Tin tức - Sự kiện

Trường cho học sinh thôi học vì bất đồng với phụ huynh, Việt Úc không phải ngoại lệ

DNVN - Cách xử lý được xem là “giận cá chém thớt” của VAS khi không tiếp nhận 40 học sinh trong năm học tới do bất đồng với phụ huynh lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, nhưng không phải chuyện hiếm ở các trường tư thục trên thế giới.

Đà Nẵng: Chi hơn 38 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ học phí cho học sinh do ảnh hưởng dịch Covid-19 / Du học sinh Việt Nam tại Thụy Sỹ: Hãy bước ra khỏi “Vòng tròn an toàn” cho chính mình

Cuối tháng 6/2020, Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) thông báo từ chối tiếp nhận 40 học sinh ở năm học 2020–2021 vì những bất đồng về học phí và các vấn đề khác với phụ huynh học sinh (PHHS). Quyết định này đã khiến VAS gặp không ít chỉ trích từ PHHS và dư luận xã hội. Tuy nhiên, cách xử lý được xem là “giận cá chém thớt” của VAS không phải hiếm ở các trường tư thục trên thế giới. Ở nhiều nơi, việc tuyển sinh của các trường tư thục được xem là quasi contract (chuẩn hợp đồng) và Sổ tay của trường (handbook) là các điều khoản của hợp đồng này. Vì thế, dựa trên handbook, nhiều trường tư thục có thể đuổi học hoặc từ chối tiếp nhận học sinh ở năm học tiếp theo với các lý do như: PHHS không đóng học phí, gây phiền phức nghiêm trọng lặp đi lặp lại trong khuôn viên trường, hoặc bất đồng nghiêm trọng với chính sách của trường…

Năm 2012, hiệu trưởng Hall School Wimbledon (HSW), một trường tư thục ở Wimbledon, London, Anh, dành cho trẻ em từ 4 đến 16 tuổi, đã viết thư từ chối tiếp tục tiếp nhận học sinh với một gia đình có 3 con theo học ở trường từ năm 2009. Vấn đề không đến từ học sinh mà đến từ PHHS. Gia đình này luôn cho rằng con cái mình xứng đáng đạt được điểm số cao nhất trong các bài kiểm tra hay kết quả xuất sắc trong thể thao. Khi kết quả không như ý, họ liên tục yêu cầu giáo viên giải thích và dồn dập gửi mail, gửi thư công kích trường học. Trước khi HSW ngừng tiếp nhận học sinh, quan hệ hai bên đã xấu tới mức HSW không cho phép người mẹ được nói chuyện với giáo viên giảng dạy nếu Hiệu trưởng không có mặt. Giống như nhiều trường tư thục khác, HSW có chính sách rõ ràng với hành vi của phụ huynh được ghi trong Sổ tay. Theo đó, HSW “bảo lưu quyền cho trẻ thôi học nếu người giám hộ/phụ huynh có lỗi nghiêm trọng hoặc có liên tục có hành vi sai trái liên quan tới học sinh, nhân viên trường, phụ huynh khác hoặc với danh tiếng của trường”.

Tháng 7/2012, mặc “dù xác định những đứa trẻ hoàn toàn không có lỗi” nhưng “do quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh đã rạn nứt không thể cứu vãn” nên HSW buộc phải từ chối tiếp nhận học sinh như là “hệ quả của mối quan hệ đổ vỡ nói trên”. HSW muốn phụ huynh tự rút hồ sơ thay vì họ phải đuổi học (vì sẽ ảnh hưởng tới học bạ học sinh). Một cuộc họp ngắn giữa hai bên đã được tổ chức và Hiệu trưởng cam kết viết giấy giới thiệu cho học sinh đến trường mà cha mẹ muốn.

Vụ việc trở nên phức tạp khi Hiệu trưởng Donhead School (trường mới mà gia đình trên định đăng ký cho con mình) từ chối họ. PHHS cho rằng Hiệu trưởng HSW đã cung cấp thông tin bất lợi cho họ (việc từng bị áp chế độ không được phép nói chuyện với giáo viên đứng lớp nếu không có mặt Hiệu trưởng). Vì thế, gia đình này đã kiện HSW ra tòa nhằm yêu cầu bồi thường thiệt hại và một lệnh cấm vĩnh viễn Hiệu trưởng HSW cung cấp thông tin nói trên cho Hiệu trưởng các trường khác. Vụ việc kết thúc với phần thắng thuộc về HSW khi thẩm phán cho rằng, không có thêm hợp đồng nào được hình thành giữa hai bên từ cuộc gặp cuối cùng và đòi hỏi của nguyên đơn chống lại hiệu trưởng HSW hoàn toàn không có căn cứ.

Trong khi sự việc ở Anh chủ yếu do sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ với con cái, dẫn tới các hành vi không đúng mực với giáo viên và nhà trường thì sự việc ở Mỹ lại nảy sinh từ sự bất đồng giữa PHHS và trường học trong cách giải quyết vấn đề, dẫn tới sự kích động của PHHS và hành động thẳng tay của trường học đối với học sinh.

Năm 2019, trường tư thục North Light ở Oakland đã đuổi học Elegance, 9 tuổi, với lý do mẹ của cô bé đã xông vào lớp học, quát mắng học sinh và giáo viên vì cho rằng con mình bị bắt nạt nhiều lần nhưng nhà trường không giải quyết.

Năm 2019, trường tư thục North Light ở Oakland đã đuổi học Elegance, 9 tuổi, với lý do mẹ của cô bé đã xông vào lớp học, quát mắng học sinh và giáo viên vì cho rằng con mình bị bắt nạt nhiều lần nhưng nhà trường không giải quyết.

Năm 2019, trường tư thục North Light ở Oakland đã đuổi học Elegance, 9 tuổi, với lý do mẹ của cô bé đã xông vào lớp học, quát mắng học sinh và giáo viên vì cho rằng con mình bị bắt nạt nhiều lần nhưng nhà trường không giải quyết. Tuy nhiên, Tiffany Wooley, mẹ của cô bé, đã phủ nhận thông tin nói trên. Gia đình Wooley cho biết con gái họ bị hai học sinh lớp 4 bắt nạt ít nhất 10–12 lần từ đầu năm học 2018–2019. Trong 5 tháng, họ đã gửi tin nhắn và email để yêu cầu được gặp người sáng lập và là Giám đốc phát triển của North Light, Michelle Lewis; yêu cầu trường North Light tổ chức diễn đàn về vấn đề bắt nạt học đường và tổ chức gặp mặt hai học sinh có liên quan đến vụ việc.

Trong cuộc gặp ngày 29/3/2019 giữa hai bên, trường North Light phủ nhận việc Elegance bị bắt nạt, yêu cầu PHHS tin tưởng giáo viên và nhân viên trong việc xử lý vấn đề trong khi Tiffany lớn tiếng chỉ trích trường không giải quyết và né tránh trách nhiệm. Chỉ ít ngày sau, North Light liên hệ với gia đình Tiffany và cho biết hợp đồng giữa hai bên đã bị hủy và Elegance sẽ phải chuyển trường. Gia đình Wooley đã liên hệ luật sư và muốn trường học xin lỗi nhưng trường từ chối. Quyết định của North Light đã dẫn tới một vài cuộc biểu tình nhỏ và gây được chú ý trên mạng xã hội cho đến đầu tháng 5/2019.

Nói chung, nếu Sổ tay của trường tư thục quy định rõ ràng về các hậu quả khi PHHS có hành vi không phù hợp; trường tư thục có trả lời các vấn đề được PHHS nêu ra (dù PHHS cảm thấy không thỏa mãn); thực hiện ghi chép đầy đủ về sự việc… PHHS sẽ khó thắng kiện. Tuy nhiên, nếu Tòa án xem xét vụ kiện xuất phát từ lợi ích của trẻ em và Luật pháp quốc gia có các quy định ưu tiên bảo vệ trẻ em, các trường tư thục có thể gặp phán quyết bất lợi. Ví dụ, tháng 6 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã đứng về phía PHHS trong một vụ kiện kéo dài 4 năm. Phán quyết của Tòa, dựa trên điều 2, mục 28, Chương 2 Hiến pháp Nam Phi, “trong mọi vấn đề liên quan tới trẻ em, lợi ích tốt nhất cho trẻ em quan trọng hơn bất cứ điều gì” cũng đã tạo ra tiền lệ pháp bất lợi cho các trường tư thục ở Nam Phi khi muốn chấm dứt Hợp đồng với phụ huynh (Parent Contract).

Tháng 12/2016, một PHHS đã gửi đơn kiện trường tư thục Pridwin Preparatory (PPS) lên Tòa án tối cao Nam Phi ở Gauteng, Johannesbourg.

Tháng 12/2016, một PHHS đã gửi đơn kiện trường tư thục Pridwin Preparatory (PPS) lên Tòa án tối cao Nam Phi ở Gauteng, Johannesbourg.

Tháng 12/2016, một PHHS đã gửi đơn kiện trường tư thục Pridwin Preparatory (PPS) lên Tòa án tối cao Nam Phi ở Gauteng, Johannesbourg. Nguyên đơn cho rằng quyết định đơn phương chấm dứt Hợp đồng với phụ huynh của PPS là vi hiến, trái pháp luật và không hợp lệ. Nguyên đơn cũng tìm kiếm một án lệnh tạm thời cho phép 2 con của mình tiếp tục học tại PPS cho đến khi có phán quyết cuối cùng. Trước đó, ngày 30/6/2016, PPS đã gửi thư thông báo chấm dứt Hợp đồng với phụ huynh trên theo điều khoản 9.3. Theo điều khoản này, PPS “có quyền hủy bỏ Hợp đồng này bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì” miễn là họ cung cấp cho PHHS “một thông báo đầy đủ bằng văn bản về quyết định chấm dứt Hợp đồng đó”. Phía PPS cáo buộc phụ huynh nói trên đã có hành vi hăm dọa, lăng mạ và tạo ra mối đe dọa đối với nhân viên của trường, làm tổn hại đến uy tín của trường. Phía PPS cũng từ chối yêu cầu “mở phiên điều trần trước khi đưa ra quyết định” của PHHS. Với quyết định của PPS, 2 đứa con 6 tuổi và 10 tuổi (vào thời điểm 2016) của phụ huynh này sẽ phải chuyển trường.

Ngoại trừ án lệnh tạm thời, các nội dung chính của đơn kiện đã bị Tòa án tối cao bác bỏ. Tòa án tán thành quyền hủy bỏ Hợp đồng với phụ huynh theo điều khoản 9.3 của PPS theo nguyên tắc pacta sunt servanda (thỏa thuận phải được tôn trọng). Tòa cho rằng PPS đã chấm dứt Hợp đồng với phụ huynh một cách hợp lý, dựa trên sự cân nhắc và phù hợp với lợi ích chung của toàn bộ học sinh đang theo học tại trường. Ngoài ra, Tòa án cũng cho rằng quyền giáo dục cơ bản của trẻ em không bao gồm quyền được học ở một trường tư thục (vì nó sẽ dẫn tới việc ai cũng muốn theo học ở trường tư thục tốt nhất). Vì thế, hai đứa trẻ sẽ phải chuyển trường vào cuối năm 2017. Cho đến thời điểm đó, PHHS vẫn phải tuân thủ các điều khoản trong Hợp đồng với PPS. Không bằng lòng với phán quyết, PHHS đã nộp đơn lên tòa Phúc thẩm tối cao.

Trong phiên tòa tháng 11/2018, Tòa phúc thẩm tối cao đã giữ nguyên phán quyết của Tòa án tối cao. Tòa phúc thẩm đồng ý rằng quyết định của PPS, cho 2 học sinh nghỉ học vì lỗi của phụ huynh, được đưa ra dựa trên sự cân bằng lợi ích toàn trường và phù hợp với hoạt động quản lý vận hành trường tư thục. Ngoài ra, Tòa cũng cho rằng PPS không có nghĩa vụ phải chủ động cung cấp giáo dục cơ bản cho trẻ em và nghĩa vụ của nó được giới hạn theo Hợp đồng với phụ huynh. Sau phiên tòa phúc thẩm, hai đứa trẻ đã phải rời khỏi PPS và đăng ký vào một trường khác. Tuy nhiên, phụ huynh của các em vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện và gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp.

Cuối cùng, sự kiên trì của người này đã được đền đáp. Trong phiên tòa ngày 17/6/2020, Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã tuyên bố điều khoản cho phép PPS chấm dứt hợp đồng giữa họ và phụ huynh có con theo học tại trường “vì bất cứ lý do gì” là vi hiến. Tòa án Hiến pháp yêu cầu PPS phải có một quy trình công bằng hoặc tổ chức tranh tụng tại phiên điều trần (oral hearing) trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Phán quyết này của Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã tạo ra một tiền lệ pháp đối với các trường tư thục ở Nam Phi, theo đó các trường tư thục phải có nghĩa vụ thụ động (negative obligation) không can thiệp vào giáo dục cơ bản của học sinh; có nghĩa vụ phải xem xét các quyền của học sinh thông qua việc cho phép học sinh có cơ hội nêu quan điểm về sự việc liên quan đến mình một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện, có thể là cố vấn tâm lý (school counsellor) của trường. Đây có thể coi là một kết thúc có hậu cho PHHS, người đã theo đuổi vụ kiện từ năm 2016 và có thể sẽ làm thay đổi hoạt động kinh doanh giáo dục, thu hẹp quyền lực của các trường tư thục ở Nam Phi.

Nhìn chung, việc đuổi học hoặc từ chối tiếp nhận học sinh không còn đơn giản với các trường tư thục như trước đây. Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, các vấn đề PHHS gặp phải trong quan hệ với trường tư thục có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận và được truyền thông quan tâm. Trong vài năm gần đây, các trường tư thục không chỉ đối mặt với các vụ kiện dai dẳng kéo dài đến từ một số phụ huynh có tiềm lực mà còn phải đối mặt với sức ép và các vụ kiện đến từ các nhóm PHHS, mà liên kết ban đầu giữa họ có thể hình thành từ mạng xã hội. Tuy nhiên, về mặt pháp luật, họ vẫn luôn có lợi thế trong các vụ kiện. Nhất là ở những nơi, pháp luật trao quyền tự chủ cao cho các trường tư thục và thiếu các điều khoản ưu tiên lợi ích của trẻ em trong mọi tranh chấp liên quan chúng.

Hàn Phi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm