Tin tức - Sự kiện

TP Hồ Chí Minh: Tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang căng thẳng

Tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 của TP Hồ Chí Minh đã có  1.712 bệnh nhân được xuất viện. Tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng ghi nhận 106 bệnh nhân nặng đang hồi phục... Đây là tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng.

Cần Thơ: Phong tỏa cách ly hơn 3.200 hộ dân ở xã Trường Xuân / Đề nghị các doanh nghiệp tăng cường tối đa năng lực sản xuất và cung ứng oxy y tế

1712 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 của TP Hồ Chí Minh đã được xuất viện.

Sáng 21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, từ ngày đi vào hoạt động (26/6) đến nay, tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 đặt trong Ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia COVID-19 số 1 của TP Hồ Chí Minh đã có 1712 bệnh nhân được xuất viện.

Trong đó số này có 190 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với chỉ số nồng độ virus thấp CT ≥ 30, tiếp tục về điều trị cách ly tại nhà.

Song song đó, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng đã ghi nhận 106 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang hồi phục.

Theo HCDC, đây là tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng.

Ưu tiên vaccine bảo vệ các “vùng xanh”

Theo HCDC, vaccine được nhận định là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả.

Đối với vấn đề tiêm chủng trong giai đoạn hiện nay, Thành phố ưu tiên tập trung vào đối tượng, mà không tập trung vào vùng tiêm chủng, ưu tiên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho người dân.

Khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5 với nhiều loại vaccine được phân bổ, Thành phố cần cân nhắc về việc tiêm trộn hay thống nhất 1 loại vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng sẽ được triển khai dựa trên hệ thống tiêm chủng mở rộng và kéo dài 2-3 tuần. Các điểm tiêm chủng chỉ thực hiện 120 người/ngày để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng chống COVID-19.

Nhiều chuỗi lây nhiễm được khoanh vùng, giám sát chặt

Về diễn biến dịch bệnh, HCDC cho biết, tính từ 18 giờ 30 ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.739 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 21/7.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 39.500 trường hợp mắc COVID-19.

Các chuỗi lây nhiễm ghi nhận gần đây như: Chợ Tân Định quận 1, chợ Bình Điền, chợ Phùng Hưng quận 5, chợ Cầu Muối quận 1 (bệnh nhân là những người sinh sống, bán hàng trong chợ); chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu dân cư… đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Thành phố phát hiện thêm 04 chuỗi lây nhiễm mới gồm: 3 chuỗi lây nhiễm ở khu dân cư tại quận 4, Tân Phú, Tân Bình và Tân Phú và, 01chuỗi lây nhiễm tại một công ty. Lực lượng chức năng đã khẩn trương tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, xử lý chuỗi lây nhiễm mới phát hiện.

2 ngày qua, số ca mắc đã có giảm

HCDC nhận định, trong 2 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Thành phố đã có giảm nhưng vẫn chưa thật sự khả quan.

Trong 7-10 ngày tới, đỉnh dịch có đạt được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và sự đồng hành, chung sức của người dân trong việc thực hiện siết chặt hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

HCDC kêu gọi người dân thành phố phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”, tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các quy định của khu phong tỏa, khu cách ly và tiêm vaccine khi đến lượt mình.

Đồng loạt triển khai cách ly F1 tại nhà

Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đã chủ trì buổi họp trực tuyến triển khai cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc họp trực tuyến diễn ra với sự tham gia của các phòng y tế, ban giám đốc Trung tâm y tế và khoa Kiểm soát bệnh tật - trung tâm y tế của Thành phố Thủ Đức và các Quận huyện trên địa bàn Thành phố.

BS.CKII Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cho biết, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly.

Trước tình hình cấp bách như hiện nay, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) cần triển khai đồng loạt tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện thay vì chỉ thí điểm ở một vài phường, xã như kế hoạch cũ.

Quy trình thực hiện cách ly F1 tại nhà

Tại buổi họp, BS.CKI Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện việc cách ly tại nhà cho F1.

Theo đó, khi F1 có nguyện vọng được cách ly tại nhà sẽ đăng ký hồ sơ tại Trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú. Các trạm y tế sau khi tiếp nhận sẽ gửi danh sách này về Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã.

Ban chỉ đạo nơi tiếp nhận sẽ cử Tổ thẩm định xuống đánh giá yêu cầu cơ sở vật chất nơi cách ly mà F1 đăng ký. Thủ tục này sẽ được hoàn thành trong vòng 24h.

Hồ sơ đạt điều kiện được cách ly tại nhà sẽ được tổ thẩm định gửi về Phòng y tế, văn phòng ủy ban nhân dân phường, xã để tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và ra quyết định cách ly tại nhà cho F1.

Trong thời gian chờ ra quyết định, F1 sẽ được khuyến khích, hướng dẫn cài đặtphần mềm VHD.

Giám sát chặt chẽ

Việc giám sát cách ly tại nhà sẽ gồm lực lượng dân quân, công an, y tế và Tổ COVID cộng đồng phối hợp thực hiện. Lực lượng dân quân, công an sẽ đảm nhận việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, giám sát sự tuân thủ cách ly.

Lực lượng y tế sẽ đảm trách việc hướng dẫn người cách ly khai báo, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe trên ứng dụng VHD; Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người nhà theo quy định; Hướng dẫn các trường hợp cách ly tự thu gom chất thải đúng cách; Nếu người cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo trung tâm y tế xử lý theo quy định.

Việc giám sát F1 cách ly tại nhà, vai trò của Tổ COVID cộng đồng vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa người cách y, người ở cùng nhà với người cách ly với nhân viên y tế và chính quyền địa phương. Hằng ngày Tổ COVID cộng đồng sẽ tiếp nhận thông tin và kiểm tra sức khỏe người cách ly, người chăm sóc hỗ trợ, người cách ly; Hỗ trợ đo thân nhiệt nếu họ không tự đo được.

Bên cạnh đó, Tổ COVID cộng đồng còn nhận trách nhiệm quản lý, giám sát, thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà, giám sát y tế cho F1 trong và sau khi kết thúc cách ly thông qua các phương tiện giám sát.

Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với những người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc./.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm