TP.HCM: Nhà ở tối thiểu 20m2/người mới được nhập khẩu?
Đà Lạt: Hàng chục nhà gỗ xâm phạm thắng cảnh hồ Tuyền Lâm / Alpha King đạt giải thưởng Bất động sản Asia Property Awards 2018
Nhiều đại biểu cho rằng, diện tích nhà ở bình quân tối thiểu 20m2/người để nhập hộ khẩu vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn của người khác tại TP là quá cao và chưa phù hợp với thực tế.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, quy định tối thiểu 20m2/người là quá cao, ông đề xuất mức 15m2/người (ảnh LQ)
Bởi vì mức bình quân hiện nay mới là 5m2/người, chỉ bằng 1/4 diện tích so với mức đề xuất mới. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, quy định như vậy là cần thiết để tránh tình trạng nhiều người lợi dụng quy định dễ dãi để nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống do dân số TP tăng quá nhanh, trong khi hạ tầng và các dịch vụ đi kèm quá tải.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự thảo được triển khai từ năm 2014, đến nay đã qua nhiều lần nghiên cứu, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn. Các dự thảo trước đây đều tách quy định thành 2 khu vực gồm các quận và các huyện, với 2 mức khác nhau.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và làm việc với các đơn vị liên quan, Tổ công tác liên ngành TP đã thống nhất đề xuất diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP được tính chung là 20m2 sàn/người.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, mức bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người là quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư. Nhiều người hiện đang ở trọ gần các khu công nghiệp chủ yếu thuê các phòng trọ có diện tích dưới 20m2 và vừa đủ cho một gia đình 3 – 4 thành viên.
“Nếu theo quy định này, họ phải thuê một căn hộ có diện tích 60 – 80m2 với giá trên dưới 10 triệu đồng/tháng thì không thể đủ chi phí. Trong khi họ cần đăng ký thường trú để được hưởng những chính sách cho con đi học.
Thế nhưng nếu không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú thì họ sẽ tạm trú. Như vậy họ không được hưởng chế độ, chính sách của TP, đời sống của họ sẽ tiếp tục khó khăn, nếu họ tiếp tục ở lại TP”- ông Hậu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) nhìn nhận, hiện diện tích nhà dân xây dựng thêm không nhiều, chủ yếu là diện tích xây dựng các dự án bất động sản.
Do vậy, người chịu tác động là người dân. Cho nên cần quy định diện tích tối thiểu thấp hơn, có thể là 16m2/người, con số trung bình giữa mục tiêu chiến lược nhà ở Quốc gia (12m2/người) và chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố (19,8m2/người) cho tới năm 2020.
Ngược lại, một số đại biểu lại ủng hộ phương án quy định tối thiểu 20m2/người. Theo ông Phương Ngọc Thạch (Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM), quy định này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. “Chúng ta cần học tập các nước về chính sách ưu tiên cho người tài hoặc có vốn đầu tư. Quy định trên sẽ đảm bảo người nhập cư vào TP.HCM là những người có chất xám hoặc có vốn đầu tư”, ông Thạch nhận định.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn trao đổi, trình bày các vấn đề liên quan dự thảo (ảnh LQ)
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, mức bình quân 20m2/người được tính dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020, diện tích bình quân là 19,8 m2 sàn/người. Đồng thời tham khảo quy định của các thành phố khác như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Quy định này là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân ngày càng gia tang. Qua đó tránh tình trạng nhà ở có nhiều hộ, nhiều người có chung hộ khẩu tại một địa chỉ, dẫn đến diện tích ở chật hẹp. Như vậy không đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Cũng theo ông Trần Trọng Tuấn, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận các ý kiến đề xuất của chuyên gia tại Hội nghị lần này để nghiên cứu và tham mưu cho UBND TP. Tuy nhiên, quy định diện tích tối thiểu bao nhiêu, phải dựa trên các cơ sở, căn cứ cụ thể và phù hợp với tình hình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam