Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng nêu 4 vấn đề lo lắng của người dân về lĩnh vực môi trường

Thủ tướng: "4 lo lắng của người dân đều thuộc lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng ta còn nhiều vấn đề mà người dân còn lo lắng, trách nhiệm thuộc về chúng ta".

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối EP với nghị viện các nước ASEAN / Sẽ điều chỉnh chính sách để người lao động và gia đình sống được bằng lương

Phát biểu tại hội nghị về tổng kết ngành năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra sáng 8/1 tại Hà Nội, dù đánh giá cao ngành đã đạt nhiều kết quả trong năm qua, nhưng Thủ tướng đã dẫn ra một kết quả khảo sát mới đây về các vấn đề lo lắng của người dân, trong đó ngành có 4/14 vấn đề.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các địa phương cho biết, tình trạng lấn chiếm đất công ở một số nơi diễn biến phức tạp; công tác quản lý nước sạch, môi trường nông thôn nhiều bộ cùng quản lý trong khi việc việc phối hợp chưa thực sự hiệu quả; thu gom xử lý rác thải đô thị còn khó khăn và thủ công, chủ yếu vẫn là chôn lấp; các dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng và tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng, nhất là ở các thành phố lớn.

thu tuong neu 4 van de lo lang cua nguoi dan ve linh vuc moi truong hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Các địa phương cũng nêu nhiều vướng mắc về chính sách trong thực hiện các Luật và quy định hiện nay. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nêu thực tế: "Trong Luật quy định sử dụng quy hoạch đất 5 năm và năm nào cũng phải làm kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đất này sử dụng phải trình Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt. Điều kiện để được trình hội đồng là đã có chủ trương đầu tư thì mới đưa vào danh sách. Tuy nhiên những nhà đầu tư mới đến trong năm thì tháng nào cũng có. Chờ đến hội đồng họp để phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho dự án mới là rất khó. Chính vì vậy, UBND tỉnh mới trình sang thường trực Hội đồng Nhân dân. Thực chất triển khai kế hoạch tại địa phương, chúng tôi thấy kế hoạch sử dụng đất hàng năm không có giá trị nhiều. Chúng ta nên nghiên cứu lại có cần thiết phải có nữa không hay chỉ cần quy hoạch thôi".

Còn ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì đề xuất về việc sửa đổi Luật Đất đai để công tác giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thuận lợi hơn.

"Nếu như áp dụng theo Luật Đất đai thì các dự án của các doanh nghiệp vào là không giải phóng được hoặc là kéo dài rất nhiều năm. Việc giải phóng này nhất định nhà nước phải vào cuộc chứ không thể để doanh nghiệp đi thỏa thuận với hộ dân hoặc với doanh nghiệp. Đây là vấn đề khó, vướng mắc mà tôi cho cũng cần có phương án “mềm” hơn trong vấn đề thực hiện Luật đất đai", ông Đặng Huy Hậu nêu ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua đã làm tốt việc tham mưu ban hành các văn bản, quy định pháp luật, một nhiệm vụ quan trọng nhất mà Bộ cần tiếp tục triển khai để tạo thuận lợi cho phát triển. Bộ cũng thể hiện vai trò trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Việc quản lý đất đai bước đầu giảm lãng phí và có hiệu quả hơn. Công tác cấp giấy chứng nhận đạt 97% diện tích đất cần cấp...

Thủ tướng biểu dương một số địa phương quản lý đất đai hiệu quả như Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Nam...

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên những vấn đề cần giải quyết của ngành, trong đó có việc nhiều bộ cùng quản lý rác thải hiện nay. Thủ tướng gợi ý, với mô hình kinh tế tuần hoàn, rác thải phải là nguồn đầu vào quý với các đơn vị xử lý tái chế rác. Nêu thực tế này, Thủ tướng cho biết, 13 triệu tấn rác thải nông thôn chưa rõ trách nhiệm thuộc bộ nào trong khi nhiều nhà đầu tư nhà máy xử lý rác lại thiếu nguyên liệu. Đây là vấn đề Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ phải thảo luận, nghiên cứu và đề xuất giải pháp.

Về những vấn đề xã hội quan tâm đối với ngành tài nguyên và môi trường, Thủ tướng nêu thực tế từ một kết quả khảo sát: "Vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì? Người được hỏi đưa ra 14 lo lắng về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, tham nhũng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, an toàn thực phẩm, an toàn lao động, môi trường kinh doanh, thiên tai, tính minh bạch và tham gia quản trị của nhà nước, an ninh năng lượng, và biến đổi khí hậu... Trong đó, lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chiếm 4 vấn đề lo lắng của người dân. Anh phục vụ nhân dân mà để người dân lo lắng thế này?. Chúng ta còn nhiều vấn đề mà người dân còn lo lắng, trách nhiệm thuộc về chúng ta".

Lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thúc đẩy mô hình quản lý của Bộ hiệu quả hơn, Thủ tướng cho rằng, trong 5 Tổng cục của Bộ cũng có Tổng cục thực hiện nhiệm vụ chưa hiệu quả, chưa sát dân và cơ sở. Không những vậy, một số Sở Tài nguyên - Môi trường có tình trạng xa dân, quan liêu, chưa tận tụy thực hiện nhiệm vụ được giao, chưa tham mưu giải pháp hiệu quả với lãnh đạo địa phương để quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương. Thậm chí có tình trạng cán bộ tiêu cực, gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ và các địa phương phải rà soát kiểm tra xem cán bộ các cục, phòng, sở tài nguyên môi trường có tình trạng này hay không để xử lý nghiêm.

Thủ tướng nêu rõ, thực tế dù khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai có giảm nhưng vẫn còn tình trạng khiếu kiện kéo dài, trong đó có nguyên nhân từ việc lãnh đạo địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường không đối thoại với dân.
"Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng nhiều địa phương vẫn buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác các mỏ đá, cát sỏi, phá rừng trái pháp luật. Bây giờ mà tiếp tục cho phép mở rộng các nhà máy xi măng nữa là rất gay go. Mình sản xuất thấy xi măng tốt quá, bán được tiền nhiều quá, mình làm vấn đề môi trường gay go. Phải xem xét cụ thể việc này. Nhiều nơi còn gây ô nhiễm môi trường ở các nhà máy, tôi đề nghị các đồng chí phải khảo sát, báo động trước. Vì sao chưa khởi tố vụ Nhà máy DAP ở Lào Cai? Tôi có hỏi Chủ tịch tỉnh này. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có ý kiến về vấn đề này, không để ô nhiễm gây lo ngại cho dân. Chúng ta đã làm thành công khắc phục cơ bản vụ Formosa trong những năm qua nhưng vẫn còn một số nhà máy đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân", Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam cần tiếp tục duy trì là công xưởng lớn của thế giới với sự có mặt của các tập đoàn xuyên quốc gia. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ quan trọng, đồng thời nhấn mạnh lại không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Cho rằng đây là bài toán đặt ra đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải “coi chừng” thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam.

 

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Việc ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam là nước gặp nhiều rủi ro lớn về khí hậu trên toàn cầu. Trong những năm qua, khoảng 500 người chết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hàng nghìn người bị thương. Thiệt hại bình quân đến 1.5% GDP hàng năm. Cho nên chúng ta cần tìm tòi và có những cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn để ứng phó biến đổi khí hậu. Tôi đặt bài toán này cho ngành năm 2019 và những năm tiếp theo. Trong biến đổi khí hậu chung của cả nước, tôi đặc biệt lưu ý các đồng chí biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông, biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như là lũ quét lũ ống ở miền Bắc, nhiều nơi tình trạng khẩn cấp, các đồng chí phải chủ động hơn vấn đề này".

Trên cơ sở giao nhiệm vụ cho Bộ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ cần có tinh thần bứt phá trong phát triển như phương châm của Chính phủ đặt ra trong năm nay để đạt kết quả cao hơn so với năm 2018. Do đó, Bộ cần tiếp tục tham mưu đề xuất hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý, tạo thuận lợi cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, khuyến khích thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Bộ cần sớm nghiên cứu ban hành bộ chỉ số đánh giá xếp hạng việc bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để theo dõi và đánh giá việc bảo vệ môi trường tại 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Cùng với đó, Bộ phải triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 27 của Thủ tướng về hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. “Từ nay nếu có phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam bất ổn như vừa qua thì sẽ xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan”, Thủ tướng nêu rõ.

Từ thực tế nhiều con sông ở nước ta bị ô nhiễm, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục hồi các dòng sông “chết”.

 

Bộ cũng cần đẩy mạnh quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; triển khai Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu...

Theo vov.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm