Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng: Không vẽ bức tranh toàn màu hồng mà không nhìn thấy bất cập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý không “vẽ một bức tranh” toàn màu hồng, tốt đẹp mà không nhìn thấy những bất cập trong xã hội hiện nay.

Cất nóc tháp C - Diamond Lotus Riverside: Bức tường xanh khổng lồ giữa lòng Sài Gòn / CPTPP: Ủng hộ thương mại tự do đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Phát biểu tại phiên họp lần thứ 2 của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng với các đột phá chiến lược hiện nay, cần phải coi khoa học công nghệ trở thành một đột phá đưa đất nước tiến lên.
Cùng dự có các đồng chí trong Tiểu ban: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng đánh giá cao các thành viên đã nêu lên những ý kiến tâm huyết, có tinh thần đổi mới, đồng thời yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu nghiêm túc. Nhấn mạnh thời gian chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 không nhiều, Thủ tướng yêu cầu tính ngược thời gian để khẩn trương hoàn thiện đề cương, trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019 và soạn thảo, biên tập, trình dự thảo lên Hội nghị Trung ương 11. Tiếp sau đó sẽ lấy ý kiến của Đại hội đảng bộ các cấp.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Tổ biên tập, các ban, bộ, ngành liên quan phải bố trí cán bộ giỏi nhất, tập trung thời gian, chuyên tâm, chuyên trách để triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các báo cáo này.
Sau các ý kiến thảo luận, Thủ tướng chỉ đạo, về kế hoạch hoạt động của Tiểu ban và lộ trình thực hiện, các ý kiến đều cơ bản thống nhất với đề xuất của Tổ biên tập và yêu cầu, căn cứ kế hoạch này, Tổ biên tập xây dựng kế hoạch từng công việc, mốc thời gian cụ thể tới tổ chức, cá nhân.
Theo Thủ tướng, kế hoạch này có thể điều chỉnh linh hoạt, bổ sung hoạt động cần thiết của Tiểu ban để phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Các thành viên Thường trực Tiểu ban thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nghe, cho ý kiến đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Về chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Tinh thần lớn là Đảng lãnh đạo Việt Nam có bước chuyển mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh; có sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Các đồng chí đã thống nhất đề xuất chủ đề lãnh đạo 10 năm tới. Chủ đề nêu ra cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhưng phải có thành tố quan trọng nhất đối với sự phát triển đất nước trong 10 năm tới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững chủ quyền, ổn định xã hội, an toàn xã hội, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.
Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và thành lập nước, nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình chuẩn bị các nội dung, Thủ tướng yêu cầu cần có phương pháp tiếp cận tốt; bảo đảm nguyên tắc khách quan, trung thực, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực; nhìn thẳng vào sự thật, có cơ sở lý luận, sát hơn với thực tiễn, vừa có tính kế thừa, vừa đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu hướng thời đại.
Thủ tướng lưu ý không “vẽ một bức tranh” toàn màu hồng, tốt đẹp mà không nhìn thấy những bất cập trong xã hội hiện nay.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu nhấn mạnh định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, thể hiện rõ các nội dung trọng tâm gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hiệu suất cao, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, khoa học công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, coi đô thị là một động lực phát triển mới, bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu...
Cùng với bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, toàn vẹn lãnh thổ, việc nâng cao năng lực hội nhập và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cần phải được đặt ra; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, hành động, liêm chính...
Về việc phân công, đặt hàng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chuyên đề, Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của Tổ biên tập và thống nhất với Tổ biên tập giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nghiên cứu gồm: 10 cơ quan của Quốc hội, 28 bộ, ban, ngành, cơ quan; 10 cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học và 5 tỉnh, thành phố. Thủ tướng lưu ý các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phải đề cao vấn đề chất lượng và thời gian hoàn thành để gửi Tổ biên tập tổng hợp.
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm