Vẫn chưa phân rõ trách nhiệm để xảy ra thừa, thiếu giáo viên
Không viết, vẽ bậy vào sách giáo khoa để sử dụng lại nhiều lần / Vụ cháy Đê La Thành: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hỗ trợ 54 triệu đồng cho gia đình bị thiệt hại
Sáng 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia.
Các đại biểu đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay.
Toàn cảnh phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia.Ảnh Quochoi.vn |
Theo báo cáo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15/08/2018, cả nước đang thiếu gần 76 nghìn giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất là hơn 43 nghìn giáo viên. Tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các cấp học, môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không thể điều tiết được.
Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành dẫn đến việc phải sa thải hàng loạt như Đắk Lắk, Hà Nội, Cà Mau, Phú Yên, Quảng Ngãi... gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Trong khi các địa phương chưa tìm được giải pháp xử lý vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ thì Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện vẫn còn một số quan điểm chưa thống nhất liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởngBộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại phiên họp. Ảnh Quochoi.vn |
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, Bộ không phải là đơn vị chủ trì đầu mối trong tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được việc điều tiết số lượng giáo viên, cơ cấu giáo viên từng bộ môn, hay giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên. Bộ vẫn giữ quan điểm cần có quy định riêng đối với tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Bộ Nội vụ cũng nêu quan điểm, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ này là trách nhiệm của địa phương vì Bộ Nội vụ chỉ có trách nhiệm hướng dẫn về phương pháp thực hiện.
“Giáo viên thiếu cục bộ này thì lại quay lại 2015, định mức giáo viên quy định cụ thể bao nhiêu giáo viên trên một lớp và địa phương phải thẩm định, quyết định cái này. Còn lại từ 2016 đến nay thì Bộ Nội vụ được giao thẩm định tổng biên chế sự nghiệp của địa phương đó, trong đó có giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học. Còn trên cơ sở tổng đấy thì giao toàn quyền cho địa phương có thể phân bổ, đảm bảo trong số địa phương phê duyệt đó không vượt qua số Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ để thẩm định”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói.
Về phía các địa phương cũng nêu ra những nguyên nhân để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên rất khó giải quyết như hiện nay đó là biến động về quy mô trường lớp, do tăng dân số cơ học, do phải thực hiện cắt giảm 10% biên chế giáo viên...
Tuy nhiên, những ý kiến giải trình của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương về trách nhiệm để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên kéo dài và những giải pháp để giải quyết chưa thật sự thỏa đáng.
Nhiều giáo viên ở Bình Thuận, một số đang bụng mang dạ chửa bị cắt hợp đồng buồn bã vì không biết sẽ làm gì để sống. Câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa được phân định rõ ràng. |
“Tôi nghĩ, trong công tác giải quyết vấn đề này thì giữa địa phương, giữa Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục- Đào tạo chưa ngồi lại xem xét một cách thấu đáo. Trong khi đó thì nhiều địa phương thì công luận lên rất là đông nhưng Bộ Giáo dục- Đào tạo thì chỉ có một câu là tôi đề nghị chính quyền địa phương xem xét, giải quyết báo cáo với Bộ. Như vậy thì trách nhiệm không cao. Phải có một phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành, 3 nơi để chúng ta giải quyết một cách thấu đáo, trấn an được dư luận không tốt trong lực lượng giáo viên, từ chỗ đó họ mới an tâm công tác”, ông Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, vấn đề đội ngũ nhà giáo và thi THPT quốc gia đang có nhiều thay đổi. Hệ thống văn bản để triển khai 2 nội dung này có trên 20 văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, nhưng hình như còn chồng chéo và chưa thống nhất với nhau giữa các Bộ, ngành trung ương. Những mâu thuẫn này đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, phải đánh giá lại vị trí vai trò của người thầy như thế nào vì sản phẩm của ngành này là con người...
“Ở đây thì không phải là đặt cao hơn, nhưng sản phẩm của ngành giáo dục là con người và chính sản phẩm của ngành giáo dục là người chủ tương lai của đất nước. Chính trên cái tầm đó mà chúng ta đặt ra vấn đề là “giáo dục là quốc sách” và chúng ta nói đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tư cho tương lai cho đất nước của chúng ta. Ở chỗ này hình như chúng ta nhìn vẫn chưa ổn. Ở đó đi đến chuẩn mực đánh giá, cách xử lý trong vấn đề biên chế của chúng ta hình như cũng còn chưa nhuần nhuyễn lắm giữa các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương”, ông Phan Thanh Bình nói.
Từ những nguyên nhân đã được chỉ ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Qu ốc hội cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương một số giải pháp để có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và chính sách đối với giáo viên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo