Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm
DNVN - Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phải trình phê duyệt Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày 30/11, đồng thời khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội / Ngày 26/11, thêm 13.109 ca mắc COVID-19 mới
Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP vẫn còn hạn chế, bất cập
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 318/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch.
Theo Thông báo, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát dịch COVID-19, nhất là về giảm tỷ lệ tử vong, giảm ca bệnh diễn biến nặng và điều trị tại bệnh viện, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư… Công tác an sinh xã hội được rà soát, triển khai hiệu quả, từng bước khắc phục các bất cập, tồn tại.
Nhiều chính sách hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được kịp thời ban hành, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, tiến tới hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết số 128/NQ-CP để triển khai hiệu quả trong thời gian vừa qua như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Kiên Giang, Hà Nam, Phú Thọ, Khánh Hòa…
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP vẫn còn những hạn chế, bất cập do các cấp, ngành, một bộ phận nhân dân có nơi, có lúc còn tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh, nhất là nhận thức về tiêm vaccine, coi việc đã tiêm chủng là an toàn tuyệt đối với dịch bệnh. Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý người di chuyển, đi lại còn bất cập, gây khó khăn cho người dân.
Xét nghiệm tại CDC TP Hồ Chí Minh.(Ảnh: TNO)
Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nơi chưa làm tốt, chưa quyết liệt; thiếu kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Một số địa phương chưa tổ chức hiệu quả công tác thu dung, phân loại người bệnh ngay tại cơ sở dẫn đến người bệnh không được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế khiến bệnh trở nặng, gây quá tải điều trị tại bệnh viện.
Dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại nước ta vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cần tiếp tục quán triệt quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các địa phương cần theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh để có các dự báo chính xác, toàn diện hơn. Trên cơ sở đó thống nhất về nhận thức, chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện với mục tiêu kiểm soát các ca nhiễm mới, hạn chế tối đa bệnh tăng nặng, tử vong. Đồng thời, chủ động có các phương án, chính sách về kinh tế xã hội phù hợp, ứng phó với diễn biến dịch bệnh, có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19
Chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11/2021. Có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.
Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng virus, phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm; rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19, đồng thời bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay, xong trước ngày 5/12/. Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về phân bổ, tiêm chủng vaccine để địa phương, người dân được biết, theo dõi.
Hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo triển khai các kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội đang triển khai để kịp thời cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung các biện pháp mới cần thiết.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để sớm quy định về xuất nhập cảnh liên quan đến “hộ chiếu vaccine” phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm khoa học, hiệu quả và hợp lý.
Trong khi đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tiếp tục tổng hợp nhu cầu kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch của các địa phương và nghiên cứu triển khai các giải pháp về nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương mua sắm trong phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Tổng hợp nhu cầu, đề xuất cấp bổ sung kinh phí bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương theo quy định.
Các Bộ: Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải... phối hợp Bộ Công an để kết nối, sử dụng cơ sở dữ liệu sẵn có khi triển khai các ứng dụng công nghệ nhằm thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng công nghệ.
Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục góp ý, bổ sung Nghị quyết số 128/NQ-CP, Quyết định số 4800/QĐ-BYT để từng bước hoàn thiện các biện pháp tiêu chuẩn, quy trình phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP; triển khai các quy định thống nhất, bám sát tình hình thực tế, linh hoạt và có kịch bản đáp ứng phù hợp...
Triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khoa học, an toàn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh, hoàn thành trước ngày 30/11. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi dịch ở cấp độ 4, khi cần thiết các địa phương chủ động, kịp thời, nhanh chóng phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế từ Trung ương. Phối hợp chặt chẽ trong việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021; triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ em khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả. Khẩn trương rà soát, báo cáo cụ thể nhu cầu vaccine về số lượng, chủng loại, thời gian… để Bộ Y tế tổng hợp, có kế hoạch phân bổ phù hợp.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo