Tin tức - Sự kiện

Từ năm 2021, thí điểm từng bước thi trên máy tính trong kỳ thi THPT Quốc gia

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, nơi nào thuận lơi, phù hợp sẽ tổ chức thi trên máy tính trước, làm dần với tinh thần 'nhanh nhưng không vấp'.

Từ năm 2021, các môn thi THPT Quốc gia sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và các thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính.Đây là một trong những thông báo chính thức trong đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Ảnh minh họa

Các ý kiến đều thống nhất rằng, thi trên máy tính là hướng đi phù hợp với xu thế của thế giới, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra một số băn khoăn như lộ trình triển khai như thế nào trong điều kiện chênh lệch về điều kiện học tập, cơ sở vật chất giữa các vùng miền? Ngân hàng đề thi có đủ không nếu thi mỗi thí sinh một đề khác nhau, thi nhiều ngày một đợt và nhiều đợt trong một năm? Thi trên máy tính thì có an toàn, bảo mật không?

Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT.

Thưa ông, cho đến thời điểm này, sau khi tiếp tục nghiên cứu và xem xét ý kiến của các chuyên gia đã đóng góp trong thời gian qua, ông cho biết lộ trình dự kiến triển khai thi trên máy tính như thế nào?

Ông Mai Văn Trinh: Sau 5 năm (2015 - 2019), chúng ta đã tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, đặc biệt những thành công của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã khẳng định rằng kỳ thi này là phù hợp với điều kiện hiện nay đó là giảm áp lực, tốn kém nhưng kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp, đặc biệt là cơ sở để giáo dục đại học, tuyển sinh.

Tuy nhiên, có thể thấy, kỳ thi này có thể làm tốt hơn nữa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin để làm sao giảm bớt sự có mặt của con người, tăng cường ứng dụng tạo cơ hội giảm bớt nguy cơ, đặc biệt là kỳ thi công bằng tin cậy hơn.

Xu hướng quốc tế là tổ chức kỳ thi trên máy tính. Từ thực tiễn, nhiều trường đại học đã tổ chức kiểm tra, thi trên máy tính cho sinh viên như ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, thậm chí ngay cả trường THPT ở các mức độ khác nhau, học sinh cũng đã làm bài thi trên máy tính. Bộ GD-ĐT tính toán chuẩn bị các điều kiện đầy đủ để bắt đầu từ năm 2021 thí điểm từng bước để thi trên máy tính trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Với kỳ thi này, trong 1 năm, các em có thể thi một số đợt và kết quả nào cao nhất thì các em sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để các trường đại học, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Từ nay cho đến thời điểm dự kiến năm 2021 bắt đầu thí điểm và chúng ta mở rộng dần hình thức thi trên máy tính, giảm dần hình thức thi trên giấy.

Kế hoạch thí điểm đã được xác định sơ bộ thế nào, thưa ông?

Ông Mai Văn Trinh: Để tổ chức thành công thi trên máy tính, chúng ta phải có 5 nhóm điều kiện căn bản:

- Ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, có độ tương đồng;

- Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, các thiết bị giám sát đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc;

- Đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất để tổ chức kỳ thi;

- Phải có hệ thống quy chế, quy định quy trình rõ ràng, phù hợp với hình thức thi trên máy tính;

- Chuẩn bị tâm thế cho học sinh, kỹ năng.

Có rất nhiều việc chúng tôi phải chuẩn bị trong đó quan trọng nhất là chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, xây dựng Testsites (địa điểm tổ chức). Trên cơ sở nền tảng các trường đại học hiện nay, sẽ hình thành dần ở các vùng miền Testsites phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nếu những điều kiện trên phù hợp sẽ thí điểm dần. Nơi nào thuận lợi, phù hợp sẽ tổ chức trước. Làm dần với tinh thần "nhanh nhưng không vấp, không vội vàng" bảo đảm thành công và quan trọng là duy trì tổ chức song hành cả thi trên giấy và máy tính, đặc biệt phải hướng đến quyền lợi của thí sinh.

Trong năm 2020, kỳ thi vẫn ổn định như năm 2019 nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian chúng tôi triển khai các điều kiện như trên. Năm 2021 sẽ bắt đầu thí điểm.

Đối với vấn đề bảo mật và an toàn trong quá trình tổ chức thi trên máy, Bộ GD-ĐT có phương án ra sao?

Ông Mai Văn Trinh: Bảo mật trong các kỳ thi đặc biệt là thi trên máy tính ở mức độ rất cao, thậm chí chiếm rủi ro cao hơn hình thức thi truyền thống. Khâu bảo mật diễn ra ở mọi khâu trong quá trình tổ chức thi. Diễn ra ngay từ khi xây dựng ngân hàng câu hỏi, đưa vào máy chủ sau này, bảo mật trong quá trình thi… Vì vậy, phải có những giải pháp cụ thể, sử dụng công nghệ tốt nhất trong phạm vi có thể đảm bảo cho kỳ thi. Đặc biệt, quan trọng nhất là ý thức và sự tham gia của con người với tinh thần cao nhất.

Theo PV/VTV

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo