Tiếp tục giảm thuế VAT 2%: Mũi tên trúng nhiều đích
Trước thềm xuân Quý Mão 2023, hoa Sa Đéc và quýt hồng Lai Vung cùng “trẩy hội” / Ngành Công Thương: Hoàn thành nhiều chỉ tiêu chính phủ giao năm 2022
Chỉ còn vài ngày nữa là đến năm 2023, đây cũng là thời điểm Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Nhờ nghị định này, năm vừa qua, nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được hỗ trợ, bởi mức giảm thuế này đã tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả hàng hóa, giúp kìm được giá thành và kéo theo giá bán hàng hóa không tăng sốc.
Năm 2022, nhờ chính sách hỗ trợ giảm 2%thuế VAT, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống, nước giải khát đã ghi nhận sự phục hồi tích cực. Chính sách giảm thuế đã giúp kích cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới với khu vực còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2023 doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc giá nguyên, vật liệu tăng lên.
"Các doanh nghiệp trong ngành đồ uống là những doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào rất lớn, nên lạm phát hay suy thoái sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên, vật liệu tăng cao, khả năng nhập khẩu sẽ khó khăn hơn do đứt gãy chuỗi cung ứng", bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho biết.
Chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT đã giúp kích cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới với khu vực còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho rằng nếu tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT 2% sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng chi tiêu, kìm được giá hàng hóa, vừa giúp doanh nghiệp sản xuất bán được hàng, kích thích tiêu dùng.
"Chúng tôi đã kiến nghị về việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến ít nhất đến tháng 6/2023 hoặc tốt nhất là hết năm 2023. Việc này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thêm thị trường, thêm bạn hàng, tăng quy mô", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cho hay.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, số thu nội địa bình quân những tháng cuối năm 2022 đang có xu hướng giảm. Bởi nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm, nhưng đến nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: bất động sản, dệt may, vật liệu xây dựng… Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành thuế đang nghiên cứu và sẽ đề xuất tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trong năm 2023.
"Như bình thường 2 năm trước đây dù dịch bệnh, nhưng quý IV, nguồn thu của chúng tôi rất tốt. Tuy nhiên năm 2022 này, đến thời điểm hiện tại, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vẫn giảm sút. Ngành thuế đã và đang theo sát sức khỏe của doanh nghiệp để từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ về tài khóa, tiền tệ, tham mưu cho Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời", bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Vụ dự toán thu thuế, Tổng cục Thuế, thông tin.
Mới đây, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo