Tin tức - Sự kiện

Tìm động lực phục hồi kinh tế

Giới đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nên việc tiếp tục kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ thu hút được dòng vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế.

Chính phủ chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm chống tham nhũng, suy thoái / 10 ngày tới Bắc Bộ tiếp tục mưa phùn, lạnh về đêm và sáng

Ngày 12-3, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 61, chủ đề "Dự báo kinh tế Việt Nam, động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022".

Lo chi phí đầu vào tăng cao

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HUBA, cho biết các DN đang quen dần với trạng thái bình thường mới; nhiều nơi đã cơ bản khôi phục chuỗi cung ứng, người lao động trở lại làm việc trong bối cảnh TP HCM và cả nước kiểm soát dịch bệnh theo cách chủ động. Các nguồn nguyên liệu, thị trường cũng được kết nối sau thời gian gián đoạn.

Động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được kỳ vọng vào sự lan tỏa của đầu tư công và chương trình phục hồi, phát triển sản xuất và xuất khẩu. Nhiều DN vẫn xác định phải tự thân vận động bằng cách cắt giảm chi phí; nhận diện xu thế; định vị đối tác, thị trường; sáng tạo, đổi mới sản phẩm; chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử…

"Tuy nhiên, yếu tố mới là giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất, logistics tiếp tục tăng; không ít DN thiếu lao động; khó khăn về vốn của DN nhỏ và vừa vẫn chưa có giải pháp cải thiện đã làm giảm bớt phần nào kỳ vọng" - ông Nguyễn Phước Hưng nhận định.

Chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân, nhiều DN cho biết một trong những yếu tố khó khăn đang tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh là giá xăng dầu tăng cao, đẩy chi phí đầu vào lên theo. Trong khi đó, bài toán để giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên vật liệu tăng mạnh thời gian qua không dễ.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dần hồi phục, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng cao. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Tổng Công ty CP Phong Phú Ảnh: TẤN THẠNH

Sức ép lên lạm phát không lớn

Nhận định về những yếu tố rủi ro trong năm 2022, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng tác động của tình hình địa chính trị, lạm phát gia tăng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là những vấn đề cần quan tâm.

Theo đó, tình hình căng thẳng ở Nga và Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho giá nguyên vật liệu, giá hàng hóa cơ bản tăng nhanh, từ giá dầu đến giá than. Giá than tăng nhanh làm chi phí sản xuất thép tăng cao khiến giá thép, giá xây dựng tăng và ảnh hưởng đến quá trình giải ngân đầu tư công…

Rủi ro thương mại trực tiếp từ tác động xung đột Nga - Ukraine là không lớn đối với Việt Nam nhưng bị rủi ro gián tiếp là kinh tế thế giới suy giảm. Từ đó xuất nhập khẩu giảm, đặc biệt đối với các mặt hàng chủ lực như điện tử.

Cụ thể, ông Nguyễn Tú Anh dẫn chứng Nga và Ukraine chiếm hơn 70% xuất khẩu khí neon - vật liệu không thể thiếu trong sản xuất chip điện tử. Riêng Nga chiếm 45% xuất khẩu palladium - vật liệu thiết yếu trong công nghệ quang khắc của ngành điện tử, điện thoại, máy tính… Vì vậy, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến xuất khẩu điện tử, điện thoại của Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Tú Anh kết luận những yếu tố trên góp phần tác động đến lạm phát và quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng đẩy chi phí sản xuất tăng cao cũng tác động đến lạm phát. Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng đa dạng hóa, chi phí xăng dầu ngày càng nhỏ hơn nên ảnh hưởng đến lạm phát sẽ ít hơn những năm trước. "Kỳ vọng của giới đầu tư trong và ngoài nước đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn rất cao nên việc kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô thành công sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước" - ông Nguyễn Tú Anh nhận định.

Đối với TP HCM, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định một trong những trụ cột để phục hồi kinh tế thành phố là tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Cụ thể là thay đổi về hạ tầng giao thông như hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 và liên vùng giữa TP HCM đi các tỉnh lân cận; hoàn thiện giao thông trong thành phố như khu vực đường Vành đai 2, nút giao thông An Phú…

TS Trần Du Lịch cho rằng TP HCM cần tập trung tháo gỡ về mặt cơ chế để có thể xử lý được những dự án bất động sản tắc nghẽn thời gian qua. "Cả trăm dự án đã có sẵn, tiền chờ bơm vào để triển khai nhưng thủ tục pháp lý chưa xong, nếu làm được và đẩy nhanh sẽ góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn và kích thích phát triển kinh tế. TP HCM nếu tháo được về cơ chế, nguồn lực, quỹ đất, nhà ở… thì thật sự không thiếu tiền để đầu tư nhưng vì tắc nghẽn, cái nọ bó cái kia nên rất khó" - TS Trần Du Lịch góp ý.

Hệ lụy từ giá đất lên cao

Theo TS Trần Du Lịch, dù xét tổng thể, những yếu tố vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế ổn định nhưng điều khiến ông băn khoăn là việc nỗ lực khoanh nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ... để hỗ trợ cộng đồng DN thời gian qua sẽ tạo áp lực rất lớn đến nợ xấu trong thời gian tới. Bởi nợ xấu trong quá khứ từng là "cục máu đông" ảnh hưởng tới tất cả chính sách về tiền tệ, lãi suất, tín dụng. Và trên thực tế, các khoản nợ xấu này nằm trong bất động sản. Đặc biệt, nợ tiềm ẩn qua vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm thời gian qua, khi có quy định không cho các ngân hàng thương mại bơm vốn cho DN nộp tiền đặt cọc đã phát sinh hệ lụy.

 

"Một trong những hệ lụy từ vụ đấu giá đất vừa qua là nguy cơ đẩy giá đất lên, đặc biệt là đất nông nghiệp, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô cực lớn. Giá đất lên cao khiến việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đầu tư công, làm nhà ở xã hội... bị ảnh hưởng. Đến nay, chưa có giải pháp nào ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tạo nguy cơ tăng giá đất lên cao này" - TS Trần Du Lịch lo ngại.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm