Tin tức - Sự kiện

Tổng cục Đường bộ: Thu phí ở trạm Dầu Giây minh bạch?

DNVN-Sau 10 ngày (từ ngày 28/1-8/2) đoàn của Tổng cục Đường bộ VN đã kết thúc việc kiểm tra hồ sơ thu phí tại trạm thu phí Dầu Giây vì sau vụ trạm bị cướp số tiền 2,22 tỷ đồng, dư luận nghi ngờ việc thu phí không minh bạch. Báo chí đưa ra so sánh mức thu phí của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cao hơn Thông tư 35 của Bộ GTVT.

Phù hợp hồ sơ lưu

Sau vụ cướp 2,22 tỷ đồng,VEC công bố tại thời điểm bị cướp, số tiền mặt có tại két phòng kế toán vé thẻ hơn 3,23 tỉ đồng, gồm tồn quỹ dự phòng khẩn cấp: 80,2 triệu đồng; doanh thu giữ lại để đổi tiền lẻ dịp tết là: 600 triệu đồng; số tiền thu phí của 8 ca từ ca 2 ngày 4-2 đến hết ca 3 ngày 6/2 là 2,55 tỉ đồng.

Số tiền, vàng công an thu giữ được từ hai tên cướp ở trạm thu phí Dầu Giây

Số tiền, vàng công an thu giữ được từ hai tên cướp ở trạm thu phí Dầu Giây

Theo Tổng cục Đường bộ VN: Kiểm tra các giấy tờ liên quan cho thấy chứng từ thu phí được lập đầy đủ theo quy định tại Quy trình tổ chức hoạt động thu phí đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đoàn kiểm tra của TCĐBVN đã kiểm tra chứng từ liên quan đến số tiền thu phí của 8 ca từ ca 2 ngày 4/2 đến hết ca 3 ngày 6/2 cho thấy các chứng từ thu phí được lưu đầy đủ, các báo cáo thực hiện theo quy trình thu phí tại trạm. Tổng số tiền thu phí của trạm 8 ca từ ca 2 ngày 4 /2 đến hết ca 3 ngày 6/2 hơn 2,55 đồng (bình quân 318.807.500 đồng/ca).

Như vậy, theo TĐBVN thì con số trên trùng khớp đúng với báo cáo của VEC trước đó.

Từ tháng 5/2017, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã sử dụng hệ thống thiết bị và phần mềm thu phí kín được cung cấp, lắp đặt theo gói thầu số 4 bởi Liên danh nhà thầu Toshiba - Hitachi - Itochu (Nhật Bản).

 

Nhà thầu cam kết trong thời gian bảo hành, nhà thầu đã và sẽ không chỉnh sửa phần mềm của hệ thống thu phí để làm cho hệ thống này có các chức năng khác biệt so với chỉ dẫn kỹ thuật của hợp đồng thầu và các yêu cầu bổ sung đã được phê duyệt của chủ đầu tư (có bản cam kết của nhà thầu).

Về dữ liệu thu phí, hình ảnh, thông tin xe qua trạm phù hợp với video được lưu. Số lượng, hình ảnh, video xe qua trạm trong các ngày từ 28-1 đến ngày 8-2 phù hợp với báo cáo doanh thu trong ngày.

Danh sách xe qua kiểm đếm trực tiếp trong các bảng đếm xe ngày 21/2 phù hợp với dữ liệu lưu trữ trong phần mềm giám sát hậu kiểm. Số lượng xe đếm được, phân loại xe, mệnh giá thu trong công việc thực hiện đếm xe ngoài hiện trường khớp với số liệu của phần mềm giám sát hậu kiểm;

Kết quả đối chiếu kiểm tra số lượng xe đếm được, phân loại xe, mệnh giá thu, doanh thu báo cáo trong 08 ca từ ca 2 ngày 4/2 đến hết ca 3 ngày 6/2 là trùng khớp.

VEC có thu phí cao hơn Thông tư 35 của Bộ GTVT?

 

Theo Dân Việt:Trong khi đó, tại báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2018 của VECtuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành-Dầu Giây đã tiếp nhận 11 triệu lượt phương tiện với lưu lượng trung bình 35.000 - 40.000 lượt/ngày đêm. Nếu lấy mức phí thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 380.000 đồng để chia ra lấy mức phí trung bình 240.000 đồng/lượt thì số tiền từ trạm thu phí này, thu về sẽ không dưới 9,5 tỷ đồng/ngày.

"Chính sự bất nhất trong việc phát ngôn về doanh thu từ trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây đang có dấu hiệu cho thấy không ai quản lý hoạt động thu chi của VEC dẫn đến việc một mình VEC tự biên tự diễn thu chi, muốn báo cáo thế nào thì báo?"- báo Dân Việt đặt câu hỏi sau phát ngôn của ông Nguyễn Viết Tân -Giám đốc Công ty CP dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E): “Một ngày trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây thu được 3,3 - 3,4 tỷ đồng”.

Báo Dân Việt đưa ra so sánh giữa mức thu phí của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vớiThông tư 35 của Bộ GTVT:





"Chưa hết, cần phải nói thêm về mức thu phí ban hành của VEC tại trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây lại không tuân theo Thông tư 35 của Bộ GTVT. Cụ thể, mức phí tại trạm BOT TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây doVEC ban hành cao hơn nhiều so với thông tư bộ này.

 

Để triển khai hệ thống thu phí kín, VEC đã thu phí dịch vụ sử dụng đối với các phương tiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây, cụ thể: Xe dưới 12 ghế ngồi; xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng mức phí lần lượt theo các lộ trình Long Phước- Quốc lộ 51, Long Phước- Dầu Giây, Quốc lộ 51 - Dầu Giây là 40.000đ - 100.000đ - 60.000đ. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí lần lượt là 160.000đ - 380.000đ - 220.000đ...

Trong khi đó, biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt tại Thông tư số 35 của Bộ GTVT cụ thể: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 52.000đ; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 70.000đ; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 87.000đ; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet là 140.000đ; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet là 200.000đ.

Đây là một điểm khiến dư luận còn bức xúc hơn cả việc các trạm BOT khác đang bị phản đối trong thời gian vừa, bởi vì các trạm BOT phải thu theo biểu giá quy định của Bộ GTVTvà công khai thời gian thu. Trong khi đó, trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây lại thu phí cao hơn quy định. Như vậy, việc quản lý doanh thu và tiến độ hoàn vốn của dự án có nằm tất cả trong tay của VEC hay không? Việc này, có lẽ phải chờ VEC và Bộ GTVT trả lời hoặc Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ". (trích).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nên trả lời vấn đề mà báo Dân Việt đặt ra, nhất là việc VEC áp dụng mức thu phí cao hơn thông tư của Bộ GTVT, để đảm bảo sự công bằng giữa các BOT.

 

Như báo chí đã đăng tin,Ngày 1/1/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An, nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối với:Ngô Bá Thắng, giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;Trần Văn Miền, phó giám đốc chi nhánh Long An kiêm trạm trưởng trạm thu phí Chợ Đệm, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;Tô Phước Hùng, kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh;Nguyễn Thị Kim Huệ, kế toán Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh vàNguyễn Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật Xuân Phi.

Cơ quan điều tra cho biết quá trình khám xét nơi ở và nơi làm việc của những người này đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước.

Tổng cục Đường bộ VN tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát so sánh doanh thu trong thời gian giám sát và doanh thu do nhà đầu tư báo cáo, định kỳ 5 năm/lần, vì không đủ nhân lực để thực hiện thường xuyên hơn 70 trạm trên cả nước.

TCĐB tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát so sánh doanh thu trong thời gian giám sát và doanh thu do nhà đầu tư báo cáo, định kỳ 5 năm/lần, vì không đủ nhân lực để thực hiện thường xuyên hơn 70 trạm trên cả nước.

“Nhưng nếu DN sử dụng công nghệ cao, cài phần mềm thì chúng tôi cũng không biết được. Phía công an có nhiều nghiệp vụ công nghệ thông tin mới phát hiện ra được, ví dụ như gian lận thu phí ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhiều cuộc giám sát TCĐB phải mời cả phía bên công an để phát hiện ra gian lận”- ông Tô Nam Toàn- Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế TCĐBVN trả lời báo Thanh niên


Thanh Thư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo