châu lục”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nền kinh tế Á - Âu.
Thứ ba, doanh nghiệp cần đóng góp tích cực thúc đẩy kết nối giữa con người và con người, thông qua việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội về tạo việc làm, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Thủ tướng cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam trước tình hình kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định. Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiện là đối tác thương mại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có độ mở kinh tế cao. Với 16 FTA đã ký, đang đàm phán và sẽ triển khai thời gian tới, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường gần 60 quốc gia, đối tác lớn, là cơ hội đẩy mạnh kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới cung ứng toàn cầu.
“Chúng tôi không chỉ phấn đấu vươn lên nhóm đầu trong ASEAN mà còn hướng tới các tiêu chuẩn cao của OECD về môi trường kinh doanh. Chúng tôi đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm với vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển đất nước. Chúng tôi cũng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ, với những ưu đãi thiết thực để ươm mầm ý tưởng, hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, Thủ tướng nói. “Việt Nam đã sẵn sàng chào đón các bạn và tôi rất hoan nghênh các bạn doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói với các cơ quan của EU để Hiệp định EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực thi”.
Dẫn câu nói của nhà bác học Albert Einstein: “Học từ quá khứ, sống cho hiện tại, hy vọng vào tương lai. Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”, Thủ tướng cho rằng, các Chính phủ và doanh nghiệp Á - Âu, với tầm nhìn về một khu vực kết nối rộng mở, hãy cùng đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp và hành động cụ thể hiện thực hóa các tiềm năng phát triển của hai châu lục.
Thủ tướng tin rằng, Diễn đàn ASEM sẽ tiếp tục là cầu nối “hữu duyên” để đôi bên “năng tương ngộ” thúc đẩy kết nối sức mạnh của hai khối kinh tế Đông - Tây khổng lồ này tạo nên xung lực mạnh mẽ cho phát triển toàn cầu.
Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16 cùng với Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 10 (ngày 27 - 28/9), Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Quỹ Á - Âu lần thứ 3 (ngày 15 - 19/10) và Diễn đàn Nhân dân Á - Âu lần thứ 12 (ngày 29/9 - 01/10) là những hoạt động thiết thực hướng tới Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 12, diễn ra trong hai ngày 18-19/10 tại thành phố Brussels.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024