Thủ tướng đề nghị Ấn Độ hỗ trợ các nước ASEAN phát triển công nghiệp dược
Ngày 27/10: Có 4.411 ca mắc COVID-19 tại 47 tỉnh, thành; tăng hơn 800 ca so với ngày qua / Dự kiến chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Chiều 28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn dầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.Tại Hội nghị, hai bên đánh giá cao quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN và đứng thứ 7 trong số các nước đầu tư vào ASEAN với dòng vốn tăng gần gấp 4 lần so với năm 2018, đạt 2,06 tỷ USD vào năm 2020,
Hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau ứng phó đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện thông qua tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng khu vực, tạo thuận lợi thương mại và hàng hóa, giúp doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, thực hiện hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA). Các nước ASEAN cam kết sẽ tận dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD Ấn Độ cam kết dành cho các dự án hợp tác kết nối, đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ nhất trí xác định năm 2022 là Năm Hữu nghị ASEAN-Ấn Độ, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ vào năm 2022. Các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao Ấn Độ tiếp tục dành nhiều hỗ trợ về vaccine, vật tư y tế, thuốc điều trị dịch bệnh COVID-19, trong đó có 1 triệu USD choQuỹ ASEAN Ứng phó COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ NarendraModinhấn mạnh coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, khẳng định ASEAN có vị trí đặc biệt trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm và cam kết tham gia hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại do ASEAN dẫn dắt, đề cao luật pháp quốc tế và thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.
Thủ tướng Ấn Độ khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ ASEAN vượt qua thời điểm khó khăn dịch bệnh, đồng thời hợp tác nâng cao năng lực y tế dự phòng và phối hợp thúc đẩy phục hồi bền vững trong khu vực.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN, phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Ấn Độ hoan nghênh và khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ASEAN và Ấn Độ là đối tác lâu đời và láng giềng gần gũi, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Ấn Độ đã hỗ trợ vaccine và vật tư y tế cho các nước ASEAN, nhất là đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp dược.
Ghi nhận tiềm năng và thế mạnh hai bên, Thủ tướng kêu gọi hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó COVID-19 và phục hồi bền vững, đề nghị Ấn Độ tích cực hỗ trợ các nước ASEAN phát triển công nghiệp dược, tiếp cận đầy đủ và kịp thời các nguồn vaccine, thuốc điều trị COVID-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccinevà thuốc chữa bệnh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác có thể xuất hiện.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực thiết yếu cho phục hồi như chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, tận dụng hiệu quả cơ hội và tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ của ASEAN cũng như của Ấn Độ; tiếp tục ủng hộ nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN và khuôn khổ hợp tác Mekong-Sông Hằng đóng vai trò quan trọng giúp ASEAN thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững và bao trùm, nhất là trước các tác động phức tạp của dịch bệnh và các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực cho nỗ lực của ASEAN duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, giải quyết các tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và quy trình ngoại giao. Nhằm bảo đảm Biển Đông là vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển, Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh hợp tác biển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, bảo tồn môi trường biển, sinh thái biển, kết nối biển, tăng cường cứu hộ, cứu nạn trên biển, chống đánh bắt bất hợp pháp, chống cướp biển.
Kết thúc Hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Hòa bình, Ổn định và Thịnh vượng trong khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo