Tươi rói nụ cười sau chuyến biển cuối năm
Thất nghiệp, cử nhân ra phố hát rong / Cảnh sát cơ động Hà Nội tuần tra xuyên đêm trấn áp tội phạm dịp Tết
Tàu cá của ngư dân tỉnh Trà Vinh tấp nập cập bến. Ảnh: mard.gov.vn |
Năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm Âm lịch, ngư dân lại hối hả cho tàu, thuyền vươn khơi xa, nhất là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản với mong muốn sẽ thu được nhiều “lộc biển”, trở về đón một cái Tết thật tươm tất.
Tùy thuộc vào thời tiết mà chuyến biển cuối năm sẽ kéo dài từ 15-20 ngày. Tuy những chuyến biển cuối năm nay không đầy ắp cá tôm như mong đợi, nhưng do giá hải sản tăng cao, nên ngư dân ai cũng có một cái Tết ấm áp.
Những ngày này, tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) hàng trăm tàu cá công suất lớn của ngư dân các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng tấp nập vào bờ bán cá để về quê ăn Tết.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Tiến, chủ tàu cá QNg98968 (huyện Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, dịp cuối năm, tuy sản lượng đánh bắt ít, nhưng vì nhu cầu tiêu thụ những ngày Tết tăng mạnh, nên giá cá tăng cao, vì vậy, anh cùng 11 bạn thuyền trong chuyến ra khơi này mỗi người vẫn có được 5 triệu đồng về quê sắm Tết.
Hiện, giá cá tại chợ đầu mối hải sản Đà Nẵng tăng cao: Cá thu dao động từ 130.000-140.000 đồng/kg, cá ngừ 60.000 đồng/kg, cá nục 130.000 đồng/kg... cao hơn ngày bình thường 20.000-30.000 đồng/kg.
Tại cảng cá Định An, nơi tập trung nhiều tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ của bà con ngư dân tỉnh Trà Vinh, luôn tấp nập người xe, vận chuyển hàng hóa cho những chuyến biển cuối năm. Thời điểm những ngày giáp Tết này, các tàu khai thác hải sản xa bờ của ngư dân tỉnh Trà Vinh cập cảng cá lên hải sản đánh bắt được bán được giá nên thu về lợi nhuận khá cao.
Không chỉ các tàu mang số hiệu của tỉnh Trà Vinh, mà nhiều tàu đến từ các địa phương khác như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu… cũng trúng mùa, được giá. Những ngày này, nụ cười luôn thường trực trên gương mặt các chủ tàu cá và các thuyền viên tại cảng cá Định An, họ vui vì chuyến biển cuối năm thuận lợi, kết quả đánh bắt rất khả quan, hải sản bán được giá cao trong những ngày giáp Tết.
So với vụ biển chính (từ tháng 5-10 âm lịch), dịp cuối năm ở miền Bắc và miền Trung rơi vào mùa Đông, mưa gió diễn biến phức tạp, nên thời gian đi biển của ngư dân hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, sản lượng hải sản cũng ít hơn so với các tháng trong năm.
Nhưng, với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, theo ngư dân Trần Hòa (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào dịp cuối năm, chỉ cần trời hửng ráo là ngư dân có thể cho tàu, thuyền hướng thẳng ra khơi để đến các vùng biển có nhiều tôm, cá.
Nụ cười của ngư dân khi trúng đậm "lộc biển" cuối năm. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Sau hơn 20 ngày lên đênh trên biển tìm luồng cá, hàng nghìn tàu cá của ngư dân Bình Định đồng loạt cập bờ tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Tàu nào tàu nấy cá đều đầy hầm.
Thời điểm này giá của cá ngừ đại dương lẫn cá ngừ sọc dưa đều ở mức cao, nên hầu hết ngư dân có thu nhập khá.
Ngư dân Nguyễn Văn Hồng, chủ tàu cá BĐ 97402-TS (xã Tam Quan Bắc), dù đang cùng thuyền viên đưa những con cá ngừ nặng hàng chục cân từ hầm tàu lên bờ vẫn hồ hởi khoe: “Chuyến biển này tàu của tôi khai thác được 25 con cá ngừ đại dương, bình quân mỗi con 40 kg, bán được 130.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi ròng 80 triệu đồng”.
Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (Hòn Rớ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Thời điểm này biển vẫn còn sóng gió, nhưng là vụ chính của nghề khai thác cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa, nên nhiều tàu vươn khơi bám biển trên các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, DK1. Các tàu cập cảng chuyến này đều đạt sản lượng cao và lãi khá”.
Niềm vui của ngư dân trong chuyến biển đầu năm như được nhân đôi khi giá các loại thủy sản được thương lái thu mua tại cảng Hòn Rớ cao hơn các chuyến biển trước. Hiện nay, cá ngừ đại dương được bán với giá 125.000-130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tàu lãi 150 triệu đồng, chia ra mỗi thuyền viên kiếm được trên dưới 10 triệu đồng, chủ tàu cũng thu được lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
Trong khi đó, giá cá ngừ sọc dưa đang dao động quanh mốc 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ngư dân thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng. Nhờ sản lượng đạt cao, giá bán khá nên ngư dân rất phấn khởi, có thêm tiền để mua sắm Tết.
Cũng như các tỉnh bạn, ngư dân làng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi vì trúng đậm mùa ruốc cuối năm.
Ông Võ Duy Hải, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, cho biết: “Mỗi chuyến kéo ruốc vừa vô bờ được hơn 5 tạ, các tư thương kéo đến chia nhau ruốc nhanh chóng, sau đợt bán, tàu lại tiếp tục quay ra đánh bắt liền. Mỗi ngày đi khoảng vài chuyến, thu về 40-50 triệu, chia các anh em trên tàu đi cùng cũng có cái tết đầy đủ”.
Hiện nay, giá ruốc đầu vụ giá khá cao: Ruốc tươi giá 35.000 đồng/kg, ruốc khô 110.000-120.000 đồng/kg. Ruốc năm nay xuất hiện sớm hơn, từ cuối tháng Chạp đến ra Giêng mới hết mùa. Ngư dân được mùa ruốc cuối năm như được “lộc biển” lo sắm sửa Tết trọn vẹn.
Ngư dân Bình Định liên hoan trên boong tàu trước chuyến biển xuyên tết. Ảnh: nongnghiep.vn
|
Chuẩn bị chuyến biển xuyên Tết
Một số chủ tàu khai thác xa bờ cho hay, sau chuyến biển này họ sẽ nghỉ ngơi vài ngày, chuẩn bị nhu yếu phẩm để vươn khơi đánh bắt xuyên Tết Nguyên đán.
Ngư dân Nguyễn Văn Thương (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Để chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết, chúng tôi đã tiếp xong mấy nghìn lít dầu. Ngoài đá lạnh, các nhu yếu phẩm phục vụ chuyến biển, chúng tôi còn mang theo cả mứt Tết, hạt dưa, củ kiệu, bánh chưng… để đón Tết trên biển”.
Các tàu đánh cá xuyên Tết sẽ trở về vào khoảng mùng 4, mùng 5 Tết Kỷ Hợi. Để tạo điều kiện cho ngư dân sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá như bốc dỡ cá, lấy đá, bơm xăng, dầu… thuận lợi, các cảng đã cắt cử các ca trực ở cầu cảng 24/24 giờ để phục vụ ngư dân vào ra cảng một cách thuận lợi nhất.
Chi cục Thủy sản Khánh Hòa và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản cũng tặng quà Tết, động viên các ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác xuyên Tết.
Tương tự, đội tàu 15 chiếc hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa của lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (tỉnh Bình Định) đang sắm đồ dùng để vươn khơi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán.
Theo ông Ninh, nghề lưới vây cần nhiều lao động phục vụ, nên mỗi tàu có đến 14-15 thuyền viên đi bạn. Đồ dùng của chuyến biển xuyên Tết khác chuyến biển trong năm. Ngoài lương thực, nhiên liệu, đá lạnh, còn mua thêm chục thùng bia, thịt heo, thịt bò để anh em được ăn cái Tết trên biển tươm tất.
Chiều 30 tháng Chạp tất cả thuyền viên trên tàu cùng nhau thu dọn ngư lưới cụ, tắm rửa, mặc đồ mới tinh tươm, sửa soạn cỗ để nửa đêm cúng đón giao thừa. Cúng xong, bàn tiệc được bày dài trên boong. Thuyền viên chúc nhau một năm mới an lành, may mắn, ôn lại kỷ niệm của những chuyến biển trong năm và cùng hát vang chào Xuân mới.
“Tập tục của ngư dân là không làm việc trong ngày đầu tiên của năm mới, nên suốt mùng 1 Tết các thành viên trên tàu sẽ vui chơi hết mình, để rồi mùng 2 lại bước vào lao động, sản xuất, với mong muốn cuộc sống ngày càng sung túc hơn”, ông Ninh nói.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các huyện, thành phố ven biển đã tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tranh thủ ra khơi đánh bắt để đạt kế hoạch đề ra; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, ngư đội liên kết bám biển khai thác, đánh bắt.
Vậy là bắt đầu bước vào mùa biển mới. Những chính sách phát triển thủy sản được Nhà nước ban hành sẽ tiếp tục giúp ngư dân vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều “lộc biển” trong năm mới, đồng thời cùng với các lực lượng chức năng giữ bình yên vùng biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo