Tin tức - Sự kiện

TỔNG THUẬT: “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ

Chiều 6/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

95 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII dự kiến tham gia Quốc hội khóa XV / Công chức ứng cử đại biểu Quốc hội cần điều kiện gì?

Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.

Theo chương trình, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, trí thức, chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ phát biểu. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…

Phát biểu giới thiệu Hội nghị, Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045; triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Đối thoại 2045 nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng phát biểu khai mạc Đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do đó, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.

Bác Hồ có nhiều mong mỏi đối với Đảng, với đất nước, trong đó, Thủ tướng nhắc đến 2 di nguyện của Người trước khi qua đời là: Tổ quốc sẽ thống nhất hai miền Nam Bắc để dân tộc Việt Nam là một và một Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Do đó, lý do chọn Hội trường Thống nhất lịch sử này để tổ chứ “Đối thoại 2045” bởi tại nơi đây đã chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, dân tộc Việt Nam là một. Và thời điểm năm 2045 cũng chính là dấu mốc để di nguyện lớn nhất của Bác trở thành hiện thực.

“Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện lớn thứ hai của người về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nói.

Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.

Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta.

Bác Hồ đã từng nói “mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, “Chính phủ và bản thân tôi mong mỏi tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những tri thức đều thấm nhuần điều này và có tinh thần như đầu nhiệm kỳ tôi đã báo cáo, chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng chương trình “Đối thoại 2045”, sáng kiến này sẽ góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu.

Đối thoại 2045 sẽ được tổ chức định kỳ

Thủ tướng nêu rõ, “Đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ, trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. “Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các “Đối thoại 2045”.

Chính thức công bố chương trình “Đối thoại 2045” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 tại Hội trường Thống nhất, TPHCM, Thủ tướng nêu rõ, đối thoại này sẽ được tổ chức hằng năm dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để lắng nghe các tầng lớp tinh hoa phát biểu”. Hôm nay chỉ là mở đầu, còn tiếp theo sẽ có nhiều cuộc đối thoại khác. “Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào cái tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị khoảng hơn 26 tỷ USD một năm.

Ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Mãnh liệt tinh thần Việt Nam

Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc đối thoại. Chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast, ông Huệ cho rằng có một sự trùng hợp tuyệt vời, “Mãnh liệt Việt Nam” cũng chính là tinh thần mà tất cả chúng ta đã và đang chứng kiến khi Chính phủ, người dân Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.

Nhắc lại những khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên Quảng Nam, quê hương của ông Huệ, ông cho biết, sau khi học ở nước ngoài, ông về làm việc trong nước và khi được giao phụ trách dự án sản xuất ô tô VinFast, ông rất hạnh phúc bởi đây là một trong những dự án có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Từ ngành công nghiệp dẫn đầu này sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế.

"Hạnh phúc hơn cả, là sự đồng điệu khi tôi nhận ra thật khó có ở đâu một tinh thần, một ý chí cao độ đến như vậy trong việc quyết tâm làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, vì niềm tự hào dân tộc", ông Võ Quang Huệ chia sẻ.

Hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Nếu tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019, VinFast mới chỉ có vẻn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường. Báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng gọi việc VinFast đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lương đạt tiêu chuẫn quốc tế chỉ sau 21 tháng khởi công và đã đạt doanh số tốt như vậy trong thời gian ngắn là những “kỳ tích”. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.

Sau giai đoạn “khởi nghiệp” đầu tiên, VinFast đang bước sang một giai đoạn phát triển mới. "Chúng tôi cũng hiểu rằng, để thành công trong giai đoạn mới này không phải chuyện dễ dàng. Có rất nhiều khó khăn, rất nhiều thách thức, rất nhiều chông gai. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần trước đây; cần sự động viên, khuyến khích, ủng hộ của Nhà nước, của xã hội, của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với khát vọng cống hiến, ý chí cùng chiến lược đúng đắn, VinFast sẽ quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu của mình", ông Huệ bày tỏ.

Và trên tất cả, VinFast mong muốn sẽ lan tỏa được tinh thần "Mãnh liệt Việt Nam" đến cho cộng đồng. Với sức mạnh của tinh thần Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tự tin sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan:Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, DN có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.

Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...

Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn

Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng DN, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2 nghìn người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TPHCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO:DN phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

DN phát triển thì đất nước phát triển

Doanh nghiệp có gánh nặng rất lớn về doanh thu hàng ngày, hàng quý, hàng năm, bởi đằng sau đó còn là hàng nghìn, hàng trĂm nghìn người lao động. Tuy nhiên gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO đã chia sẻ tầm nhìn phát triển của DN trong 10, 20 năm với câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đất nước phát triển và từng DN phát triển. Và muốn phát triển chúng ta sẽ làm thế nào?

Chủ tịch tập đoàn THACO cho biết DN này khi đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô tham gia vào chuỗi công nghiệp theo chuẩn quốc tế với việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa. Đến nay, THACO đã có những thành công nhất định, năm 2020, đã xuất khẩu được 137.000 xe, là đứng đầu trong các DN sản xuất ô tô trong nước và xuất khẩu.

THACO đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 10% đến 20%, năm 2021 xuất khẩu đạt 23.000 tỷ đồng; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp.

Ông Trần Bá Dương cho biết trong thời gian tới nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững. Vì vậy THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như ĐH Bách khoa TPHCM để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của DN; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số.

“DN phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện”.

Trước phát biểu của ông Trần Bá Dương, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả, tinh thần doanh nhân mãnh liệt của ông Trần Bá Dương, trong đó có việc giúp đỡ các doanh nhân khác.

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk mong muốnChính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chính phủ cần tạo ra thể chế minh bạch, sáng suốt

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk cho biết: Việc tổ chức Đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, những gì là thế mạnh của Việt Nam, bà đặt vấn đề.

Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.

Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.

Món quà thiết thực từ “Đối thoại 2045”

Phát biểu tại Đối thoại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet bày tỏ, “cuộc tọa đàm mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần trong doanh nhân và nhân sĩ, trí thức chúng tôi”.

“Từ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng chúng ta có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực”, bà Thảo kiến nghị, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sứs khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới. Bà Thảo cho biết, Học viện Hàng không Vietjet đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, TPHCM, “chúng tôi đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ”.

“Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp”, bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương khi đó chúng ta có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…

Lãnh đạo Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Đề cập đến tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), bà Thảo cho rằng, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, thì chúng ta phải có các sàn giao dịch mang tầm quốc tế. Và để giải quyết vấn đề công nghệ cho HoSE, bà Thảo cho biết, có thể tốn hàng chục tỷ đồng hay hơn nữa thì các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng chung sức giải quyết. Đây sẽ là món quà thiết thực từ “Đối thoại 2045”.

* Với tinh thần luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp quý báu của các doanh nhân, trí thức, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân và giới trí thức, văn nghệ sĩ, thể hiện sự cầu thị, quan tâm đặc biệt tới giới doanh nhân, trí thức.

Ngày nay, đội ngũ doanh nhân ngày càng có vị trí đặc biệt, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.

Cả nước có khoảng 7 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 người trí thức Việt kiều; trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045". Đồng thời, lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh COVID-19 hđang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta có khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".

Trong chặng đường đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đối thoại, lắng nghe những ý kiến của các doanh nhân, trí thức; đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ những vướng mắc đối để đội ngũ doanh nhân, trí thức làm tốt sứ mệnh của mình.

Tham dự “Đối thoại 2045” hôm nay có khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm